Xe quân sự Israel băng qua ranh giới ngừng bắn giữa cao nguyên Golan để trở về từ Syria vào ngày 15-12 - Ảnh: Reuters
Tổng cộng quốc gia Do Thái này đã tiến hành khoảng 800 đợt không kích trên khắp Syria kể từ khi chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ hồi tuần trước.
Cuối tuần trước, ông Ahmed al-Shara - lãnh đạo lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu phe đối lập đang nắm quyền tại Syria - nói Israel chỉ viện cớ cho hành động chiếm đóng lãnh thổ Syria, hiện Syria không đủ khả năng để bước vào một cuộc xung đột mới, theo Đài Al Jazeera.
Khi kẻ thù của kẻ thù không là bạn
Trong suốt nhiều thập niên, quan hệ giữa Israel và Syria dưới thời gia tộc Assad luôn trong trạng thái thù địch do những tranh chấp về lãnh thổ và xung đột ý thức hệ. Tuy nhiên khi chế độ Assad sụp đổ vào ngày 9-12, quan hệ giữa Israel và lực lượng đối lập Syria có vẻ cũng không mấy êm ấm.
Theo nhà phân tích chính sách cấp cao Yonatan Touval từ Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại khu vực của Israel, các kho vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự mà Israel nhắm đến tại Syria được chia thành hai nhóm: tài sản quân sự của chế độ Assad cũ; và cơ sở hạ tầng do Iran thiết lập - đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tế vũ khí cho nhóm Hezbollah tại Lebanon.
Ông Giora Eiland - cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Israel - nhận định một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu của Israel là đảm bảo lãnh đạo tiếp theo của Syria không có khả năng tấn công Israel cũng như làm suy yếu năng lực phòng không của nước này. Bằng cách không để số vũ khí còn lại rơi vào tay chính phủ mới, Israel liên tục triển khai các đợt tấn công lớn nhằm tránh "đêm dài lắm mộng".
Nói cách khác, quốc gia Do Thái lo ngại biên giới phía bắc của mình có thể đối mặt với sự bất ổn gia tăng, đặc biệt từ các phe nhóm như HTS đang nắm quyền tại Syria. Trùng hợp, đây lại là thời cơ tốt cho Israel vì "khoảng trống quyền lực" của Syria hiện nay đặt nước này vào tình thế bị động và không có đủ tiềm lực đáp trả. Trong khi đó, Israel có thể vô cùng dễ dàng phá hủy các cơ sở hạ tầng chiến lược tại đây.
Bất chấp nhiều quốc gia kêu gọi rút quân và tôn trọng chủ quyền Syria, giới chức Israel cho rằng các cuộc tấn công là điều cần thiết và chỉ là giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo an ninh biên giới cũng như ngăn chặn vũ khí của Syria rơi vào tay "các phần tử cực đoan" khi nước này đang bất ổn, theo tờ New York Times.
Dror Doron, người từng là nhà phân tích cấp cao của Chính phủ Israel, cho rằng Israel đang áp dụng những bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của chế độ Muammar Gaddafi (1969-2011) tại Libya trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, khi vũ khí hạng nặng rơi vào tay các nhóm khủng bố như ISIS hay Al-Qaeda, từ đó gia tăng bất ổn trong khu vực. Đối với Israel, trường hợp của Libya là HTS.
Phá hủy Iran và "trục kháng chiến"
Tuy nhiên không dừng lại ở đó, Israel đã hành động trước một bước nhằm ngăn chặn khả năng mở ra mặt trận thứ ba với Iran và các đồng minh của nước này, trong bối cảnh Israel phải loay hoay với Hamas ở phía tây nam và Hezbollah ở phía bắc.
Hệ thống hạ tầng quân sự tại Syria còn bao gồm cả các tài sản do Iran xây dựng. Đó là lý do tại sao Israel tăng cường tấn công vào các cơ sở quân sự này dù đó là những kho vũ khí của chế độ Assad cũ (nhằm tránh vũ khí rơi vào tay chính phủ mới) hay căn cứ của Iran, vì dù tấn công vào đâu thì Israel cũng đạt được mục đích.
Thông qua sự sụp đổ của chế độ Assad, Israel dường như đã nhìn thấy những cơ hội lớn nhằm làm suy yếu các đối thủ trong khu vực. Syria từ lâu luôn là kênh quan trọng trong tuyến đường vận chuyển vũ khí từ Iran đến lực lượng Hezbollah ở Lebanon - một trong những đối thủ nặng ký nhất của Israel.
Việc làm gián đoạn tuyến cung cấp này có thể tác động đến nỗ lực tái thiết năng lực quân sự của Hezbollah sau các cuộc giao tranh khốc liệt với Israel, đặc biệt là các kho tên lửa lớn, theo nhà phân tích Yonatan Touval.
Điều này càng rõ ràng hơn khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 15-12 cho biết các đợt không kích của Israel trong vài tháng qua đã tiêu diệt cái gọi là "trục kháng chiến" của Iran, khiến Tehran buộc phải điều chỉnh lại chính sách khu vực của mình.
Có thể thấy việc chính quyền Assad sụp đổ sẽ dẫn đến sự tái điều chỉnh trong cán cân quyền lực rộng lớn ở khu vực Trung Đông. Trong suốt nhiều năm, chính quyền Syria được xem là trung tâm của "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn - bao gồm Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.
"Trục kháng chiến" này ít nhiều sẽ bị tác động bởi sự sụp đổ của chế độ Assad. Thông qua đó, Israel có thể tìm thấy những cơ hội hợp tác mới với các đối tác như Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hay thậm chí là Saudi Arabia cùng một số khu vực khác nhằm định hình tương lai Syria.
Bài toán cân bằng
Trong bối cảnh tiềm lực của Hezbollah suy yếu cùng các tài sản quân sự của Iran tại Syria bị phá hủy, Israel có khả năng đối mặt với kịch bản Iran phát triển vũ khí hạt nhân như biện pháp duy nhất nhằm đối phó với một Israel đang tung hoành.
Một số nhà phân tích cho rằng dù Israel "tranh thủ" tận dụng những cơ hội từ sự sụp đổ của chính quyền Assad thì cũng cần để ý đến thế cân bằng tại Syria. Israel lo sợ nếu không hành động trước thì các thế lực đối lập sẽ mở rộng ảnh hưởng nhưng tham gia quá sâu có thể khiến nước này sa lầy trong cuộc khủng hoảng tại Syria.