Quân nổi dậy chống chính quyền quân sự Myanmar tại bang Kayah hồi tháng 12-2023 - Ảnh: Reuters
Chiến sự vẫn tiếp diễn cả trước và trong những ngày Myanmar kỷ niệm 76 năm độc lập hôm 4-1. Theo truyền thông địa phương, trong tuần qua, chiến sự nổ ra rải rác ở khắp Myanmar, có nơi cả 6 vị tướng cùng hàng ngàn binh sĩ ra đầu hàng lực lượng vũ trang thiểu số.
Phe nổi dậy đã chiếm 30 thị trấn
Liên minh Ba anh em - một tập hợp ba lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số tại Myanmar gồm Quân đội Arakan (AA), Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang và Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) - hiện đã chiếm giữ 16 thị trấn ở bang Shan phía bắc Myanmar kể từ khi phát động chiến dịch 1027 vào ngày 27-10-2023.
Chiến dịch 1027 cũng được hỗ trợ bởi một số nhóm chống chính quyền quân sự khác, bao gồm cả Lực lượng Phòng vệ nhân dân thuộc Chính phủ dân sự thống nhất.
Cuộc tấn công phối hợp cũng đã chiếm giữ 14 thị trấn ở các bang Kachin, Kayah, Chin và Sagaing, nâng tổng số thị trấn bị lực lượng này kiểm soát trong hai tháng qua lên con số 30.
Tuần trước, 2.395 quân nhân quân đội Myanmar đã đầu hàng MNDAA. Điều này dẫn đến việc nhóm vũ trang dân tộc này chiếm được Laukkai - thủ phủ của khu tự trị Kokang phía bắc bang Shan - một cách dễ dàng và tuyên bố đây là vùng "phi chính quyền quân sự" vào hôm 5-1.
Trong số người đầu hàng có 6 tướng lĩnh, 228 sĩ quan và 1.895 binh sĩ cấp bậc khác, cũng như 266 quân nhân được triển khai trên một ngọn đồi chiến lược gần thị trấn.
Theo tờ The Irrawaddy, 6 tướng lĩnh trên đã bị bắt và áp giải về thủ đô, chờ quyết định từ nhà chức trách. Người phát ngôn quân đội Myanmar ngầm xác nhận những người này sẽ ổn khi nói rằng các tướng lĩnh đã đưa ra quyết định đúng đắn trong tình huống khó khăn tuần trước.
Còn theo giới quan sát, quân đội sẽ sớm thả các tướng lĩnh này bởi họ cần các chỉ huy cho những chiến dịch tái chiếm các địa điểm đã mất.
Chỉ vài ngày sau vụ đầu hàng ở Laukkai, Kutkai và Hseni - hai thị trấn nằm trên tuyến đường thương mại chính với Trung Quốc - cũng rơi vào tay quân chống chính quyền quân sự Myanmar.
Hai thị trấn này cũng được kết nối trực tiếp với Lashio, một trung tâm chỉ huy chính quyền quan trọng ở bang Shan. Mặc dù lực lượng nổi dậy đã nắm quyền kiểm soát thị trấn Kutkai, các cuộc đụng độ xung quanh thị trấn vẫn tiếp diễn trong ngày 8-1.
Giao tranh ác liệt cũng được báo cáo tại các thị trấn Nawnghkio, Mongmit và Kyaukme cùng ngày. Tuy nhiên, phe nổi dậy vẫn tự tin tuyên bố rằng quân đội của chính quyền đã suy yếu trên mọi mặt trận và khả năng tiến hành các cuộc phản công đang dần suy giảm.
Khó có kết cục sớm
Nhà báo kỳ cựu Bertil Lintner, người đã có bốn thập niên chuyên viết về châu Á và từng có thời gian dài làm việc tại Myanmar, lập luận rằng bất chấp những điểm yếu hiện tại của quân đội Myanmar và những ưu thế của phe đối lập, một chiến thắng quyết định cho một trong hai bên vẫn khó có thể xảy ra do các yếu tố như sự mất đoàn kết của phe nổi dậy, sự bám rễ lâu dài của quân đội trong mọi mặt đời sống xã hội Myanmar và còn chưa kể lợi ích chiến lược của một số bên khác bên ngoài.
Mặc dù các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Myanmar nhận thức được rằng môi trường quốc tế hiện nay không ủng hộ chủ nghĩa ly khai, điều này không có nghĩa là họ sẽ không phấn đấu vì điều đó.
Ông Joshua Kurlantzick, một thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), lập luận rằng quân đội Myanmar đang suy yếu và có nguy cơ sụp đổ.
Trừ khi được quản lý cẩn thận bởi cả Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG) và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số hàng đầu, "đất nước Myanmar sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm", tan rã thành hàng loạt nhóm nhỏ.
Và bởi vì thiếu kẻ thù chung, những nhóm này sẽ dễ dàng chĩa súng vào nhau, tạo ra sự hỗn loạn đẫm máu và hoàn toàn tiêu diệt phần còn lại của Nhà nước Myanmar.
Rất nhiều viễn cảnh đã được đặt ra, nhưng phần lớn đều đồng ý rằng kể cả khi các nhóm nổi dậy đánh bại được quân đội Myanmar, việc đó chưa chắc sẽ đem lại bình yên cho người dân của quốc gia này.
Trên thực tế từ nhiều năm qua ở nhiều vùng của Myanmar, các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số đã điều hành các hệ thống chính trị khác nhau và hoàn toàn tách biệt với trung ương.
Những nỗ lực không ngừng để giành quyền tự trị và sự tồn tại của các hệ thống quản trị song song ở nhiều vùng khác nhau của đất nước là bài toán đau đầu từ suốt hàng chục năm qua tại Myanmar.
Dân thường vẫn tiếp tục thiệt mạng
Theo Hãng tin AFP, một cuộc không kích được cho là của quân đội Myanmar nhằm vào một ngôi làng ở thị trấn Khampat, huyện Tamu, thuộc vùng Sagaing tại phía tây bắc Myanmar vào ngày 7-1 khiến ít nhất 19 người, bao gồm trẻ em, thiệt mạng và 20 người bị thương.
Ngôi làng được cho là nơi xảy ra vụ việc trên nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF) - một trong số nhiều nhóm nổi dậy chống chính quyền quân sự Myanmar.