PGS TS Bùi Hoài Sơn
Văn hóa thực sự là hồn cốt của dân tộc, là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Văn hóa thịnh thì đất nước thịnh trị, văn hóa suy thì đất nước suy vong.
Trong thực tế, văn hóa đã thấm sâu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để làm cho các lĩnh vực ấy trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Văn hóa đã như một sức mạnh mềm giúp kết nối các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trở nên bền vững hơn thì các lĩnh vực đó cũng cần chăm lo ngược trở lại cho văn hóa thì mới thực sự hợp lẽ "đạo đức". Tuy nhiên mọi chuyện chưa hẳn thế.
Chúng ta vẫn đang "yêu cầu" văn hóa phải làm kinh tế (cho dù chức năng chính của văn hóa không hoàn toàn là kinh tế).
Tôi đồng ý rằng văn hóa phải gắn bó với kinh tế để thích nghi với nền kinh tế thị trường, gắn bó mật thiết với nhu cầu của thị trường, nhưng điều đó không có nghĩa là các sản phẩm văn hóa chỉ phục vụ mục đích kinh tế.
Đó chắc chắn là một cách tính toán sai lầm, và thực tế, không một quốc gia nào tính toán như vậy đối với văn hóa.
Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều có chính sách ưu đãi cho văn hóa, thể hiện bằng những quy định pháp luật cụ thể. Đầu tư cho văn hóa thể hiện tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư vô cùng mạo hiểm.
Chẳng hạn thị trường điện ảnh, vốn nhộn nhịp nhất của văn hóa nước ta, chỉ có vài ba phim có lãi, còn lại hàng chục phim lỗ ròng, là biết những người hoạt động trong lĩnh vực này phải yêu văn hóa như thế nào mới dám mạo hiểm tham gia vào thị trường này.
Vì thế khi nghe thông tin về dự Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến sẽ tăng gấp đôi thuế, các nghệ sĩ, nhà sản xuất phim và các đơn vị kinh doanh điện ảnh mới sốc như vậy.
Tỉ lệ phim Việt và phim ngoại qua các năm Nguồn: BHD - Đồ họa: T.ĐẠT
Điều đáng nói ở đây, trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu văn hóa quá nhiều, điện ảnh nước nhà đang yếu, chúng ta cần vực dậy một lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, dễ đem đến những thông điệp quan trọng về lịch sử, về tình yêu thương của con người.
Ta đang rất cần những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam thay vì việc hằng tối cứ phải xem các bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc.
Chúng ta có thể hiểu các nhà hoạch định chính sách cần phải cân đối các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Văn hóa cũng là một trong số các lĩnh vực thuộc đời sống kinh tế - xã hội đó. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần làm nhiều hơn cho văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất" như là lời động viên rất lớn đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Bây giờ chúng ta cần những quyết tâm thật, hành động thật, hiệu quả thật để thực hiện tâm nguyện của Tổng Bí thư, để văn hóa trở thành sức mạnh thực sự trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.