Thượng nghị sĩ Marco Rubio gần như nắm chắc vé trở thành Ngoại trưởng Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo báo Politico, những ngày vừa qua, một loạt ứng viên bộ trưởng hoặc các vị trí tương đương được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử lần lượt đứng trước Thượng viện nước này để điều trần phê chuẩn.
Đúng như dự đoán, những gương mặt gây tranh cãi đã phải trải qua phiên điều trần dài và khó khăn. Điều này dấy lên lo ngại nội các của ông Trump trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai không được đông đủ.
Ứng viên Ngoại trưởng dễ vượt ải
Có lẽ ứng viên dễ dàng vượt qua ải Thượng viện nhất chính là Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người được đề cử vào vai trò Ngoại trưởng.
Ông Rubio đã có hơn 14 năm phục vụ trong Thượng viện Mỹ, kể từ năm 2011. Một phần không nhỏ trong đó là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Tại ủy ban này, ông được đánh giá cao về công việc và không tạo hiềm khích với những đồng nghiệp. Điều đó được chứng minh qua không khí thân thiện mà những thượng nghị sĩ lưỡng đảng dành cho ông khi ông tiến vào khán phòng điều trần.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên Đảng Dân chủ có uy tín cao nhất tại Ủy ban Đối ngoại, chia sẻ ngay ở phiên điều trần: "Tôi tin ông có những kỹ năng và đáp ứng yêu cầu để đảm đương vị trí ngoại trưởng".
Phiên điều trần ngày 15-1 của ông Rubio diễn ra thuận lợi. Ông tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn với nhiều vấn đề đối ngoại như Iran và Cuba, giống với quan điểm của ông Trump. Tuy nhiên ông Rubio cũng thể hiện một số khác biệt trong suy nghĩ, ví dụ như ủng hộ các liên minh như Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ứng viên bộ trưởng Quốc phòng thiếu kiến thức?
Ứng viên bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trong phiên điều trần ngày 14-1 - Ảnh: REUTERS
Một trong những lựa chọn gây tranh cãi nhất của ông Trump là ứng viên bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.
Ông Hegseth là một binh sĩ lục quân Mỹ đã về hưu, từng được điều đến tham chiến ở Iraq và Afghanistan. Sau khi giải ngũ, ông làm dẫn chương trình cho đài Fox News và trở thành đồng minh thân tín của ông Trump ngay từ những ngày đầu ông bước vào giới chính trị.
Những tranh cãi liên quan đến ông Hegseth trước hết về năng lực chuyên môn. Quân hàm cao nhất ông Hegseth từng nhận là hàm thiếu tá và ông chưa từng có kinh nghiệm chỉ đạo quân đội ở cấp chiến lược. Ông cũng chưa bao giờ làm việc tại Lầu Năm Góc hay bất kỳ kinh nghiệm trong chính phủ nào ngoài giai đoạn tại ngũ.
Không những thế, ông còn bị đặt dấu hỏi về tư cách đạo đức khi vướng nhiều tin đồn quấy rối tình dục phụ nữ.
Tại phiên điều trần ngày 14-1, ứng viên bộ trưởng Quốc phòng đã trải qua quá trình xét hỏi gắt gao từ các thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đặc biệt là các thành viên của Đảng Dân chủ.
Đặc biệt, khi được hỏi về số thành viên ASEAN và nêu tên một nước trong hiệp hội, ông Hegseth đã khẳng định không biết về số lượng và nêu tên... Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Điều này dấy lên lo ngại về kiến thức an ninh của ứng viên bộ trưởng Quốc phòng.
Bất chấp những rắc rối trên, ông Hegseth vẫn còn nhiều hy vọng được phê chuẩn vì Đảng Cộng hòa còn giữ đa số tại Thượng viện.
Ứng viên bộ trưởng Tư pháp đạt chuẩn nhưng gây tranh cãi
Ứng viên bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi tại phiên điều trần ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS
Ứng viên bộ trưởng Tư pháp là một trong những vị trí được chú ý nhiều trong nội các sắp tới. Không ít chuyên gia lo ngại ông Trump sẽ chỉ đạo bộ này dẫn đầu công cuộc trả đũa những người từng nắm vào ông trong bốn năm qua.
Bà Pam Bondi được đánh giá là ứng viên đạt tiêu chuẩn chuyên môn khi từng có 8 năm làm tổng chưởng lý bang Florida. Bà đã bào chữa thành công cho ông Trump trong lần đầu tiên ông bị luận tội hồi năm 2019.
