Tàu chạy dưới nước
Sự phát triển của công nghệ đã giúp ngành vận tải có thêm nhiều loại nhiên liệu mới, có công nghệ đệm từ, robot trợ giúp và phương tiện tự hành. Tuy nhiên, Trung Quốc đang muốn tiến thêm một bước nữa bằng cách xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao dưới nước trên tuyến đường dài 13.000 km bắt đầu từ Trung Quốc đại lục, chạy qua Siberia, đi qua eo biển Bering đến Alaska và sau đó đến Canada và đích cuối cùng là Mỹ.
Mặc dù điều này nghe có vẻ xa vời, nhưng các tuyến đường sắt dưới nước không còn quá là điều viển vông trong tương lai khi Nhật Bản đã có tuyến đường sắt dưới nước hiện đang hoạt động tên là đường sắt Seikan.
Tuyến Seikan của Nhật Bản.
Đường hầm đường sắt dài 53,85 km của Nhật Bản nối đảo Honshu và đảo Hokkaido qua đường ray nằm sâu 140m dưới đáy biển. Hiện tại, đường hầm Seikan là đường sắt ngầm dài nhất và sâu nhất thế giới với khoảng 23,3 km đường hầm nằm dưới đáy biển.
Nếu Nhật Bản có thể tạo ra "kì tích" với công trình tàu dưới nước ấn tượng này, Trung Quốc có thể đạt được thành tựu như thế nào?
Được biết, thời gian bay từ Nga đến Mỹ kéo dài trung bình hơn mười giờ. Sự ra đời của tàu cao tốc dưới nước sẽ cho phép hành khách đi lại giữa Mỹ và Nga trong vòng 20 phút.
Dự án không tưởng của Trung Quốc
Năm 2014, một loạt những đầu báo lớn đã đưa tin về tuyến đường ray do Trung Quốc đề xuất và xây dựng. Khi được hỏi, các quan chức Trung Quốc đều khẳng định dự án có tính khả thi. Theo tờ China Daily, Trung Quốc đã sở hữu đủ tài nguyên và công nghệ cao để thực hiện tuyến đường "siêu thực này".
"Ngay lúc này, chúng tôi đã đang bàn luận. Nga cũng đã cân nhắc dự án này nhiều năm rồi", Wang Mengshu, chuyên gia đường sắt công tác tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho hay.
Các tuyến tàu ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters
Tàu chạy trên các tuyến đường sắt vẫn luôn được coi là phương tiện công cộng thân thiện với môi trường nhất. Tàu có thể chứa tới hàng chục nghìn hành khách, đồng thời có lượng phát thải thấp hơn đáng kể so với ô tô. Theo ước tính, tàu chỉ thải ra 14g CO2 khi chở một khách đi 1 kilomet, trong khi con số này của máy bay lên tới 285g.
Những đường tàu cao tốc, dùng để chở cả người lẫn hàng hóa, đều hiệu quả. Một đoàn tàu chạy bằng năng lượng tái tạo sẽ còn mang lại hiệu năng cao hơn nữa. Tuyến đường sắt Trung Quốc-Nga-Canada-Mỹ có thể cung cấp lượng lưu chuyển hàng hóa lên đến 100 triệu tấn, tương đương 8% hàng hóa vận chuyển trên thế giới mỗi năm giữa châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mỹ.
Hơn nữa, nó sẽ cho phép hành khách đi lại giữa Mỹ và Nga chỉ trong hơn 20 phút nếu đi bằng tàu cao tốc. Dự án này được mệnh danh là Cầu Thế giới, vì nó sẽ kết nối cả thế giới bằng đường sắt.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng yếu tố thách thức nhất của dự án sẽ là xây dựng đường giao nhau tại eo biển Bering, do đoạn này cần tới đường hầm dưới nước dài nhất thế giới - kéo dài hơn 103 km. Việc xây dựng này dự kiến sẽ mất từ 12-15 năm với ước tính khoảng 35 tỷ đô la chỉ cho đường liên kết liên lục địa ở dưới nước.
Để kết nối đất liền với biển, cơ sở hạ tầng mới sẽ cần phải được xây dựng do ga cuối gần nhất là 3.000 km vào Nga trong khi Alaska cũng cần hơn 1.200 km đường sắt mới. Tổng vốn đầu tư cho cả tuyến đường "từ Trung sang Mỹ" là khoảng 200 tỷ USD.
Dù rất tiềm năng, nhưng trong tương lai ngắn hạn dự án này sẽ khó có khả năng thành hiện thực. Willis Rooney, nhà kinh tế học tại GlobalData bình luận về tính khả thi kinh tế của dự án: "Tôi không thấy có bất kỳ ý định chính thức nào từ các bên. Có vẻ đây chỉ là một dự án trên giấy".
https://soha.vn/trung-quoc-dinh-xay-duong-tau-chay-duoi-nuoc-phi-thang-sang-my-kha-thi-hay-ao-tuong-20220114165912671.htmTheo Tất Đạt
Doanh nghiệp và tiếp thị