Năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của An Giang trên 8.123 tỷ đồng, tăng gần 1.372 tỷ đồng so năm 2022. Tổng vốn đầu tư lớn hơn, áp lực nặng nề hơn, nên ngay từ đầu năm 2023 tỉnh An Giang đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ từng dự án. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở đánh giá thi đua năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 8.123,65 tỷ đồng. Trong số đó, cấp tỉnh quản lý 237 dự án, tổng vốn gần 6.244 tỷ đồng; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia gần 588 tỷ đồng; cấp huyện quản lý gần 734 tỷ đồng; nguồn vốn khác và bố trí chi khác như: trả nợ vay, thanh toán công nợ gần 559 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công năm 2023, ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cho biết: ngay từ những ngày đầu năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã chỉ đạo quyết liệt Thủ trưởng các sở, ban ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tiếp tục xem giải ngân vốn đầu tư công đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cũng là tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công được giao và phê bình, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp trong năm 2023.
Ông Tân cho biết, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng: chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.
[2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 6,55% kế hoạch]
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đúng tiến độ, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu người đứng đầu sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới.
Kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện thủ tục từng dự án, báo cáo theo tuần, tháng để theo dõi, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn đảm bảo triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các dự án đúng kế hoạch đề ra.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, năm 2022, mặc dù còn gặp khó khăn với hơn 75% dự án khởi công mới đòi hỏi nhiều hồ sơ, thủ tục, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư của tỉnh An Giang đạt giá trị tuyệt đối cao hơn năm 2021 gần 1.800 tỷ đồng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 26 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đồng thời, đề nghị 16 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân rút kinh nghiệm sâu sắc, làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm và đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả.
Để giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải trực tiếp kiểm tra, kiểm soát công trình, dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất về thủ tục, hồ sơ, mặt bằng, có biên bản làm việc với nhà thầu về cam kết tiến độ và khối hượng thực hiện công trình, dự án; cử cán bộ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ, giám sát chặt chẽ.
Ông Phước cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công trình đầu tư công năm 2023, nhằm kịp thời kiểm tra, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án...
Năm 2022, An Giang có tổng cộng 41 chủ đầu tư có sử dụng kế hoạch đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân năm 2022 của tỉnh đạt 85,02%. Theo đó, có 25 chủ đầu tư có tỷ lệ cao hơn bình quân chung của tỉnh 82,55% gồm 16 đơn vị là các sở, ban ngành tỉnh và 9 đơn vị cấp huyện. Có 16 chủ đầu tư có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung của tỉnh (82,55%) gồm 14 đơn vị là các sở, ban ngành tỉnh và 2 đơn vị cấp huyện.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, kết quả giải ngân các kế hoạch vốn năm 2022 đạt thấp hơn so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của Ủy ban Nhân dân tỉnh đặt ra, nhưng các chủ đầu tư, các sở, ngành tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cũng đã nỗ lực, phấn đấu để đạt kết quả giải ngân 85,02%, tăng cao 28,8% so với cùng kỳ năm 2022 (tỷ lệ 56,22%).../.