Trong phiên điều trần ngày 15-1, bà Bondi cam kết sẽ giữ vai trò trung lập của Bộ Tư pháp Mỹ, không chính trị hóa cơ quan này và không nhắm vào cá nhân nào vì mưu đồ chính trị.
Bà cũng chỉ trích và cáo buộc việc Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Joe Biden bị "vũ khí hóa" để tung nhiều đòn pháp lý vào ông Trump.
Những câu trả lời trên được đánh giá là mẫu mực, giúp bà Bondi có thể dễ vượt ải Thượng viện. Tuy nhiên, không ít nhà phân tích cho rằng nhiều thượng nghị sĩ vẫn lo ngại sự trung thành của bà với ông Trump có thể khiến bà đi ngược lại những tuyên bố trên.
Ứng viên giám đốc CIA liệu có lấy lại thanh danh?
Ứng viên giám đốc CIA John Ratcliffe điều trần với Thượng viện ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS
Ứng viên giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) John Ratcliffe từng có nhiều năm làm dân biểu Hạ viện Mỹ. Ông cũng từng là giám đốc tình báo quốc gia (DNI) dưới thời ông Trump, vị trí giám sát toàn bộ các cơ quan tình báo Mỹ như CIA, Cơ quan an ninh nội địa (NSA)...
Tưởng như kinh nghiệm đó có thể giúp ông dễ dàng thỏa mãn những yêu cầu phê chuẩn của Thượng viện. Tuy nhiên, chính thời gian làm DNI đã khiến ông bị gán mác là đồng minh thân cận của ông Trump và có quan điểm ngờ vực sâu sắc với các tổ chức tình báo.
Tại phiên điều trần ngày 15-1, ông Ratcliffe đã cam kết duy trì vị thế "phi chính trị" của cộng đồng tình báo Mỹ, không bao giờ để quan hệ hay quan điểm chính trị cá nhân tác động đến những quyết định trong công việc.
Ứng viên bộ trưởng Tài chính nhận "bão" câu hỏi
Ứng viên bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trả lời Thượng viện - Ảnh: REUTERS
Các ứng viên bộ trưởng còn lại có lịch điều trần trong tuần này cũng đã phải đối mặt ít nhiều sóng gió, tiêu biểu trong đó như ứng viên bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.
Ghế lãnh đạo bộ trưởng Tài chính cũng là một trong những vị trí được theo dõi sát sao trong nhiệm kỳ tới, khi đây sẽ là người chỉ đạo việc tiến hành những chính sách kinh tế, thuế quan của ông Trump.
Ông Bessent với tư cách một tỉ phú thành đạt tại Phố Wall, từng là cố vấn kinh tế chủ chốt cho ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, có đủ tư cách chuyên môn để đảm đương nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần ngày 15-1, ông vẫn hứng chịu một loạt câu hỏi về cách tiến hành chính sách kinh tế của ông Trump như giảm thuế bao lâu, ai sẽ chi trả cho thiệt hại từ các chính sách thuế quan...
Những ứng viên còn lại
Ứng viên bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Robert Kennedy Jr. đứng trước nguy cơ không được phê chuẩn - Ảnh: REUTERS
Người duy nhất còn lịch điều trần trong tuần này là ứng viên bộ trưởng An ninh nội địa Kristi Noems. Đây cũng là người cuối cùng ra điều trần trước ngày nhậm chức của ông Trump vào 20-1.
Bà Noems là một trong những đồng minh trung thành nhất của ông Trump. Bà từng vận động trở thành ứng viên phó tổng thống của ông nhưng không thành. Sau đó, bà vẫn thường xuyên tham gia tích cực vào các hoạt động tranh cử của ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa.
Ghế bộ trưởng An ninh nội địa sẽ có vai trò khá lớn trong nội các mới của ông Trump vì đây là cơ quan phụ trách vấn đề nhập cư, một trong những ưu tiên chính sách của tổng thống đắc cử.
Sau lễ nhậm chức, Thượng viện sẽ tiếp tục tiến hành điều trần. Nhân vật gây tranh cãi bậc nhất trong những ứng viên còn lại là ông Robert Kennedy Jr., người đang mong trở thành bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh. Ông Kennedy có quan điểm tranh cãi khi phản đối nhiều thành tựu y học lớn như vắc xin và đưa fluor vào nước uống.
Trở ngại lớn nhất của ông Kennedy lại đến từ cá nhân ông. Trong mắt những người của Đảng Dân chủ, ông là thành viên của gia tộc danh giá Kennedy đã từ bỏ di sản, quay lưng với đảng này để tìm đường trở thành tổng thống, để rồi gia nhập bộ sậu của ông Trump để tìm ghế bộ trưởng.