Chuyên mục  


Kể từ khi Hafez al-Assad lên nắm quyền tổng thống Syria sau cuộc đảo chính năm 1970, ông đã mở ra nửa thế kỷ gia tộc Assad lãnh đạo đất nước, khi đưa vào bộ máy chính phủ những người thân cận và sau đó dọn đường để con trai Bashar al-Assad lên kế nhiệm.

Không chỉ là gia tộc quyền lực nhất đất nước, các thành viên gia đình Assad còn được cho là đã xây dựng một mạng lưới đầu tư và kinh doanh rộng lớn trong nhiều thập kỷ. Sau khi quân nổi dậy tiến vào Damascus lật đổ tổng thống Assad, khối tài sản này đang bị để lại Syria hoặc nhiều nơi khác trên thế giới.

Sau khi kiểm soát Damascus, lực lượng nổi dậy đã kiểm đếm tài sản cất giữ tại Ngân hàng Trung ương Syria. Họ xác nhận bên trong hầm ngầm của ngân hàng này đang trữ gần 26 tấn vàng, tương đương mức dự trữ vàng vào tháng 6/2011, trước thời điểm nội chiến nổ ra. Số vàng này trị giá khoảng 2,2 tỷ USD theo thời giá hiện nay, theo Reuters.

Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu trước quốc hội Syria hồi năm 2016. Ảnh: AP

Tuy nhiên, kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng chỉ còn khoảng 200 triệu USD tiền mặt. Vào cuối năm 2011, kho này là nơi cất trữ khoảng 14 tỷ USD ngoại tệ, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Syria ngừng chia sẻ thông tin tài chính với IMF, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác sau khi nội chiến bùng nổ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng phần lớn số ngoại tệ dự trữ của nước này đã được chi để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và vũ khí trang bị.

Sau khi chính phủ của ông Assad sụp đổ, một số người đã đột nhập vào Ngân hàng Trung ương, lấy đi nhiều tiền mặt, nhưng chưa thể xâm nhập được hầm chứa tiền chính. Hầm ngầm này được thiết kế để chống bom và cần ba chìa khóa để mở, do ba người khác nhau giữ, cùng một tổ hợp mã số kết hợp, một nguồn tin nói với Reuters.

Ngoài số tiền, vàng, dinh thự để lại ở Damascus, gia tộc Assad được cho là còn sở hữu nhiều bất động sản ở Dubai, Moskva và London, cũng như hàng chục tài khoản ngân hàng bí mật.

Sau khi nội chiến nổ ra ở Syria năm 2011, giới chức Anh đã đóng băng một tài khoản chứa 50 triệu bảng (50 triệu USD) của ông Assad ở một ngân hàng tại London.

Các nhà quan sát cho rằng chính quyền mới ở Syria cùng những bên có liên quan nhiều khả năng sẽ tiến hành nỗ lực truy tìm và thu hồi những tài sản này, khi đất nước bước vào thời kỳ tái thiết sau gần 14 năm nội chiến.

"Sẽ có một nỗ lực tìm kiếm trên phạm vi quốc tế", Andrew Tabler, cựu quan chức Nhà Trắng có hiểu biết về tài sản của các thành viên gia đình Tổng thống Assad, cho hay.

Ayman Abdel Nour, một người bạn đại học với Bashar al-Assad, cho biết ông Hafez đã giao cho em vợ Mohammad Makhlouf, lúc bấy giờ vẫn là một nhân viên hàng không, phụ trách độc quyền hoạt động nhập khẩu thuốc lá nhiều lợi nhuận của đất nước.

Makhlouf cũng nhận được những khoản hoa hồng lớn trong lĩnh vực xây dựng, Abdel Nour, người sau này cũng là cố vấn không lương cho tổng thống Bashar al-Assad, nói.

Khi Bashar kế nhiệm cha vào năm 2000, Makhlouf cũng truyền lại đế chế kinh doanh cho con trai mình là Rami Makhlouf.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Rami sau đó trở thành nhà tài trợ chính của chính phủ với vô số tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, truyền thông, cửa hàng miễn thuế, hãng hàng không và viễn thông, với giá trị lên tới 10 tỷ USD. Chính phủ Mỹ đã trừng phạt Rami Makhlouf vào năm 2008 vì hưởng lợi và tiếp tay cho nạn tham nhũng của các quan chức chính quyền Syria.

