Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng áp dụng chiến thuật ngoại giao khiến các đồng minh lẫn đối thủ bất ngờ. Ông chia rẽ những đối thủ hàng đầu của Washington bằng tư duy thực dụng, công khai xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Nga và Triều Tiên, đồng thời tăng áp lực lên Trung Quốc và Iran, buộc những nước này phải theo đuổi các lợi ích riêng biệt.
Ông Trump khi đó đã đạt được một số thành công nhất định, như kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, ngăn Nga xích lại gần Trung Quốc, đồng thời tăng áp lực lên Iran, buộc nước này phải tìm cách theo đuổi nỗ lực đàm phán.
Trong giai đoạn tranh cử, ông đã cam kết sẽ sử dụng nghệ thuật đàm phán của mình để đạt thỏa thuận sớm chấm dứt giao tranh tại Ukraine, tiếp tục ngăn tham vọng hạt nhân của Iran và đối phó với Trung Quốc, đồng thời tăng cường sức mạnh quân đội Mỹ.
Nhưng sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump phải đối mặt với thách thức hoàn toàn khác, khi các đối thủ hàng đầu của Mỹ đã đoàn kết hơn và gần như tạo thành một liên minh mới gắn bó chặt chẽ kể từ sau chiến sự Ukraine bùng phát.
Nga đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Triều Tiên, văn kiện cho phép hai nước hỗ trợ nhau nếu bị tấn công, vào năm 2024. Nhiều bằng chứng cho thấy Nga cũng nhận được hỗ trợ công nghệ và nguồn lực từ Iran để chế tạo máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Cuối tuần trước, Nga - Iran ký thêm hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, có hiệu lực 20 năm, cam kết giúp nhau ứng phó những mối đe dọa an ninh chung, song không có điều khoản phòng thủ chung như hiệp ước Nga - Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump tại Đồi Capitol ngày 20/1. Ảnh: AFP
Vài tiếng sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gọi nhau là bạn tốt và tái khẳng định mục tiêu phát triển quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Nga - Trung. Hai lãnh đạo nhấn mạnh hai nước có nhiều tương đồng về lợi ích quốc gia lẫn quan điểm về quan hệ cường quốc và tầm nhìn về trật tự đa cực.
Ngay trước thềm chiến sự Ukraine, Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin đã tuyên bố thiết lập "quan hệ đối tác không giới hạn". Quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc là một trong những yếu tố nền tảng để Nga duy trì ổn định giữa xung đột Ukraine và sóng trừng phạt của phương Tây.
Cả bốn đối thủ lớn của Mỹ đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Chính quyền cựu tổng thống Joe Biden từng cáo buộc 4 nước Iran, Triều Tiên, Nga và Trung Quốc đang dần trở thành "liên minh" nhằm giảm hiệu quả đòn bẩy kinh tế lẫn quân sự của Mỹ cùng đồng minh, theo giới chuyên gia.
"Ông Trump đã bày tỏ mong muốn 'hòa dịu với Nga' và đang cố gắng gây áp lực thương mại với Trung Quốc. Nhưng trước mặt ông là bài toán khó. Mối quan hệ Moskva - Bắc Kinh đang khiến Nga khó cởi mở hợp tác với Mỹ, đồng thời giúp Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn từ chiến tranh thương mại hay các đòn trừng phạt", Daniel Russel, chuyên gia Viện Chính sách Xã hội châu Á và cựu cố vấn về Đông Á cho tổng thống Barack Obama, nhận định.
Hàng nghìn lệnh trừng phạt đã được hàng chục quốc gia áp đặt lên các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân ở Nga kể từ khi chiến sự bùng phát. Các ngân hàng phương Tây đóng băng hơn 300 tỷ USD tài sản của Moskva, trong khi các chính phủ cấm mua bán nhiều loại dịch vụ và hàng hóa với Nga. Lạm phát tăng vọt khiến ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất tiêu chuẩn lên 21%, song nước này vẫn duy trì được ổn định và đạt nhiều bước tiến lớn trên chiến trường gần đây.
Nga vượt qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây một phần nhờ vào những hợp đồng năng lượng khổng lồ từ Trung Quốc và nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng, sử dụng được cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự, từ các nước thân thiện. Bắc Kinh đến nay luôn khẳng định họ không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế và không viện trợ quân sự cho Moskva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua video với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/1. Ảnh: Reuters
Những cố vấn thân cận của ông Trump cũng thừa nhận tình hình đầy thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Mỹ.
Ông Marco Rubio, người vừa nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ ngày 21/1, bình luận tại buổi điều trần ở Thượng viện tuần trước rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và cáo buộc Nga, Iran, Triều Tiên đang gieo rắc hỗn loạn, bất ổn trên khắp thế giới.
"Trung Quốc đang mua dầu từ Iran với giá rẻ mạt, rồi Iran dùng số tiền đó để gửi tên lửa và UAV đến Nga. Những vũ khí đó lại được sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine", ông Mike Waltz, người được chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia cho ông Trump, trả lời Fox News vào tháng 11/2024 về mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa các đối thủ của Mỹ.
Zack Cooper, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng trong chính quyền mới, đội ngũ của ông Trump sẽ cố gắng kéo Iran, Nga và Triều Triên rời xa Trung Quốc.
"Họ sẽ tìm cách đối phó từng đối thủ riêng lẻ, thay vì xem đây là một liên minh và cần giải pháp chung. Rất có thể đội ngũ của ông Trump sẽ thúc đẩy những thỏa thuận riêng với Bình Nhưỡng và Moskva", Cooper nhận định.
Tuy nhiên, Washington rất khó chia rẽ mối liên kết giữa 4 đối thủ lớn trong bối cảnh hiện nay. Trong khi giới quan sát từng cho rằng quan hệ Tehran - Moskva có thể rạn nứt sau khi Nga từ chối hỗ trợ chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad, hiệp định đối tác chiến lược tuần qua giữa hai nước đã chứng tỏ thực tế ngược lại.
Tehran càng có thêm lý do để củng cố quan hệ với các đối tác lớn như Moskva và Bắc Kinh khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Tân tổng thống Mỹ không che giấu ý định hồi sinh chính sách "gây áp lực tối đa" từng áp đặt với Iran trong nhiệm kỳ đầu. Điều này đồng nghĩa Mỹ trong 4 năm tới sẽ tập trung làm suy yếu nền kinh tế Iran, nhằm buộc nước này đàm phán dỡ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và ngừng các chương trình hỗ trợ quân sự trong khu vực.
Triều Tiên nhiều khả năng cũng không còn mặn mà với nỗ lực đàm phán cùng Mỹ về chương trình hạt nhân, tên lửa để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, khi Bình Nhưỡng nhận được sự hậu thuẫn ngày càng lớn từ Bắc Kinh và Moskva.
"Khi đã có sự hỗ trợ sâu rộng từ cả Nga và Trung Quốc, Triều Tiên có thể không còn cần đến Mỹ", Michael Froman, cựu đại diện thương mại Mỹ và hiện là chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đánh giá về triển vọng đàm phán Washington - Bình Nhưỡng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Thanh Danh (Theo Reuters, AP)