Chuyên mục  


Quân đội Ukraine ngày 6/8 phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk, chiến dịch xuyên biên giới lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Sau ba tuần, tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 27/8 cho biết họ đã kiểm soát khoảng 1.300 km2 với khoảng 100 khu dân cư.

Theo Syrsky, mục tiêu chiến dịch là buộc Nga phải phân tán lực lượng từ các khu vực khác về phòng thủ Kursk, giảm sức ép Ukraine phải chịu ở tiền tuyến miền đông.

"Nếu các đồng minh dỡ hạn chế về việc sử dụng vũ khí nhằm vào lãnh thổ Nga, chúng tôi đã không cần phải đưa quân vào tỉnh Kursk", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói, nhắc đến việc Ukraine chưa được phép sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tập kích sâu trong lãnh thổ Nga.

Ông Zelensky cho rằng hạn chế này đang khiến Ukraine mất dần khả năng chống đỡ các đợt tấn công của Nga, đặc biệt là ở hai cửa ngõ chiến lược Pokrovsk và Toretsk tại Donetsk. Tuy nhiên, các đồng minh của Kiev còn chia rẽ về vấn đề. Anh và Pháp ủng hộ, trong khi Mỹ và Đức bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng, có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Lính Ukraine ngồi chờ khai hỏa lựu pháo ở Donetsk ngày 20/4. Ảnh: Reuters

Ukraine đã được viện trợ các tên lửa có tầm bắn lên tới 300 km, nhưng với yêu cầu không sử dụng để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Trong số này có tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS, Storm Shadow và Scalp do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp.

Kiev muốn nhận tên lửa Taurus tầm bắn 500 km của Đức nhưng Berlin cho đến nay vẫn từ chối cung cấp. Ukraine còn muốn được triển khai loạt tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất vừa tiếp nhận từ Đan Mạch và Hà Lan để oanh tạc mục tiêu của Nga.

Ukraine cho biết Mỹ và Đức nhiều lần viện dẫn nguy cơ khiêu khích Nga làm lý do để không chuyển tên lửa, xe tăng và tiêm kích F-16, dù Moskva không thực hiện lời đe dọa có hành động đáp trả nghiêm trọng khi những khí tài này được đồng minh khác cấp cho Kiev.

Washington vẫn giữ nguyên quan điểm. "Tất nhiên, chúng tôi lo ngại về nguy cơ leo thang", phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói hồi đầu tháng 8. "Nga chưa có phản ứng gì không đồng nghĩa họ không thể hoặc sẽ không thực hiện trong tương lai".

Mỹ cuối tháng 5 đã cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tập kích lãnh thổ Nga, nhưng không áp dụng với vũ khí tầm xa, sau khi Moskva mở chiến dịch vào tỉnh Kharkov. Washington sau đó tăng phạm vi cho Kiev, không giới hạn trong vùng giáp tỉnh Kharkov.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 27/8 cảnh báo phương Tây "đang đùa với lửa" khi xem xét đề nghị nới lỏng hạn chế vũ khí của Ukraine. Ông lưu ý Mỹ về nguy cơ xảy ra Thế chiến III và xung đột sẽ không chỉ trong phạm vi châu Âu, thêm rằng Nga đang "làm rõ" học thuyết hạt nhân của mình.

Học thuyết hạt nhân Nga năm 2020 liệt kê một số trường hợp Tổng thống sẽ cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân, trong đó có đáp trả một đòn tấn công bằng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc vũ khí thông thường "nếu tồn vong của đất nước bị đe dọa".

Tầm bắn một số tên lửa phương Tây đã và có thể viện trợ cho Ukraine. Đồ họa: FT

Anh nhiều lần cho rằng Ukraine nên được dùng Storm Shadow, tên lửa do Anh - Pháp hợp tác phát triển, để tấn công lãnh thổ Nga. Nguồn thạo tin cho biết giới chức Anh đã gửi đề nghị đến cả Mỹ và Pháp trong mùa hè để "bật đèn xanh" cho Ukraine. Washington bác thông tin cho rằng họ đang trì hoãn việc cấp phép, trong khi London thừa nhận phương Tây cần có sự đồng thuận đối với những vấn đề gây tranh cãi và họ nên hành động đúng theo lộ trình.

Truyền thông Anh cho biết Mỹ có sức ảnh hưởng trong quyết định trên do các đòn tập kích bằng tên lửa Storm Shadow/SCALP EG vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào năng lực của Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 5 ủng hộ Ukraine dùng tên lửa nước này cung cấp tập kích lãnh thổ Nga để vô hiệu hóa các vị trí Moskva phát động tấn công.

"Không được nhắm vào mục tiêu khác hay cơ sở dân sự", ông Macron nói. Khi được hỏi Pháp hiện còn giữ quan điểm này không, phát ngôn viên Điện Elysee chỉ nhắc lại bình luận của ông Macron.

Một quan chức Ukraine cho biết họ gần đây đã cung cấp thông tin cụ thể cho Mỹ về những mục tiêu mà Kiev muốn dùng tên lửa tầm xa phương Tây để tấn công, như sân bay quân sự, kho đạn, kho nhiên liệu, trung tâm chỉ huy kiểm soát.

"Mỹ, Anh, Pháp và các đối tác khác có sức mạnh để giúp chúng tôi. Chúng tôi cần những quyết định", ông Zelensky nói ngày 26/8.

John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ngày 26/8 tái khẳng định Mỹ "không có thay đổi" liên quan chính sách hạn chế vũ khí. "Đây không phải mong muốn gì mới của Tổng thống Zelensky", ông Kirby nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với phía Ukraine, nhưng sẽ giữ kín".

Tổng thống Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ ngày 16/6. Ảnh: AFP

Những người ủng hộ Ukraine đang kêu gọi Nhà Trắng coi những lời đe dọa từ Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tấn công đáp trả vào phương Tây là "sáo rỗng". Họ lo sợ sự trợ giúp từ Mỹ vốn giúp Ukraine đối phó Nga từ khi xung đột bùng nổ tháng 2/2022 sẽ bị trì hoãn, khiến Kiev thất bại.

"Cuộc xung đột sẽ kết thúc đúng như cách giới hoạch định chính sách phương Tây muốn nó chấm dứt", Philip Breedlove, cựu tướng Mỹ từng là tư lệnh NATO ở châu Âu, nói với AP. Ông là một trong những người đang nỗ lực thúc đẩy các bên nới lỏng giới hạn với Ukraine.

"Nếu chúng ta vẫn làm như hiện tại, Ukraine sẽ thua vì chúng ta đang cố tình không cung cấp thứ họ cần để chiến thắng", theo Breedlove.

Như Tâm (Theo FT, Reuters, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020