Tổng thống Indonesia Joko Widodo (hàng trước, bên trái) đứng cạnh Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loïc Fauchon tại Bali, Indonesia ngày 20-5 - Ảnh: Ban thư ký Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10
Với chủ đề "Nước cho sự thịnh vượng chung", Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10 đã khai mạc hôm 20-5 tại đảo Bali, Indonesia.
Diễn ra từ ngày 18 đến 25-5, Diễn đàn Nước thế giới năm nay tập trung vào bốn vấn đề: bảo tồn nguồn nước, nước sạch và vệ sinh, an ninh lương thực và năng lượng, giảm nhẹ thiên tai.
Những thách thức lớn với nguồn nước
Phát biểu tại lễ khai mạc hôm 20-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi các nước tăng cường cam kết nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu liên quan nước. "Không có nước thì không có thực phẩm, không có hòa bình, không có sự sống. Vì vậy nước phải được quản lý tốt", báo Nikkei Asia dẫn lời ông Widodo.
Ông Widodo thông tin vào năm 2050, khoảng 500 triệu nông dân sản xuất nhỏ lẻ, những người đóng góp 80% sản lượng lương thực thế giới, được dự báo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước hạn hán.
"Bằng cách tập hợp các nước tại Bali hôm nay (20-5), Indonesia hy vọng thế giới có thể thường xuyên chung tay tăng cường các cam kết hợp tác, nhằm vượt qua những thách thức toàn cầu liên quan đến nước", ông Widodo nhấn mạnh.
"Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính tình trạng khan hiếm nước có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 6% vào năm 2050, cùng với đó là khả năng dẫn đến chiến tranh và là nguồn gốc của nhiều thảm họa. Quá nhiều nước hay quá ít nước đều có thể là vấn đề đối với thế giới", ông nói thêm.
Trong hai thập niên qua, Indonesia đã tăng cường cơ sở hạ tầng nước thông qua việc xây 42 con đập và phát triển mạng lưới tưới tiêu bao phủ 1,18 triệu ha. Quốc gia này cũng đã khôi phục mạng lưới thủy lợi trên diện tích 4,3 triệu ha và phát triển 2.156km công trình kiểm soát lũ lụt và bảo vệ bờ biển.
Indonesia đề xuất ít nhất bốn sáng kiến tại diễn đàn, bao gồm: Ngày hồ thế giới; thành lập trung tâm nghiên cứu xuất sắc cho các vấn đề liên quan khả năng chống chịu về nước và khí hậu; quản lý tài nguyên nước trên các đảo nhỏ; gây quỹ cho các dự án về nước.
Trong khi đó, theo báo China Daily, tại hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc Li Guoying khẳng định Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong quản lý nước. Ông Li lưu ý mặc dù đã tăng gấp đôi GDP trong thập niên qua, Trung Quốc vẫn duy trì tổng mức tiêu thụ nước ổn định thông qua các chính sách bảo tồn nước nghiêm ngặt.
Ông Li cũng nêu ra bốn thách thức lớn về nước mà thế giới đang đối mặt: thiên tai, các thiếu hụt và áp lực, suy thoái hệ sinh thái và thiệt hại về môi trường. Ông đề xuất các nước áp dụng triết lý quản trị nước của Chủ tịch Tập Cận Bình để giải quyết những vấn đề liên quan đến nước, đồng thời cho rằng giải quyết vấn đề an ninh nước và thúc đẩy thịnh vượng chung là những nhiệm vụ toàn cầu quan trọng.
"Cùng với cộng đồng quốc tế, chúng tôi sẵn sàng duy trì các nỗ lực nhằm thúc đẩy việc quản trị nước và xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại", ông Li nói.
Cũng phát biểu hôm 20-5, tỉ phú Elon Musk cho biết việc tiếp cận nước ngọt "là vấn đề của vận chuyển và năng lượng", và việc khử mặn trong nước đang ngày có chi phí hợp lý hơn. Tỉ phú này đề xuất sử dụng năng lượng sạch để giải quyết khủng hoảng về nước. "Tôi nghĩ năng lượng mặt trời đang bị đánh giá thấp về khả năng của nó", ông Musk lưu ý.
Ngân sách cho nước chưa tương xứng
Tại diễn đàn, Giám đốc chuyên trách về nước toàn cầu của World Bank Saroj Kumar Jha kêu gọi các chính phủ ưu tiên ngân sách để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) số 6: đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.
Theo ông Jha, ở hầu hết các nước, đặc biệt các nước đang phát triển, nước vẫn là ngành thiếu ngân sách nhất. Ví như Congo chỉ chi 2-3% ngân sách hằng năm cho nước, nhiều nước thậm chí còn chi ít hơn 2%.
Thông tin tại diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawat cho biết ngân sách cho nước của Indonesia chiếm 3,4% ngân sách nhà nước. Dẫn số liệu từ năm 2009, bà Indrawat cho biết thế giới năm đó chỉ phân bổ 8,7 tỉ USD hỗ trợ tài chính cho việc phát triển nước và vệ sinh. Bà cho rằng đây là số tiền tương đối nhỏ so với nhu cầu đầu tư hằng năm của ngành này.
Theo bà Indrawat, các nước đang phát triển chỉ phân bổ khoảng 0,5% GDP cho ngành nước mỗi năm và chỉ chi hết 70% phần ngân sách đó. "Ngân sách này vốn đã nhỏ, nhưng việc tiếp nhận và triển khai ngân sách đó còn nhỏ hơn nữa", bà lưu ý. "Các quỹ công, cùng các chính sách và quy định phù hợp, có thể giúp thu hút thêm vốn đầu tư cho ngành nước và vệ sinh", bà nêu giải pháp.
Quan chức Firdaus Ali thuộc Bộ Công trình và nhà ở công cộng Indonesia cho biết có nhiều quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc thành lập Quỹ nước toàn cầu tại diễn đàn đang diễn ra. Theo đó, các nước có tiềm lực tài chính có thể hỗ trợ cho việc thành lập quỹ bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ.
Ngày càng nhiều người bị thiếu nước
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 4 tỉ người trên thế giới, mỗi năm một lần, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Đến năm 2025, khoảng 1,8 tỉ người sẽ phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng khi biến đổi khí hậu và các hoạt động sử dụng đất làm suy thoái tài nguyên nước hơn nữa. Trong khi đó nhu cầu về nước dự kiến sẽ tăng 20-30% vào năm 2050 do dân số toàn cầu ngày càng tăng.