Chuyên mục  


Jack White và Meg White, hai thành viên nhóm nhạc rock đã tan rã The White Stripes, hồi tháng 9 thông báo kiện ông Donald Trump cùng chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống lên tòa án liên bang New York vì "chiếm dụng trắng trợn" và vi phạm bản quyền bài hát Seven Nation Army, phát hành năm 2003.

Nguồn gốc vụ kiện là từ một video do Margo McAtee Martin, nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, đăng lên mạng xã hội X ngày 29/8. Video có hình ảnh ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa lên máy bay và nhạc nền là đoạn mở đầu bài Seven Nation Army.

The White Stripes không phải bên đầu tiên phản đối ông Trump sử dụng nhạc của họ. Cuối tháng 8, công ty thu âm Universal Music đã gửi thông báo pháp lý cho phía ông Trump vì sử dụng trái phép các bài hát của nhóm nhạc ABBA trong chiến dịch tranh cử năm nay.

Ông Trump cũng vướng vào hai vụ kiện tương tự từ gia đình cố ca sĩ Isaac Hayes và ca sĩ Anh gốc Guyana Eddy Grant.

"Theo tôi biết, đây có thể là kỷ lục", luật sư chuyên về thương vụ bản quyền âm nhạc Jacqueline Charlesworth nói với NPR, mô tả về số lượng đơn kiện đang nhắm vào ông Trump.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tại sự kiện vận động ở Las Vegas, bang Nevada ngày 23/8. Ảnh: AP

Có hai loại bản quyền trong âm nhạc, gồm bản quyền sáng tác của người viết lời, soạn nhạc và bản quyền thu âm, thường do các hãng thu âm sở hữu. Việc đưa một bài hát vào video cần được sự chấp thuận của cả bên sở hữu bản quyền sáng tác lẫn thu âm.

Ông Hayes cùng nhà sản xuất âm nhạc David Porter cùng giữ bản quyền sáng tác ca khúc Hold On (I'm Coming), nhưng không sở hữu bản quyền thu âm. Vụ kiện của gia đình Hayes với ông Trump được dựa trên quyền này. Họ cho rằng ngoài vi phạm bản quyền, việc ông Trump sử dụng ca khúc còn tạo ra sự liên hệ không phù hợp, "làm hoen ố" hình ảnh của ca sĩ quá cố.

Phía ông Trump không công nhận bản quyền sáng tác của gia đình Hayes, trong khi nguyên đơn nói họ vẫn giữ 50% quyền lợi liên quan bài hát, cho phép họ khởi kiện. Phía ông Trump lập luận rằng họ chỉ "sử dụng hợp lý" bài hát.

"Sử dụng hợp lý" là khái niệm cho phép mọi người sử dụng tác phẩm với giới hạn nhất định, nhằm cân bằng giữa lợi ích của tác giả và lợi ích khi tác phẩm được phổ biến rộng hơn đến công chúng nhưng không bị coi là vi phạm bản quyền.

Vụ kiện đang trong quá trình xét xử. Thẩm phán liên bang Thomas Thrash ở thành phố Atlanta, bang Georgia ngày 3/9 đã cấm phía ông Trump dùng Hold On (I'm Coming) tại những sự kiện tiếp theo, nhưng không bắt gỡ những video có sử dụng ca khúc đã đăng tải.

"Chiến dịch không định gây khó chịu hay tổn thương cho ai", Ronald Coleman, luật sư đại diện Trump nói sau phán quyết của thẩm phán Thrash. "Nếu gia đình Hayes cảm thấy tổn thương hay khó chịu, vậy thì chúng tôi sẽ không sử dụng nữa".

Tòa án liên bang Manhattan, New York ngày 6/9 đã bắt đầu nghe tranh luận trong vụ kiện của ca sĩ Eddy Grant, liên quan ca khúc Electric Avenue. Hồi năm 2020, chiến dịch của ông Trump đã lồng bài hát này vào một video hoạt hình, trong đó đoàn tàu mang tên Trump di chuyển rất nhanh, bỏ xa nhân vật ông Biden đang di chuyển chậm chạp trên một chiếc xe đẩy.

Phía ông Trump cũng đã đưa ra lập luận "sử dụng hợp lý", vì các video không mang tính thương mại và không thay đổi ý nghĩa bài hát.

Thẩm phán liên bang John G Koeltl ngày 16/9 phán quyết phía ông Trump vi phạm bản quyền và phải bồi thường thiệt hại cho Grant, nhưng chưa quyết định số tiền cụ thể. Trong đơn kiện ban đầu, phía Grant đề xuất khoản tiền 300.000 USD. Thành công của Grant được cho là đã tiếp động lực cho The White Stripes.

Ông Donald Trump nhún nhảy theo nhạc khi rời sự kiện vận động ở Johnstown, bang Pennsylvania ngày 30/8. Ảnh: AFP

Dana Gorzelany-Mostak, phó giáo sư về âm nhạc tại Cao đẳng Georgia, cho biết ông Trump đã vướng vào rắc rối trong cả ba lần tranh cử. Số khiếu nại với ông Trump trong năm 2020 nhiều nhất, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như Sia, Steven Tyler và Lorde đã ký thư ngỏ đề nghị ông xin phép trước khi phát nhạc của họ tại sự kiện chính trị.

Trong chiến dịch năm nay, ông Trump đã bị ca sĩ, nhạc sĩ Pháp Woodkid và ca sĩ Celine Dion chỉ trích vì sử dụng ca khúc của họ mà không xin phép. Chiến dịch của ông Trump đã phát ca khúc My Heart Will Go On tại sự kiện vận động tranh cử ở bang Montana.

"Thật đấy, bài hát đó à?", phía Celine Dion đặt câu hỏi, mỉa mai nhận thức văn hóa của đội ngũ ông Trump "giống như một con tàu đang chìm".

Hầu hết nghệ sĩ chỉ đưa ra các tuyên bố phản đối ông Trump sử dụng nhạc, chứ không đệ đơn kiện, do tính phức tạp của luật bản quyền. Theo giới chuyên gia pháp lý, việc theo đuổi đến cùng để đòi bồi thường mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Ca sĩ Niel Young năm 2020 kiện ông Trump vi phạm bản quyền, nhưng rút đơn vào tháng 12 cùng năm.

"Việc các ứng viên chính trị tìm cách lan tỏa hình ảnh với người hâm mộ các nghệ sĩ nổi tiếng không phải điều gì mới. Điểm khác biệt là ở Trump. Trong quá khứ, các ứng viên sẽ tôn trọng và dừng sử dụng các bài hát khi bên nắm bản quyền khiếu nại. Nhưng với ông Trump, mọi chuyện trở nên tồi tệ. Trong một số trường hợp, đội ngũ của ông ấy vẫn tiếp tục sử dụng bài hát dù bị phản đối", theo Larry Iser, luật sư từng đại diện nhiều nghệ sĩ trong các tranh chấp pháp lý với chính trị gia liên quan vấn đề bản quyền.

"Nhiều nghệ sĩ thường chỉ lên mạng xã hội tuyên bố rằng chiến dịch tranh cử của Trump không có quyền sử dụng nhạc của họ. Họ không muốn vướng vào quy trình kiện tụng phức tạp", Iser nói.

"Ở chiều ngược lại: Vì cả nguyên đơn và bị đơn đều phải chịu chi phí pháp lý , hầu hết chiến dịch đều ngừng sử dụng bài hát ngay khi họ nhận khiếu nại từ nghệ sĩ", luật sư nói thêm.

Như Tâm (Theo NPR, Washington Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020