Chuyên mục  


Hành trình tại World Cup 2022 của đội tuyển Mỹ đã khép lại tại sân Khalifa tối 3/12 sau khi bị Hà Lan đánh bại với tỷ số 1-3. Dù Mỹ phải dừng chân ở vòng 1/8, giới quan sát cho rằng câu chuyện về bóng đá ở quốc gia này dường như chỉ mới bắt đầu.

Đội tuyển Mỹ đến Qatar với tư cách là đội trẻ thứ hai của giải đấu. Bên cạnh tiền vệ ngôi sao sinh năm 1998 Christain Pulisic, tuyển Mỹ cũng có rất nhiều tài năng trẻ.

Ở World Cup năm nay, hàng thủ Mỹ hoạt động không mệt mỏi, được xem như cỗ máy cho đội bóng. Với màn trình diễn ấn tượng, thủ môn Matt Turner cùng tuyến sau tạo ra bức tường thực sự chắc chắn trước các pha tấn công của đối thủ. Mỹ chỉ để thủng lưới 1 bàn ở vòng bảng trước Xứ Wales, trong khi giữ sạch lưới khi đối đầu Iran và Anh.

CĐV Mỹ đã mua vé xem các trận đấu này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ chính người Qatar. Họ cũng mang tới sân vận động nhiều trang phục đậm chất Mỹ, từ ảnh Chú Sam tới tượng Nữ thần Tự do, cùng các tiếng hô vang trên khắp khán đài.

Không chỉ những người theo dõi trực tiếp, người hâm mộ tại Mỹ cũng cuồng nhiệt không kém. Trung bình 12 triệu người đã theo dõi trận giành vé vào vòng 1/8 với Iran trên kênh Fox, hàng triệu người xem trực tuyến và hàng nghìn người tụ tập ở các không gian công cộng, trong đó có cả các lớp học ở Mỹ, khi sinh viên sử dụng điện thoại và laptop để theo dõi trận đấu.

"Nhìn người Mỹ yêu bóng đá cũng giống như ngắm nhìn những đám cháy trên núi Doom thắp sáng bầu trời tối tăm ở Modor", Richard Hall, phóng viên của Independent mô tả về tình yêu bóng đá đang trỗi dậy ở Mỹ, nhắc tới hình ảnh trong phim Chúa tể Những chiếc nhẫn.

Người hâm mộ bóng đá Mỹ có mặt tại Qatar cổ vũ cho trận đấu với Xứ Wales hôm 22/11. Ảnh: Anadolu Agency.

Mỹ là một quốc gia coi trọng thể thao, trong đó những môn được yêu thích nhất là bóng bầu dục, bóng rổ, bóng chày hay khúc côn cầu trên băng. Trước đây, bóng đá không được coi trọng ở Mỹ, dù nó là môn thể thao vua trên thế giới. Trong khi cả thế giới dùng từ "football" để chỉ môn thể thao này, người Mỹ lại gọi là "soccer".

"Xin lỗi Joe, football đã thắng", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trêu chọc Tổng thống Joe Biden trên Twitter tối 3/12, sau khi Hà Lan đánh bại Mỹ. Trước đó, ông Biden đăng một clip trước trận đấu lên Twitter, cổ vũ đội tuyển Mỹ và dùng từ "soccer" để nói về môn thể thao này.

Nhưng hình ảnh cổ vũ của ông Biden cũng cho thấy bóng đá đang chiếm được cảm tình và tâm trí của người Mỹ như thế nào trong thập kỷ qua.

"Khi đứng giữa đám đông người hâm mộ Mỹ theo dõi trận giữa Anh và Mỹ ở vòng bảng World Cup, tôi đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi quốc gia cuồng thể thao này cuối cùng cũng bắt đầu coi trọng bóng đá?", Hall chia sẻ.

Hall cho biết những người hâm mộ bóng đá Mỹ chỉ hô vang để động viên các cầu thủ, thay vì chửi bới. Ngay cả khi say xỉn và thậm chí đội nhà không thắng, họ vẫn dành những lời khen cho các cầu thủ đang thi đấu ở Qatar.