Theo nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến sau khi xem xét dữ liệu bất động sản do các nguồn tin mật cung cấp, Makhlouf cũng đầu tư ra nước ngoài, mua bất động sản tại Dubai trị giá khoảng 3,9 triệu USD.

Gia đình Makhlouf còn mua các khách sạn sang trọng trị giá khoảng 21 triệu USD ở Vienna, Áo, và mua lại quán Buddha Bar cao cấp ở Paris, Rami cho biết trong đơn xin nhập quốc tịch Áo mà tổ chức phi lợi nhuận Dự án Báo cáo về Tội phạm có tổ chức và Tham nhũng thu thập được.

Ngoài ra, Maher, em trai Tổng thống Assad, chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp số 4 của Syria, cũng là một "chuyên gia" tài chính và đầu tư lão luyện của gia tộc.

Ông bắt đầu đầu tư ra nước ngoài trước khi nội chiến Syria bùng phát vào năm 2011 và trong khối tài sản của Maher có một đồn điền chè rộng lớn ở Argentina, theo một cựu quan chính tình báo châu Âu và một cựu cố vấn cho chính quyền Syria.

Dinh thự Witanhurst thuộc sở hữu của Rifaat al-Assad, chú của Tổng thống Assad, tại Anh. Ảnh: Guardian

Nhưng vào năm 2020, mối quan hệ kinh tế ở trung tâm chính quyền Syria bắt đầu lung lay. Tổng thống Assad công khai gạt Rami Makhlouf ra bên lề. Không rõ nguyên nhân dẫn đến bất hòa giữa họ, song lãnh đạo Syria đã thắt chặt kiểm soát đối với các đòn bẩy của nền kinh tế vốn đang suy yếu.

Rami Makhlouf bị quản thúc tại gia và chính quyền Syria đã đưa nhiều lợi ích kinh doanh của ông vào diện quản lý nhà nước, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin.

Giữa lúc người dân Syria phải chịu nhiều khó khăn do hậu quả từ cuộc nội chiến kéo dài, hai con trai của Rami lại đăng trên mạng xã hội những bức ảnh tại các hộp đêm sang trọng ở Dubai, nơi cha họ đặt một số doanh nghiệp, gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Họ lái xe Ferrari, đắm chìm trong rượu Champagne và tạo dáng ngực trần trong phòng gym ở Dubai. Trong các quảng cáo trả tiền trên những trang web truyền thông, người con cả, Mohammad, cho biết anh ta đã chi 43 triệu USD để sửa sang một máy bay riêng ở Dubai, bổ sung hai phòng ngủ và phòng tắm.

Mohammad hôm 13/12 ra tuyên bố cho biết đã sống lưu vong hơn 5 năm và không công khai chỉ trích chính quyền Assad vì lo ngại cho số phận của cha mình.

Rami hôm 5/12 đăng lên Facebook nói rằng việc quân chính phủ để mất thành phố Aleppo vào tay lực lượng đối lập là "đáng xấu hổ", đồng thời thêm rằng ông đã đề nghị tặng hàng triệu USD cho đại tá Suhayl al-Hasan, sĩ quan Syria từng chỉ huy trận chiến giành quyền kiểm soát Aleppo một thập kỷ trước.

Không rõ nơi ở của Rami Makhlouf và Maher al-Assad kể từ khi chính quyền Assad sụp đổ.

Theo cố vấn của chính quyền Syria cũ và nhà ngoại giao châu Âu giấu tên, sau khi Rami bị cô lập, đệ nhất phu nhân Asma al-Assad giám sát việc tiếp quản khối tài sản của ông ở Syria, trong đó có một công ty viễn thông lớn.

Đệ nhất phu nhân Syria Asma al-Assad tham dự một sự kiện ở thủ đô Damascus năm 2021. Ảnh: Reuters

Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ áp lệnh trừng phạt Asma, tuyên bố bà và các thành viên gia đình là những "những người kiếm lợi từ chiến tranh khủng khiếp nhất" ở Syria.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Asma và gia đình bà đã "tích lũy của cải bằng tiền của người dân Syria thông qua việc kiểm soát một mạng lưới rộng lớn, bất hợp pháp có liên kết ở châu Âu, vùng Vịnh và nhiều nơi khác".

