Một chiếc máy bay của Hãng hàng không Jeju Air (Hàn Quốc) - Ảnh: YONHAP
Theo Hãng tin Reuters ngày 30-12, các nhà điều tra đang đánh giá việc đâm phải chim và điều kiện thời tiết có thể là những yếu tố gây ra vụ tai nạn máy bay Hãng Jeju Air tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý lúc này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Sáng 29-12, máy bay Hãng Jeju Air - bay từ thủ đô Bangkok của Thái Lan đến sân bay quốc tế Muan, tây nam Hàn Quốc - đã đâm phải chim và dường như gặp trục trặc với càng đáp, khiến tổ bay chọn phương án hạ cánh bằng bụng.
Chiếc máy bay Boeing 737-800 chở 181 người đã trượt trên đường băng, dường như không thể giảm tốc độ trước khi đâm vào tường bê tông và bốc cháy dữ dội. 179 người thiệt mạng, chỉ 2 người sống sót.
Các quan chức Bộ Giao thông Hàn Quốc thuật lại đài kiểm soát không lưu đã phát cảnh báo nguy cơ va chạm với chim ngay trước khi phi công bật tín hiệu khẩn cấp và cố gắng hạ cánh.
Đi máy bay vẫn rất an toàn!
Trong lúc nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn trên đang được điều tra và còn nhiều vấn đề chưa rõ, báo USA Today (Mỹ) khẳng định có một điều chắc chắn: Di chuyển bằng máy bay vẫn rất an toàn!
"Theo thống kê, hàng không thương mại vẫn là hình thức vận chuyển an toàn nhất" - nhà phân tích hàng không Henry Harteveldt, người sáng lập Công ty nghiên cứu Atmosphere Research Group có trụ sở tại San Francisco, nói với USA Today.
Theo Hội đồng An toàn quốc gia (NSC, Mỹ), "tỉ lệ tử vong trong suốt cuộc đời của hành khách đi máy bay ở Mỹ là quá nhỏ để tính".
Ngược lại, họ cho biết xác suất một người Mỹ tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi là khoảng 1/93, lưu ý rằng có 46.027 người thiệt mạng do tai nạn xe cơ giới ở Mỹ chỉ riêng trong năm 2022.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) thông tin hệ thống không phận quốc gia của Mỹ đã hỗ trợ đưa 2,9 triệu hành khách hàng không đến nơi an toàn mỗi ngày.
Về vụ tai nạn máy bay Hãng Jeju Air, nhà phân tích Harteveldt nói: "Chuyện này cực kỳ hiếm. Hiện có khoảng 4.400 máy bay Boeing 737-800 đang hoạt động và chúng hoạt động rất đáng tin cậy, ngày này qua ngày khác. Các máy bay này hoạt động như vậy vì ngành hàng không toàn cầu hợp tác chặt chẽ khi nói đến các vấn đề liên quan đến sự an toàn".
Ông giải thích thêm mặc dù các hãng hàng không có thể cạnh tranh trong kinh doanh, nhưng các hãng và các nhà sản xuất máy bay như Boeing và Airbus đều chia sẻ thông tin về các quy trình bảo trì và nhiều thông tin khác để đảm bảo an toàn.
Theo FAA, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) đang dẫn đầu một nhóm nhà điều tra Mỹ, bao gồm FAA và Boeing, trong việc hỗ trợ Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt của Hàn Quốc.
Máy bay có thể sống sót sau khi đâm phải chim không?
Câu trả lời: Có thể sống sót.
"Thường thì chim bị hút vào một trong những động cơ của máy bay và các phi công luôn tìm cách hạ cánh máy bay an toàn" - ông Harteveldt nói. Nhà phân tích này cho biết thêm: "Nếu cả hai động cơ máy bay bị hỏng, các phi công thường có rất ít thời gian để đưa ra quyết định và rất khó để điều khiển máy bay, lúc đó phải có sự dàn xếp".
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về vụ chim đâm vào cả hai động cơ là máy bay Hãng US Airways (Mỹ) vào ngày 15-1-2009. Cơ trưởng đã hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson, cứu sống toàn bộ 155 người trên máy bay.