Chuyên mục  


Một ngày trôi qua kể từ sau loạt vụ nổ được ghi nhận trên bầu trời thành phố Isfahan ở miền trung Iran vào rạng sáng 19/4, Israel vẫn án binh bất động. Dù các quan chức Mỹ tiết lộ cho truyền thông quốc tế rằng đây là đòn tập kích trả đũa của Israel, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu giữ im lặng, không nhận trách nhiệm lẫn phủ nhận liên quan sự việc.

Trong cùng khoảng thời gian, giới chức Iran bắt đầu đăng ảnh mỉa mai Israel "tập kích bằng flycam", thậm chí cho rằng đây chỉ là đòn tấn công từ "những kẻ xâm nhập" bên trong lãnh thổ, dù trước đó đã phát báo động phòng không ở loạt tỉnh phía nam và thủ đô Tehran.

Đến chiều 19/4, Tham mưu trưởng quân đội Iran Abdolrahim Mousavi chính thức gọi sự việc ở Isfahan là "phòng không bắn hạ vật thể đáng ngờ" và xác nhận "không có thiệt hại" trên mặt đất, theo IRNA.

Cách Tehran mô tả những diễn biến ở Isfahan giảm đáng kể tính nghiêm trọng so với thông tin ban đầu từ các quan chức Mỹ, lẫn bối cảnh địa chính trị vô cùng căng thẳng những ngày qua ở Trung Đông.

Iran đã nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả quyết liệt nếu Israel dùng biện pháp quân sự để phản ứng với cuộc tập kích bằng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hôm 14/4. Isfahan còn là mục tiêu có giá trị chiến lược lớn, khi nơi này được cho là có cơ sở hạt nhân của Iran và một căn cứ không quân của đội tiêm kích F-14 Tomcat.

"Đòn tập kích vào Iran thực tế mang tính chất giảm căng thẳng. Israel buộc phải hành động sau khi bị tấn công vào lãnh thổ, nhưng họ đã kiềm chế hơn nhiều so với vụ không kích vào Damascus, cũng là sự kiện châm ngòi căng thẳng. Cách Iran phản ứng, lẫn cách các bên giữ kín những thông tin then chốt đã cho thấy nỗ lực ngừng leo thang. Sau hai tuần, cuộc khủng hoảng đã lùi về phía sau", Ian Bremmer, nhà sáng lập hãng tư vấn Eurasia Group, bình luận.

Tiêm kích F-15 Israel tại căn cứ bí mật sau khi tham gia đánh chặn vũ khí Iran đêm 13/4. Ảnh: AFP

Iran và Israel đã tìm được lối thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng một phần nhờ quyết định "im lặng chiến lược" từ Tel Aviv, theo các bình luận viên của NBC.

Trước những câu hỏi của truyền thông quốc tế về vụ tập kích, thông điệp duy nhất từ Văn phòng Thủ tướng Netanyahu và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) luôn là cụm từ "không bình luận". Ông Netanyahu cũng chưa thông báo kế hoạch đưa ra bất kỳ phát biểu chính thức nào về sự việc tại Isfahan.

"Sự im lặng của chính phủ Israel nói lên nhiều điều. Nếu Israel công khai đắc chí, chính phủ Iran sẽ chịu áp lực từ người dân và tiếp tục đáp trả. Bằng cách im lặng, Israel trao cho Iran cơ hội để kiểm soát tình hình và tuyên bố không cần leo thang. Cho đến thời điểm này, dường như Iran đã chọn cánh cửa đã được Israel hé mở", NBC nhận định.

Chiều 19/4, hai bài phát biểu cách nhau vài tiếng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Israel Isaac Herzog đều không một lần nhắc đến sự việc tại Isfahan. Trong khi ông Raisi chỉ đề cập về chiến dịch Lời hứa Đích thực cuối tuần qua đã củng cố đoàn kết Iran, ông Herzog chỉ cầu chúc người dân Israel một Lễ Vượt qua (Passover) an lành.

