Chuyên mục  


Bộ Văn hóa Colombia ngày 22/5 thông báo khu vực có xác tàu chiến San Jose của Tây Ban Nha, ngoài khơi thành phố cảng Cartagena, đã trở thành "vùng khảo cổ được bảo vệ". Quyết định này nhằm đảm bảo gìn giữ khảo cổ trong quá trình bảo quản dài hạn và triển khai các chương trình nghiên cứu, bảo tồn, đánh giá di sản.

Hải quân Anh đánh chìm tàu chiến San Jose vào năm 1708 trên biển Caribe, khi tàu đang chuẩn bị mang khoảng 200 tấn tiền xu được đúc bằng kim loại quý và nhiều đá quý từ "Tân Thế giới" về cho Vua Philip V. Tổng giá trị kho tàng có thời điểm được ước đoán lên đến hàng chục tỷ USD.

Con tàu chở từng là mục tiêu hấp dẫn với nhiều nhóm săn tìm kho báu cổ suốt nhiều thế kỷ, cho đến khi chính phủ Colombia phát hiện được vị trí chính xác vào năm 2015.

Bộ trưởng Văn hóa Juan David Correa ngày 22/5 bình luận chính phủ Colombia sẽ không trục lợi từ xác tàu San Jose, mà sẽ xúc tiến nghiên cứu khoa học với chủ trương hạn chế tối đa can thiệp vật lý hay làm thay đổi kết cấu.

"Chúng tôi không xem con tàu là kho báu để khai thác", ông nói.

Xác tàu San Jose dưới đáy biển Colombia. Ảnh:Colombian Presidency

Xác tàu San Jose đang là đối tượng tranh chấp giữa nhiều bên. Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố con tàu và mọi tài sản liên quan vẫn thuộc quyền sở hữu của nước này theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro kiên quyết giữ di tích này cho đất nước, tuyên bố đây là di sản phục vụ nghiên cứu khoa học và văn hóa.

Chính phủ Colombia vào năm 1979 từng thuê công ty trục vớt biển Armada của Mỹ tìm xác tàu San Jose với thỏa thuận chia đôi "chiến lợi phẩm". Công ty Mỹ không trực tiếp tìm ra con tàu. Nhờ mua lại công ty Glocca Morra, được cho là tổ chức đầu tiên xác định đúng vị trí chiếc San Jose vào năm 1982, Armada vẫn kiện chính phủ Colombia ra tòa trọng tài quốc tế và đòi 10 tỷ USD.

Năm 2007, Tòa án Tối cao Mỹ kết luận ủng hộ công ty Mỹ, cho rằng Colombia chỉ được giữ lại di sản "có xuất xứ văn hóa quốc gia" và phải chia đôi mọi tài sản liên quan xác tàu San Jose. Đến năm 2015, chính phủ Colombia bác bỏ mọi tuyên bố từ công ty Mỹ, khẳng định hải quân tự tìm thấy xác tàu San Jose trong lãnh hải sau tham vấn với các chuyên gia Anh và Mỹ.

Chính phủ Peru tuyên bố quyền sở hữu tài sản trên tàu, lý giải đó là công sức của người bản địa Peru bị bắt làm nô lệ nhiều thế kỷ trước. Hậu duệ người bản địa Qhara Qhara ở Bolovia và hậu duệ nô lệ gốc Phi ở những nước Nam Mỹ từng là thuộc địa Tây Ban Nha cũng đưa ra lập luận tương tự để đòi kế thừa tài sản trên tàu San Jose.

Vị trí xác tàu San Jose ngoài khơi Columbia. Đồ họa: Daily Mail

Thanh Danh (Theo Reuters, Guardian, Conversation)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020