Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza giữa Israel và Hamas đến nay vẫn chưa được nội các Israel phê chuẩn, nhưng cuộc chiến về tương lai chính trị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bắt đầu.
Vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố hôm 15/1, Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với một cuộc "nổi loạn" nội bộ từ các đối tác cực hữu trong liên minh cầm quyền. Đây là nhóm mà ông phải dựa vào ủng hộ của họ để có thể tiếp tục giữ vững vị thế trong chính trường Israel trước sức ép từ phe đối lập.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp nội các tại Bộ Quốc phòng ở Tel Aviv hồi tháng 1/2024. Ảnh: Reuters
Cuộc "nổi loạn" bắt đầu khi Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir tối 16/1 tuyên bố đảng Quyền lực Do Thái (JP) theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của ông sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền nếu Thủ tướng Netanyahu chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn.
Đảng JP có 6 ghế trong quốc hội gồm 120 ghế của Israel và nếu đảng này rút lui, liên minh cầm quyền sẽ chỉ còn 62 ghế tại quốc hội, thế đa số vô cùng mong manh. Bộ trưởng Ben-Gvir cho biết JP sẽ chỉ tái gia nhập chính phủ nếu chiến sự với Hamas vẫn tiếp diễn.
Động thái này có nguy cơ gây mất ổn định chính phủ Israel vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, dù bản thân nó không thể ngăn cản thỏa thuận Gaza tiến triển. Phần lớn các thành viên trong nội các của Thủ tướng Netanyahu ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và nó dự kiến được phê chuẩn ngay cả khi không có phiếu bầu từ đảng JP và một đảng cực hữu khác trong liên minh là Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (RZ).
RZ, đảng do Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich lãnh đạo, cũng kịch liệt phản đối thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Smotrich đe dọa sẽ từ chức nếu Thủ tướng Netanyahu chấp nhận ngừng bắn vĩnh viễn với Hamas. Đảng RZ hiện nắm 7 ghế tại quốc hội.
Theo giới quan sát, Thủ tướng Netanyahu có thể sẽ phải đưa ra lựa chọn quan trọng trong những tuần sắp tới: Duy trì thế đa số trong quốc hội bằng cách tiếp tục cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza, hoặc chấp nhận nguy cơ liên minh cầm quyền sụp đổ sau nửa nhiệm kỳ 4 năm của mình và đặt cược vào một cuộc bầu cử sớm.
Sau hơn 15 tháng chiến sự tàn khốc và với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, nhiều nhà phân tích cho rằng chấm dứt xung đột ở Gaza là lựa chọn tốt hơn cho lãnh đạo Israel và đây cũng có thể là tính toán của Thủ tướng Netanyahu khi thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
Moshe Klughaft, chiến lược gia từng cố vấn cho Thủ tướng Netanyahu về chính trị quốc tế, cho rằng trong trường hợp phải tổ chức bầu cử sớm, ông Netanyahu sẽ thuyết phục được cử tri Israel bằng câu chuyện về "chiến tranh và hòa bình".
Kể từ khi Hamas mở cuộc đột kích lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt từ công chúng vì không đảm bảo việc thả con tin sớm hơn.
Cha mẹ của những người lính chiến đấu ở Gaza cáo buộc ông trì hoãn nỗ lực đàm phán ngừng bắn nhằm đạt lợi ích chính trị. Khoảng 800 phụ huynh của các binh lính đã gửi cho Thủ tướng Netanyahu một lá thư hồi đầu tháng nói rằng họ không thể cho phép ông "hy sinh con cái mình làm bia đỡ đạn".
Hơn 400 binh sĩ Israel đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột nổ ra.
Thủ tướng Netanyahu đã thề sẽ tiêu diệt Hamas và đưa các con tin về nhà. Dù Hamas chưa bị đánh bại, Israel đã làm suy yếu đáng kể ban lãnh đạo và cơ cấu quân sự của tổ chức này.
Tel Aviv cũng khiến lực lượng Hezbollah tại Lebanon, đồng minh với Hamas, chật vật ở mặt trận phía bắc, tiêu diệt thủ lĩnh lâu năm của nhóm là Hassan Nasrallah cùng hàng loạt chỉ huy khác.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định Thủ tướng Netanyahu giờ đây dường như muốn dựa vào lệnh ngừng bắn để tìm ra hướng đi mới mang lại nhiều lợi thế hơn cho mình, có thể là bằng cách rời xa đối tác liên minh cực hữu mà ông chịu phụ thuộc từ năm 2022.
