MacKenzie Scott, vợ cũ của nhà sáng lập Amazon, đã nộp đơn ly hôn người chồng thứ hai, sau chưa đầy hai năm chung sống và cùng nhau thực hiện sứ mệnh từ thiện. Tuần trước, tên của Jewett đã biến mất khỏi những cam kết từ thiện của Scott trong khi tờ The New York Times công bố thông tin cặp đôi đang chia tay.
Bức ảnh hiếm hoi của nữ tỷ phú Scott và người chồng thứ 2 Jewett. Ảnh: Giving Pledge.
Trước đó, vào đầu năm 2019, Mackenzie tuyên bố ly hôn với Jeff Bezos. Theo điều khoản thỏa thuận ly hôn, bà Mackenzie được chia 1/4 cổ phần của Jeff Bezos tại Amazon. Sau khi thoả thuận này được thực hiện, bà Mackenzie trở thành người giàu thứ 40 trên thế giới và đổi họ từ Bezos thành Scott.
Chia sẻ với Insider, các chuyên gia pháp lý cho biết cuộc ly hôn thứ hai của Scott có thể sẽ khác rất nhiều so với lần đầu tiên và gần như chắc chắn sẽ đảm bảo giữ được phần lớn khối tài sản 28 tỷ USD của nữ tỷ phú.
Nếu không có thỏa thuận tiền hôn nhân thì thật đáng "ngạc nhiên"
Mackenzie Scott đã nhận được hàng triệu cổ phiếu Amazon trị giá khoảng 38 tỷ USD vào đầu năm 2019 khi ly hôn với Bezos. Mặc dù nữ tỷ phú đang liên tục làm từ thiện và khối tài sản khổng lồ đã sụt giảm kể từ đó, bà vẫn bước vào cuộc hôn nhân với Jewett với số tài sản vượt xa hầu hết mọi người trên khắp thế giới.
Theo Eleanor Alter, đối tác của công ty luật Alter, Wolff & Foley ở New York, người đã xử lý các vụ ly hôn nổi tiếng, việc cặp đôi này đã ký một thỏa thuận tiền hôn nhân là gần như chắc chắn.
"Tôi sẽ sốc nếu họ không có thỏa thuận tiền hôn nhân", cô nói.
Nhận định này cũng tương đồng với ý kiến của Jennifer Brandt, Chủ tịch nhóm luật gia đình tại công ty luật Pennsylvania Cozen O'Connor. "Trong trường hợp có giá trị tài sản ròng cao, mọi người hầu hết sẽ muốn có và được khuyên nên có một thỏa thuận tiền hôn nhân", chuyên gia này cho biết.
Brandt cũng lưu ý, thỏa thuận tiền hôn nhân đặc biệt phổ biến với một người đã kết hôn trước đó hoặc sắp kết hôn và có khối tài sản đáng kể. Cả hai yếu tố này đều đúng với trường hợp của Scott.
Cặp đôi đã đồng ý với hợp đồng phân chia tài sản
Theo hồ sơ tòa án, việc phân chia tài sản được thỏa thuận trong một hợp đồng ly thân, được Scott và Jewett đồng ý và không công khai.
Brandt đánh giá: “Hợp đồng ly thân có thể xác định rõ việc sử dụng các tài sản nhất định. Trong trường hợp có nhiều tài sản cần phân phối, thỏa thuận này có thể quy định từng người sẽ ở đâu, sử dụng tài sản nào, trước khi hoàn tất các thủ tục can thiệp”.
Theo Alter, thông thường loại thỏa thuận này được đưa vào một bản hợp đồng tiền hôn nhân. "Rất nhiều hợp đồng quy định rằng nếu ly hôn, thì các điều khoản của thỏa thuận tiền hôn nhân trở thành các điều khoản của thỏa thuận ly thân. Vì vậy, không có gì khác biệt, không có gì để thương lượng", cô nói. "Trong một cuộc hôn nhân ngắn ngủi, điều đó có thể xảy ra".
Terry Price, một giáo sư luật gia đình tại Đại học Washington, nói với GeekWire rằng các chi tiết của hợp đồng đó "sẽ không bao giờ được công khai".
Scott và Jewett hiện không đưa tin chính thức về kế hoạch ly hôn của họ.
Vụ ly hôn sẽ nhanh chóng hoàn tất
Alter ước tính rằng, với khả năng có một cuộc hôn nhân từ trước và thời gian ngắn của cuộc hôn nhân, cuộc ly hôn của Scott sẽ mất "ít nhất là vài tháng" để hoàn thành.
Theo luật tiểu bang Washington – nơi cặp đôi sinh sống, tài sản mà một cặp vợ chồng có được sau hôn nhân thuộc về cả hai người và do đó sẽ được phân chia công bằng. Nhưng với tài sản riêng trước khi kết hôn, họ không bắt buộc phải chia tài sản đó với vợ/chồng khi ly hôn. Theo Puck, điều đó có nghĩa vụ ly hôn sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến khối tài sản và kế hoạch quyên góp từ thiện của Scott.
Cũng theo Alter, việc ly hôn có thể chỉ tác động đến việc đóng thuế của nữ tỷ phú, bởi những người đã kết hôn có thể quyên góp nhiều hơn mà không phải trả thuế. Tuy nhiên, với quy mô làm từ thiện của Scott và bộ máy đằng sau thì vẫn chưa rõ việc ly hôn sẽ ảnh hưởng đến việc đóng thuế của bà như thế nào.
Theo Hồng Ngọc
Người đồng hành