Ảnh ông Trump giơ nắm đấm sau khi thoát ám sát được gắn trên một chiếc xe rơ moóc ở thị trấn Franklin, bang North Carolina, vào hôm 2-11 - Ảnh: AFP
Tờ Washington Post vừa qua chứng kiến một số biên tập viên kỳ cựu và các cây bút lâu năm từ chức, chưa kể hàng chục nhân viên cấp cao khác công khai bày tỏ sự bất mãn. Tờ báo hàng đầu nước Mỹ này cũng bị hơn 200.000 độc giả hủy đăng ký trả phí, xóa tài khoản.
Tất cả bắt nguồn từ việc Washington Post bỏ truyền thống, không chính thức ra lập trường ủng hộ bất kỳ ai trong hai ứng viên tổng thống: bà Kamala Harris (Đảng Dân chủ) và ông Donald Trump (Đảng Cộng hòa).
Giải thích về việc này, tỉ phú sở hữu tờ báo Jeff Bezos khẳng định đã ra quyết định vì lo ngại độc giả mất niềm tin vào báo chí vì việc ủng hộ một ứng viên là hành động càng khiến nhiều người nghĩ truyền thông thiên vị.
Việc nhân viên Washington Post xin nghỉ vì chuyện ủng hộ ứng viên càng tô đậm sự phân cực chính trị nghiêm trọng tại Mỹ - hình ảnh được đa số nhà quan sát nhìn nhận đặc biệt trong tám năm từ lúc ông Trump bước vào chính giới.
Chính trị Mỹ trở nên cực đoan hơn, và thật hài hước khi những người vừa thể hiện sự cực đoan ấy lại xuất phát từ một tờ báo, dù vốn dĩ báo chí luôn lấy sự trung lập làm ngọn cờ đầu.
Ông Trump tổ chức tiệc tối với bạn bè, còn bà Harris làm gì trong ngày bầu cử Mỹ?
Là nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại trực tuyến Amazon, có thể hiểu vì sao ông Bezos tư duy theo hướng lấy khách hàng (độc giả) làm trung tâm. Amazon bán thứ khách cần mua, không phải bán thứ họ muốn. Bezos sẽ kỳ vọng Washington Post đưa tin độc giả muốn đọc, không chỉ đưa thứ họ có thể và muốn viết.
Chuyện nội dung lấy độc giả làm trung tâm thực chất đã gây tranh cãi trong giới báo chí Mỹ vài chục năm qua.
Giới nghiên cứu kịch liệt phản đối cái gọi là "báo chí đua ngựa" - tức là tường thuật theo kiểu chỉ tập trung vào tỉ lệ cược, con nào sẽ thắng, đưa tin về cự ly giữa 2 - 3 con ngựa đang dẫn đầu và bàn tán về danh tiếng của những con ngựa ấy.
"Báo chí đua ngựa" đặc biệt được ứng dụng trong các cuộc bầu cử, đề cập tới các loại thông tin về tỉ lệ thăm dò cử tri, các hành động và phát biểu của ứng viên này với ứng viên khác, cũng như tâm lý của cử tri về cá nhân ứng viên.
Nói cách khác, "báo chí đua ngựa" không quan tâm nhiều về cái mà người làm báo đáng ra muốn thể hiện vai trò nhất: phân tích chính sách các ứng viên, mang tới cho cử tri thông tin họ cần để ra quyết định trên lá phiếu.
Điều này nghĩa là thay vì phân tích chính sách của ông Trump hay bà Harris, truyền thông Mỹ ưu tiên đưa các cuộc thăm dò dư luận, và đó cũng là lý do các website như Five Fifty Eight (nay là 538) trở nên nổi tiếng.
Những người chỉ trích cho rằng "báo chí đua ngựa" quá hời hợt, thiếu trách nhiệm và gây phản tác dụng khi độc giả mất niềm tin vào cả chính trị gia lẫn giới truyền thông. Việc đưa các bản tin như tỉ lệ thăm dò ứng viên khiến độc giả cảm giác bị thao túng, bởi nhiều lúc số liệu không chính xác.
Tệ hơn, loại hình báo chí này có thể... loại một ứng viên ngay từ đầu, đặc biệt là ứng viên độc lập hoặc nữ giới. Bà Nikki Haley (nguyên đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc) có thể đủ hoặc không đủ giỏi để làm tổng thống Mỹ, nhưng thực tế cử tri đa phần gạt bà khỏi cuộc chơi vì số liệu thăm dò hơn là phản đối chính sách của ứng viên này (bao nhiêu người thực sự đã đọc cương lĩnh của Haley?).
Mối quan hệ tương hỗ giữa sự trỗi dậy của mạng xã hội và nhu cầu đọc tin thực tế của độc giả đã thay đổi cách con người tiếp nhận tin tức. Tranh cãi về tính trung lập của báo chí Mỹ tại cuộc bầu cử tổng thống 2024 có lẽ là một cột mốc nữa để truyền thông nước này dừng lại, có cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò và cách tiếp cận của mình. Đó là thách thức nhưng cũng là thời cơ để tìm thấy hướng đi đúng đắn cho thời đại mới.
Mời bạn đọc theo dõi thông tin mới nhất về bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.