Tháng 5/2020, một số nhà khoa học đã dự đoán rằng nhiều khu vực trên thế giới có thể chẳng bao giờ đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng với Covid-19.

Và đến nay, nó vẫn đúng, ngay cả khi vaccine đã trở nên cực kỳ dễ tiếp cận tại các nước giàu có và nhiều người đã có miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.

Miễn dịch cộng đồng là mục tiêu dễ gây hiểu nhầm

Trên thực tế, ngưỡng miễn dịch cộng đồng là khái niệm dễ gây hiểu nhầm là một mục tiêu sớm đạt được trong đại dịch. Có điều, ngưỡng này rất dễ thay đổi, bởi nó còn phụ thuộc vào khả năng lây lan của mầm bệnh, cũng như các đặc điểm miễn dịch và hành vi của cộng đồng.

Lấy ví dụ, với một loại virus có khả năng lây nhiễm cao, dễ lan truyền từ người sang người, hoặc cộng đồng có mật độ người quá đông đúc, sẽ cần một bộ phận lớn dân số miễn dịch để giảm khả năng lây lan. Ngược lại, nếu virus không quá dễ lây hoặc cộng đồng thưa thớt, chỉ cần ít người miễn dịch là đủ để làm chậm tốc độ lan truyền. Và ở cả 2 trường hợp, ngưỡng miễn dịch cộng đồng là khác nhau.

Ngưỡng miễn dịch cộng đồng là thứ có thể thay đổi theo nhiều yếu tố và tình hình dịch bệnh

Covid-19 thì sao? Chủng SARS-CoV-2 gốc có ngưỡng miễn dịch cộng đồng được ước tính là 60% - 75% dân số. Nhưng các biến thể mới xuất hiện - như Delta và Omicron - cho khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn đã đẩy ngưỡng miễn dịch lên 80% - 90%. Và đó còn là giả định rằng những người đã tiêm chủng hoặc từng là F0 sẽ không thể nhiễm bệnh được nữa.

Trên thực tế với Omicron, khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch trước sự lây nhiễm đã giảm đi rất nhiều (dù vẫn chặn được khả năng mắc bệnh nặng). Nghĩa là dù 90% dân số tiêm chủng, số ca nhiễm Omicron cũng khó lòng chấm dứt được.

Các hành vi như đeo khẩu trang, làm việc tại nhà, hạn chế tụ tập có thể làm chậm sự lây lan. Nhưng khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ, số ca nhiễm sẽ lại tăng, khiến ngưỡng miễn dịch cộng đồng dâng cao hơn so với thời điểm mọi người còn cẩn trọng. Cùng lúc đó, bất bình đẳng xã hội có thể khiến những thiệt hại từ Covid trở nên trầm trọng hơn với những người ở tầng lớp lao động sống ở những nơi đông đúc chật hẹp, qua đó đẩy ngưỡng miễn dịch khu vực tăng cao hơn nữa.

Rất khó, thậm chí là... không bao giờ

Cách đây 1 năm, một số nhà khoa học cho rằng chúng ta sẽ chạm ngưỡng miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine và lây nhiễm tự nhiên. Nhưng sau 1 năm vaccine Covid được triển khai, chúng ta vẫn phải chứng kiến các làn sóng lây nhiễm gia tăng ở nhiều khu vực, kể cả những nơi có tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao. Đứng sau các làn sóng này là những biến thể có khả năng lây lan mạnh mẽ và né tránh được miễn dịch, dẫn đến chuyện nhiều người bị tái nhiễm.

Điều này cho thấy một sự thật nghiệt ngã rằng chúng ta vẫn chưa, thậm chí là sẽ chẳng bao gi đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng bất chấp thành công của vaccine. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các làn sóng dịch dữ dội và kéo dài đến vô tận.

Miễn dịch cộng đồng có thể là thứ nhân loại chẳng bao giờ đạt được

Ở thời điểm hiện tại, nhân loại đang bước vào giai đoạn chuyển mình, đưa Covid từ một đại dịch sang bệnh đặc hữu. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science vào tháng 1/2021, tác giả Jennie Lavine dự đoán rằng giống như các chủng virus corona gây ra cảm lạnh, Covid-19 sẽ sớm tiến hóa để gây ra triệu chứng nhẹ hơn và tiếp tục lây lan trong cộng đồng ở mức thấp hơn, do phần đông dân số đều đã nhiễm bệnh và đạt miễn dịch từ nhỏ. Hay nói đơn giản hơn, đó là một virus đặc hữu.

Khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, khả năng chặn lây lan của hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng suy yếu và để virus dễ lây nhiễm, nhưng miễn dịch chặn triệu chứng nặng thì tồn tại lâu hơn, gây bệnh nhẹ hơn. Các trường hợp nhiễm bệnh nặng cũng sẽ giảm dần.

Vấn đề là chúng ta vẫn chưa tới thời điểm này. Lavine cảnh báo rằng các hành vi phòng ngừa dịch bệnh để làm chậm tốc độ lây nhiễm vẫn là cần thiết trong quá trình này, để tránh cho hệ thống y tế quá tải bởi các ca nhập viện và tử vong cũng như các triệu chứng Covid kéo dài. Vaccine sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng để tránh những hậu quả xấu nhất trong quá trình chuyển dịch.

Cần nhớ rằng việc xây dựng miễn dịch sẽ mang đến lợi ích cho tất cả mọi người, ngay cả khi ngưỡng miễn dịch cộng đồng không thể đạt được. Những ca bệnh nặng sẽ giảm mạnh, qua đó tiết kiệm được nguồn lực y tế. Khoa học chứng minh rằng người đã tiêm chủng khi nhiễm bệnh sẽ chỉ ở giai đoạn lây nhiễm trong thời gian ngắn với tải lượng virus thấp, qua đó giảm khả năng khiến bệnh lan truyền. Khả năng bảo vệ cũng sẽ nhân lên khi nhiều người được tiêm chủng tiếp xúc với nhau, khiến tỉ lệ lây nhiễm giảm hẳn đi.

Mối lo đáng ngại

Vẫn còn trường hợp các ổ dịch không thể kiểm soát tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới.

Omicron - biến thể gây lo ngại mới nhất của Covid-19 đến nay dường như cho các triệu chứng nhẹ hơn so với chủng trước đây, và việc nó thay thế Delta ở một số khu vực dường như là điều đáng mừng.

Nhưng cần nhớ rằng ngay cả một biến thể nhẹ như vậy vẫn có khả năng khiến hệ thống y tế quá tải nếu nó lây nhiễm quá nhiều. Việc tiêm chủng nhanh chóng, đặc biệt là ở những nơi bất bình đẳng hoặc bài vaccine, vì thế vẫn là cách hiệu quả nhất để giảm khả năng xuất hiện biến thể mới.

Thế giới có thể chuẩn bị cho thời kỳ "bệnh đặc hữu Covid" ngay từ bây giờ bằng nhiều việc, như cải thiện khả năng tiếp cận vaccine, cho ra đời thế hệ khẩu trang và xét nghiệm nhanh chất lượng cao, và bắt buộc phải sử dụng chúng ở những nơi có rủi ro cao. Ngoài ra, cần phải đầu tư nghiên cứu cũng như phân phối thuốc chữa trị đối với các ca bệnh nặng, đồng thời hỗ trợ tốt cho những trường hợp mắc Covid kéo dài.

Covid khó mà đi đâu cả, nhưng chúng ta có thể tìm cách kiểm soát nó, và sống chung với nó.

Nguồn: The Guardian

Theo J.D

Trí thức trẻ

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020