Số lượng người hâm mộ bóng đá Mỹ đang dần tăng. Theo cuộc thăm dò của Gallup năm 2019, số người nói bóng đá là môn thể thao yêu thích ở Mỹ đã tăng gấp 7 lần. Các cuộc thăm dò khác cho thấy bóng đá đã vượt qua khúc côn cầu trên băng về mức độ yêu thích và đang bắt kịp bóng chày.

Số lượng cầu thủ Mỹ chơi trong các đội bóng hàng đầu châu Âu cũng tăng theo cấp số nhân, trong đó có thể kể tới Christian Pulisic thuộc biên chế Chelsea, Weston McKennie của Juventus. Điều này đã làm tăng sự quan tâm của người hâm mộ ở quê nhà.

Giới quan sát cũng cho biết người hâm mộ bóng đá ở Mỹ có xu hướng trẻ và đa dạng hơn các môn thể thao khác. Năm 2026, Mỹ sẽ đăng cai World Cup cùng Mexico và Canada, tạo tiền đề cho một thế hệ người hâm mộ mới yêu thích môn thể thao vua.

Aaron Angeles, cư dân New York 22 tuổi và là người hâm mộ bóng đá lâu năm, tin rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Mỹ bắt đầu nhận ra tiềm năng trong môn thể thao này.

"Sự phát triển của các cầu thủ Mỹ ở giải Ngoại hạng Anh và các giải đấu châu Âu khác là điều khiến những người hâm mộ thực sự quan tâm", anh nói. "Khi bóng đá bắt đầu có nhiều sức hút hơn, chúng tôi đề ra những triển vọng tốt đẹp hơn. Bây giờ chúng tôi có những cầu thủ ở Chelsea, Juventus. Một khi chúng tôi có đủ nguồn lực, phần còn lại của thế giới sẽ phải lo ngại".

Angeles mô tả chiến thắng tuyệt vời của đội Mỹ trước Ghana ở World Cup 2014 là nền tảng và tin rằng vài năm nữa Mỹ sẽ có nhiều chiến thắng hơn trên các sàn đấu lớn.

Các cộng đồng nhập cư cũng đóng góp nhiều cho sự phát triển bóng đá ở Mỹ, cũng như mang đến lượng người hâm mộ đa dạng hơn bất kỳ môn thể thao nào ở quốc gia này. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Morning Consult, 40% người hâm mộ bóng đá là người da màu và hơn 1/4 người trưởng thành Mỹ hâm mộ bóng đá là người gốc Tây Ban Nha.

"Cha mẹ chúng tôi là người Trinidad, nên chúng tôi không chơi nhiều môn thể thao cổ điển của Mỹ. Chúng tôi chơi bóng đá rất nhiều", Gibran Boyce, 24 tuổi, chia sẻ.

Ba cầu thủ Mỹ (áo trắng) đối đầu với cầu thủ Hà Lan trong trận đấu vòng 1/8 ngày 3/12. Ảnh: AFP.

Một trận hòa của đội Mỹ trong vòng bảng World Cup 2022 cũng được xem như chiến thắng và nhiều người xem đó là cơ sở để nghĩ về tương lai. Nico Bossey, người hâm mộ bóng đá, tin Mỹ sẽ không mất nhiều thời gian để thống trị môn thể thao này.

Anh lập luận rằng khi ngày càng nhiều người Mỹ yêu bóng đá, nguồn lực cho môn thể thao này sẽ tăng lên và từng bước đưa Mỹ thống trị thế giới.

"Đây là một đội bóng còn rất trẻ. Thêm một hoặc hai giải đấu khác, bạn sẽ thấy một đội bóng giỏi", anh nói.

Tổng thống Biden cũng tỏ ra hài lòng với kết quả của tuyển Mỹ trong mùa World Cup năm nay.

"Các chàng trai, các bạn đã khiến chúng tôi tự hào. Hãy đứng dậy và tiếp tục hành trình. Tương lai tươi sáng đang ở phía trước và World Cup sẽ trở lại Mỹ năm 2026", ông Biden viết trên Twitter ngày 3/12.

Thanh Tâm (Theo Independent, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020