Một tòa án ở Paris năm 2019 ra phán quyết đóng băng 95 triệu USD tài sản do Rifaat al-Assad, chú của tổng thống Assad, nắm giữ tại Pháp với lý do số tài sản này là ngân sách Syria bị biển thủ. Rifaat bị cáo buộc đã dùng số tiền đó để mua sắm các bất động sản hạng sang ở Pháp.

Cuộc điều tra chung do Guardian và Tổ chức Báo chí Điều tra có trụ sở ở London tiến hành đã phát hiện Rifaat đã thuê chuyên gia tư vấn tài chính Ginette Louise Blondel ở Guernsey, Anh để quản lý khối tài sản tại châu Âu, trong đó có nhiều bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD.

Những hiện vật tịch thu từ Rifaat al-Assad, chú của Tổng thống Assad, được trưng bày tại một khách sạn ở thủ đô Paris, Pháp, hồi tháng 1/2023. Ảnh: MEE

William Bourdon, luật sư nhân quyền đã đệ đơn kiện chính quyền Assad tại Paris, cho rằng các nước "có nhiệm vụ thu hồi tiền cho người dân Syria". Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm có thể sẽ kéo dài, bởi quy mô chính xác của số tài sản mà gia tộc Assad sở hữu và các thành viên kiểm soát những loại nào vẫn chưa rõ ràng.

Điều này được thể hiện trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2022, khi họ thừa nhận rất khó xác định con số chính xác giá trị các doanh nghiệp và tài sản liên quan đến gia tộc Assad, mà chỉ có thể ước tính từ một đến 12 tỷ USD. Nhưng đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, khi một số chuyên gia ước tính khối tài sản này có thể lên tới 122 tỷ USD, sau khi cộng tất cả mọi thứ.

Khi phát hiện những tài sản này, các nhà điều tra cần xin lệnh của tòa án đóng băng chúng rồi sau đó thực thi việc thu hồi, song cũng không rõ ai sẽ nhận được tiền. Sau khi tổng thống Assad bị lật đổ, chính phủ Syria đã rơi vào tình trạng hỗn loạn với việc lực lượng đối lập đang phải tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực.

Một số người đang tự mình tìm cách giải quyết vấn đề. Những ngày gần đây, người dân Syria đã cướp phá các dinh thự lộng lẫy của gia tộc Assad, lấy đi nhiều đồ đạc và tác phẩm nghệ thuật.

Hình ảnh được họ quay bên trong dinh thự cho thấy những bức tường dát vàng cùng đồ nội thất đắt tiền. Một số người lấy đi những tấm thảm đỏ, hàng hiệu, trong đó có một chiếc túi Dior, dường như của bà Asma.

Những người khác quay video họ đứng giữa một gara đầy siêu xe gần dinh thự. Bộ sưu tập gồm hơn 40 chiếc xe sang từ nhiều thương hiệu như Ferrari, Aston Martin, Rolls-Royce, BMW và Bugatti Veyron. Theo CNN, đáng chú ý nhất trong số đó là chiếc Ferrari F50 màu đỏ, có giá khoảng 3 triệu USD.

xuat-hien-bo-suu-tap-sieu-xe-duoc-cho-la-cua-ong-assad-1733728570.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pdqWM0YAVVne1QmG5xo9cw
Xuất hiện bộ sưu tập siêu xe được cho là của ông Assad

Bộ sưu tập hàng chục siêu xe được cho là của Tổng thống Assad ở Damascus, Syria. Video: X/@Osint613

Hôm 16/12, trong phát biểu đầu tiên kể từ khi bị lật đổ, ông Assad không đề cập đến những tài sản này, nhưng khẳng định ông đã ở lại thủ đô Damascus để "thực hiện nhiệm vụ của một tổng thống" tới sáng sớm 8/12, ngay trước khi quân nổi dậy tiến vào.

"Việc tôi rời khỏi Syria không có kế hoạch từ trước và cũng không diễn ra trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến như một số tin đồn", ông Assad nói, thêm rằng việc ông ở lại Syria khi quân nổi dậy nắm quyền kiểm soát đất nước là "vô nghĩa".

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020