Thế nhưng, những phát ngôn không chính thức từ giới chức Israel, Iran và các bên thứ ba lại thể hiện vụ tập kích Isfahan là canh bạc nhiều rủi ro.

Ít nhất ba quan chức Iran trả lời giấu tên với báo chí Mỹ xác nhận Isfahan bị Israel tập kích.

Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng G7, tiết lộ Washington nhận tin báo "vào phút chót" từ Tel Aviv về quyết định tập kích. Quan chức Mỹ giấu tên nói với Washington Post rằng vụ tấn công là đòn dằn mặt Iran và được Israel "tính toán kỹ lưỡng".

"Đây là cú đánh ăn miếng trả miếng. Israel bị tấn công và đã đáp trả tương xứng", một quan chức an ninh Israel tiết lộ với Jerusalem Post.

Tờ báo có lập trường cánh hữu dẫn các nguồn tin chính phủ cho hay Israel đã triển khai tiêm kích phóng tên lửa tầm xa và né tránh thành công lưới radar phòng không của Iran, đánh trúng khí tài không quân ở Isfahan "sát vách cơ sở hạt nhân Iran".

"Chúng tôi gửi thông điệp không muốn đánh trúng cơ sở hạt nhân lần này, nhưng thừa sức khiến tình hình tồi tệ hơn", nguồn tin cho biết, bổ sung rằng Israel sẽ không công khai nhận trách nhiệm vì "tính toán chiến lược".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem ngày 17/4. Ảnh: AFP

Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận căng thẳng Iran - Israel đã được tháo ngòi nổ hoàn toàn.

Những diễn biến trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thiệt hại thực tế. Chỉ cần xuất hiện thông tin có thương vong trong vụ tập kích ở Isfahan, giới lãnh đạo Iran sẽ buộc phải phản đòn và các bên bị kéo trở lại vòng xoáy leo thang trả đũa qua lại ngày một nguy hiểm.

Dù vậy, quy mô vụ tấn công dường như đã được Israel chủ động giới hạn trong mức Iran có thể chấp nhận được, thậm chí là "kiềm chế hơn cả kỳ vọng", theo chuyên gia vũ khí Iran Ali Ahmadi.

Dựa trên cách nhìn nhận thông thường của quân đội Iran, ông đánh giá vụ tấn công rạng sáng 19/4 chỉ ở mức "phá hoại an ninh" thay vì "tấn công quân sự" và Tehran sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu tiếp tục trả đũa quy mô lớn.

"Sau khi đòn tập kích trả đũa của Iran bị coi là thất bị vì bị đánh chặn tới 99%, chính phủ Iran có thể tranh thủ sự kiện này để tuyên bố rằng Israel cũng tệ không kém. Iran cũng có cơ hội phản ứng nhẹ nhàng hơn so với những thông điệp cứng rắn vài ngày qua", Ahmadi nói.

Maha Yahya, Giám đốc Trung tâm Trung Đông thuộc quỹ nghiên cứu Carnegie, cho rằng Tel Aviv thực sự không muốn leo thang xung đột với Iran vì họ không đủ nguồn lực "đơn độc tiến hành chiến tranh tổng lực kéo dài", khi Mỹ đã công khai phản đối sử dụng biện pháp quân sự để đáp trả Iran.

Lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây đã truyền tải thông điệp rất rõ những ngày qua rằng Israel sẽ rơi vào tình thế đơn thương độc mã nếu chọn đáp trả Iran bằng vũ lực, đồng thời kêu gọi Israel kiềm chế hết mức.

"Vào thời điểm hiện tại, có vẻ cả hai phe đang tìm cách thoát khỏi vòng xoáy leo thang. Israel đã thực hiện đòn đánh rất hạn chế, chỉ để chứng tỏ họ có phản ứng. Iran nhanh chóng làm giảm mức độ nghiêm trọng của sự việc, thoát khỏi tình thế phải trả đũa", Julien Barnes-Dacey, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), bình luận.

"Cả hai nước đều không muốn chiến tranh trực diện", ông nhấn mạnh.

Thanh Danh (Theo NBC, CNN, Al Jazeera, Jerusalem Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020