Chuyên mục  


Hãng game đứng sau những trò chơi này từng là một trong những tượng đài tưởng như không thể xô đổ, song những sai lầm liên tiếp trong những năm gần đây đã khiến danh tiếng của công ty đi xuống khá nhiều. Trong bối cảnh Microsoft cần nâng tầm mảng trò chơi điện tử để cạnh tranh cùng Sony, công ty đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo đó là mua lại Activision Blizzard với cái giá lên tới gần 70 tỷ USD.

Activision Blizzard là sự kết hợp của hai hãng game nổi tiếng là Vivendi và Activision vào những ngày tháng 7 năm 2008. Hai gã khổng lồ với hàng loạt tựa game đã và đang làm mưa làm gió trên thế giới như Call of Duty, Hearthstone, StarCraft hay World of Warcraft kết hợp với nhau được cho là sẽ giúp họ thống trị làng game toàn cầu.

Vivendi là cổ đông lớn nhất của liên minh này, với việc nắm giữ 52% cổ phần. Trong vòng 3 năm tiếp theo kể từ sau khi hợp nhất, Activision Blizzard đã liên tiếp phá kỷ lục với tựa game Call of Duty khi lần lượt thu được 310, 360 và 400 triệu USD tại hai thị trường Anh và Mỹ chỉ sau 24 giờ phát hành, một kỷ lục mới trong ngành game trên toàn cầu.

Call of Duty - một trong những series game nổi tiếng nhất của Activision Blizzard (Ảnh: Microsoft)

Năm 2013, Vivendi không còn là công ty mẹ của Activision Blizzard sau khi bán lại 429 triệu cổ phiếu với cái giá 5,83 tỷ USD, đưa tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 11,8%. Công ty tiếp tục đón nhận những thành công với tựa game Destiny khi thu được 500 triệu USD trong ngày đầu tiên mở bán thông qua các cửa hàng ban lẻ trên toàn cầu; đây là kỷ lục về doanh thu của một tựa game mới được ra mắt. Call of Duty với phiên bản Ghosts thậm chí còn thu được 1 tỷ USD trong ngày đầu mở bán, tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng của Activision Blizzard. Công ty trở thành hãng game lớn thứ năm thế giới xét về doanh thu trong năm 2014, đạt 4.4 tỷ USD.

Blizzard lọt top 10 công ty ngành game có doanh thu lớn nhất (Ảnh: Newzoo)

Năm 2015, Activision Blizzard trở thành công ty sản xuất trò chơi điện tử thứ hai – bên cạnh EA – được niêm yết trên S&P500. Công ty cũng bước đầu đi theo hướng mới với việc mua lại King, tác giả của trò chơi Candy Crush Saga với cái giá gần 6 tỷ USD, mở đường cho việc tham gia phát triển trò chơi điện tử trên nền tảng điện thoại di động. Năm 2017, công ty lần đầu tiên lọt vào danh sách Fortune 500, thành tích mà chỉ EA và Atari – hai doanh nghiệp lớn khác trong ngành sản xuất trò chơi điện tử - đạt được.

Trong giai đoạn tiếp theo, doanh thu của hãng vẫn tiếp tục tăng nhờ vào những dòng game truyền thống như Diablo hay World of Warcraft, song chất lượng trò chơi của họ đang bị đánh giá là suy giảm. Công ty, thay vì đón nhận những lời đóng góp của người chơi, lại bỏ ngoài tai và tập trung với chiến lược mà họ cho rằng có thể thu được nhiều tiền nhất. Trong một buổi hội nghị Blizzcon, thậm chí một Giám đốc của Blizzard đã hỏi người hâm mộ rằng bạn không có điện thoại à (Do you guys not have phone) sau khi bị chất vấn về việc đưa Diablo lên điện thoại. Số người chơi World of Warcraft và Hearthstone cũng giảm mạnh theo thời gian, khi mà chất lượng các game này được đánh giá là không còn như xưa. Dù vậy, dịch Covid - 19 khiến nhu cầu chơi game của những người ở nhà tăng lên, giúp doanh thu của Activision Blizzard tiếp tục tăng lên. Kênh game trực tuyến của Blizzard đem lại cho họ 1.44 tỷ USD trong quý 2/ 2020, góp phần nâng tổng doanh thu cả năm này của công ty đạt 8 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước.

Số lượng người chơi của Blizzard giảm dần theo thời gian do việc họ liên tục làm giảm chất lượng trò chơi (Ảnh: InvenGlobal)

Không dừng lại ở việc chất lượng các trò chơi suy giảm, mà CEO của công ty là ông Bobby Kotick còn bị cáo buộc về việc ngược đãi phụ nữ và tiếp tay cho những hành động này tại văn phòng của Activision Blizzard. Trong 3 thập kỷ lãnh đạo công ty, ông này được cho là biết về các vụ ngược đãi và bạo hành tại công ty, song hoàn toàn bỏ qua và không hề báo cáo lại với Hội đồng quản trị. Vì vậy, áp lực từ chức của ông là rất lớn mặc dù đã có lời xin lỗi với công chúng và hứa sẽ sửa chữa những vấn nạn này ở công ty; cùng với đó, danh tiếng của Activision Blizzard cũng tiếp tục giảm không phanh sau những tin tức này.

Với những lý do trên, mặc dù không thực sự muốn song cuối cùng, Activision Blizzard đã bán mình cho Microsoft với thoả thuận trị giá gần 69 tỷ USD, tương đương với 95 USD/ cổ phiếu. Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu của họ đã tăng từ chỉ hơn 60 USD/ cổ phiếu lên thành 86.55 USD/ cổ phiếu vào ngày 18/1 năm nay. Thương vụ này giúp Microsoft trở thành công ty sản xuất game lớn thứ 3 thế giới, đồng thời giúp họ thâm nhập vào thị trường game điện thoại và metaverse được đánh giá là có sự phát triển như vũ bão trong những năm gần đây. CEO Kotick được đồn đoán sẽ bị thay thế bởi Phil Spencer, người được dự báo sẽ trở thành CEO của Microsoft Gaming sau khi thương vụ được hoàn tất.

Với hàng loạt tựa game ăn khách, Microsoft được dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ thương vụ này (Ảnh: Microsoft)

Call of Duty là một trong những series game thành công nhất mọi thời đạt trên nền tảng Xbox Live của Microsoft được đánh giá là tín hiệu tích cực cho sự hợp nhất của hai công ty. Tuy nhiên, Microsoft cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề trong văn phòng, cũng như sự hài lòng của khách hàng về chất lượng trò chơi vốn đã tồn tại qua nhiều năm của Activision Blizzard. Song trước mắt, đây sẽ là mỏ vàng cho Microsoft, đặc biệt là trong mảng game điện thoại và metaverse với tiềm năng rất lớn trong tương lai gần, khi mà lượng người dùng của cả hai công ty là một con số khổng lồ.

Sự kết hợp này sẽ đem lại cho Microsoft thêm nhiều khách hàng ở hai nền tảng mà họ còn tương đối yếu, đồng thời cũng tiếp tục đẩy mạnh mảng game trên nền tảng console của công ty để có thể cạnh tranh với Sony, trong bối cảnh máy Playstation 5 được ưa chuộng hơn hẳn so với Xbox Series X kể từ khi ra mắt.

https://cafef.vn/thuong-vu-70-ty-usd-cua-microsoft-co-vuc-day-duoc-activision-blizzard-20220123122240028.chn

Phạm Tiến Đạt

Theo Nhịp sống kinh tế

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020