Lệnh ngừng bắn với Hamas thậm chí có thể mở đường cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ đã được mong đợi từ lâu với Arab Saudi, vốn được Tổng thống đắc cử Mỹ Trump hậu thuẫn.
"Điều quan trọng nằm ở cách bạn dẫn dắt cuộc chơi và Thủ tướng Netanyahu là người chơi hay nhất hiện tại", Jonathan Rynhold, trưởng khoa nghiên cứu chính trị tại Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv, cho hay.
Người Palestine phản ứng trước tin tức về thỏa thuận ngừng bắn với Israel tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza, hôm 15/1. Ảnh: Reuters
Theo Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, nhóm nghiên cứu phi đảng phái tại Jerusalem, trong mọi trường hợp, chính phủ của ông Netanyahu chắc chắn sẽ đứng vững cho đến sau khi giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn kết thúc. Nhưng Thủ tướng Netanyahu dường như tính toán rằng đã đến lúc ông cần lựa chọn giữa đa số ghế trong quốc hội hay một mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới ở Washington, những người có thể giúp ông đánh bóng di sản chính trị.
"Tôi nghĩ ông ấy đã tính đến bước đi lớn tiếp theo rồi", Plesner nói. "Nếu ông ấy phải lựa chọn giữa mối quan hệ thân cận với chính quyền Trump hay với Smotrich và Ben-Gvir, ông ấy sẽ chọn ông Trump".
Trước cuộc tấn công của Hamas, Mỹ đã nỗ lực làm trung gian và gần giúp Israel bình thường hóa quan hệ được với Arab Saudi.
"Câu hỏi đặt ra là Thủ tướng Netanyahu sẽ nhận được gì từ thỏa thuận này ngoài việc thả con tin hay ngừng bắn. Đó chính là lúc chúng ta đi sâu vào vấn đề Arab Saudi", Anshel Pfeffer, nhà báo kiêm tác giả một cuốn tiểu sử về ông Netanyahu xuất bản năm 2018, nói.
Pfeffer cho biết có khả năng thỏa thuận ngừng bắn với Hamas này "là một phần của điều gì đó lớn hơn nhiều, chẳng hạn như ông Trump muốn có một hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa Arab Saudi và Israel".
Dù các đối tác cực hữu của Thủ tướng Netanyahu tuyên bố phản đối lệnh ngừng bắn, Pfeffer cho rằng không có bất đồng nào trong liên minh cầm quyền đủ sức khiến ông bị lật đổ.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn sẽ là "khoảnh khắc thử thách" đối với Thủ tướng Netanyahu, khi ông có thể cố gắng rời xa phe cực hữu trong liên minh, hướng tới thỏa thuận lâu dài với Arab Saudi để định hình di sản chính trị của mình.
Theo Gayil Talshir, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hebrew Jerusalem, sau khi gần như nghiền nát Hamas và nhóm Hezbollah ở Lebanon, Thủ tướng Netanyahu có lẽ tin rằng ông không còn cần phải dựa vào phe cánh hữu cực đoan nữa.
Bà lưu ý rằng cựu bộ trưởng quốc phòng Benny Gantz, lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid và những tiếng nói chính trị quan trọng khác đã ám chỉ rằng họ sẽ làm việc với Thủ tướng Netanyahu nếu ông đạt được thỏa thuận giải cứu con tin hoặc nếu ông đạt được thỏa thuận với Arab Saudi.
Sau hai ngày trì hoãn, Thủ tướng Netanyahu hôm nay cho hay quá trình đàm phán ở Qatar đã kết thúc và các bên đã đi đến thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng. Nội các an ninh rút gọn của ông sẽ họp để phê chuẩn thỏa thuận trong ngày 17/1 và toàn thể chính phủ sẽ được triệu tập để bỏ phiếu sau đó. Thỏa thuận ngừng bắn với Hamas dự kiến có hiệu lực từ ngày 20/1.
Vũ Hoàng (Theo Times of Israel, Arab News, AFP, Reuters)