Chuyên mục  


Đã hơn 2 năm kể từ bài viết đầu tiên Genk thực hiện về COVID-19, đó cũng là những ngày cuối năm cận tết âm lịch 2020: Virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được đặt tên, và người ta chỉ biết có một chủng virus nào đó đang gây ra một căn bệnh "viêm phổi lạ" ở Trung Quốc.

Kể từ đó tới nay, chúng tôi đã liên tục truyền tải tới quý độc giả những diễn biến quan trọng của dịch bệnh: Từ những ca nhiễm và tử vong đếm được trên đầu ngón tay, tới khi COVID-19 được WHO công nhận là một đại dịch toàn cầu, và hiện đã lây nhiễm hơn 340 triệu người khiến hơn 5,5 triệu người tử vong.

Nhưng 2 năm cũng là khoảng thời gian đủ cho chúng ta thấy: Khi phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu, cỗ máy khoa học của thế kỷ 21 đã làm việc hiệu quả đến thế nào!

"Trong các thời đại trước, khi con người phải đối mặt với một bệnh dịch chẳng hạn như Cái chết Đen, họ không biết điều gì đã gây ra nó hoặc làm thế nào để ngăn chặn. Khi đại dịch cúm năm 1918 xảy ra, các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới cũng không thể xác định được loại virus gây chết người", nhà sử học, triết học Yuval Noah Harari, tác giả cuốn sách "Sapiens: Lược sử loài người" cho biết.

"Với COVID-19 bây giờ đã rất khác. Hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một trận dịch mới tiềm ẩn bắt đầu vang lên vào cuối tháng 12 năm 2019. Đến ngày 10 tháng 1 năm 2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được virus gây bệnh mà còn giải mã bộ gen của nó và công bố thông tin lên internet.

Chỉ vài tháng tiếp theo, người ta đã thấy rõ những biện pháp nào có thể làm chậm và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm. Trong vòng chưa đầy một năm, một số vắc-xin hiệu quả đã được sản xuất hàng loạt. Trong cuộc chiến giữa con người và mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh mẽ đến thế".

Đó cũng là lý do mà hội đồng giải thưởng VinFuture đã quyết định trao giải Grand Prize, giải thưởng cao quý nhất trị giá 3 triệu USD cho ba nhà khoa học đã có công tạo ra loại vắc-xin đầu tiên cho con người trong đại dịch COVID-19: Giáo sư Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman - hai nhà khoa học đã tìm ra cách giúp các phân tử mRNA nhân tạo tồn tại bền vững không bị hệ miễn dịch đào thải, và Giáo sư Pieter Cullis - người đã sáng chế ra những hạt nano lipid có khả năng gói các phân tử mRNA để chúng không bị phân hủy trước đi đến được tế bào cần đến.

Các công trình nghiên cứu này đã được thực hiện một cách thầm lặng trong hàng thập kỷ để giúp con người có được những liều vắc-xin mRNA hôm nay. Đúng như tinh thần của giải thưởng VinFuture Katalin Karikó, Drew Weissman và Pieter Cullis xứng đáng là những người đã "giúp thế giới vượt qua những thử thách cam go và làm cho cuộc sống của nhân loại ngày càng tốt đẹp hơn".

Để thấy được điều đó, chúng ta chỉ cần nhìn lại khoảng thời gian đúng 100 năm trước, trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học mới chỉ biết chích lấy mụn nước từ người nhiễm đậu mùa làm vắc-xin, một loại vắc-xin hết sức thô sơ và tiềm ẩn rủi ro cao. Việc tìm ra một phương pháp tương tự để tạo miễn dịch với bệnh cúm là bất khả thi.

Mặc dù cũng đã thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội, cũng đã có khẩu trang để đeo nhưng khi không có vắc-xin, thế giới vẫn phải chờ virus tự nhiên biến mất. Đó là khi nó đã giết chết đủ số lượng vật chủ và phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên trên những người còn lại.

Kết quả là hơn 1/3 dân số thế giới đã nhiễm bệnh, 50-100 triệu người chết. Nhiều quốc gia ghi nhận mức sụt giảm dân số từ 6-10% vì cúm Tây Ban Nha.

Samoa, một quốc đảo ở Thái Bình Dương đã mất tới 1/4 công dân của mình. Những cộng đồng biệt lập này là nơi dân số không tích lũy được khả năng miễn dịch với các họ virus cúm. cũng bởi lý do đó, cúm Tây Ban Nha thậm chí đã xóa sổ gần như toàn bộ cộng đồng người Inuit và dân bản địa sống ở Alaska.

Các nhà khoa học đã luôn lo lắng về một đại dịch tàn khốc như vậy sẽ lặp lại. Trước khi COVID-19 xảy ra, các thuật toán và mô phỏng kịch bản trên máy tính cho thấy nếu một chủng virus mới gây ra đại dịch toàn cầu, nó có thể giết chết tới 150 triệu người.

Đó là do thế giới đang ngày một đông đúc hơn. Chúng ta đang xây dựng ngày càng nhiều các siêu đô thị trên quy mô toàn thế giới. Bản thân virus SARS-CoV-2 cũng bắt nguồn từ một siêu đô thị, Vũ Hán với hơn 10 triệu dân.

Mật độ dân số trong các đô thị và siêu đô thị này là điều kiện để virus lây lan mạnh. Sự phát triển của hàng không dân dụng và giao thông toàn cầu cũng góp phần phát tán mầm bệnh nhanh và hiệu quả hơn.

Nhưng các tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế và chăm sóc sức khỏe sau hơn 1 thế kỷ đã khiến lịch sử cúm Tây Ban Nha không thể lặp lại.

Chỉ trong vòng 2 năm, chúng ta đã chứng kiến những kỷ lục liên tục được thiết lập: Từ mầm bệnh được giải trình tự gen sớm nhất, vắc-xin được phát triển nhanh nhất đến một chiến dịch logistic phân phối và tiêm chủng vắc-xin vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.

Nếu vắc-xin COVID-19 được ghi nhận là một thành tựu y học quan trọng của thế giới trong năm 2020, năm 2021 là được coi là khoảng thời gian chúng ta kiểm chứng thành tựu đó. Đại dịch COVID-19 đến nay có thể được chia thành 2 giai đoạn: trước khi có và sau khi có vắc-xin, mỗi giai đoạn kéo dài 1 năm.

Trong bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại những gì mà thế giới đã làm được trong năm 2021, cũng là năm thứ hai của đại dịch. Sự ra đời của vắc-xin đã cứu sống bao nhiêu người? Và đó có xứng đáng là một thành tựu y tế đột phá hay không?

Theo số liệu từ Our World in Data, đã có hơn 9,4 tỷ liều vắc-xin COVID-19 được tiêm trên toàn thế giới, tương ứng với 59,1% dân số toàn cầu đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin. Tốc độ tiêm chủng hiện tại là 29,8 triệu liều/ngày.

Việt Nam từ một trong số các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp nhất năm 2020, đến cuối năm 2021 đã lọt vào top 10 quốc gia tiêm chủng nhiều nhất thể giới. Với 154.344.391 liều vắc-xin đã được phân phối, ít nhất 80% dân số chúng ta đã được tiêm 1 liều và 76,1% tiêm đủ từ 2 liều trở lên. Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam là hơn 800.000 liều/ngày.

Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của các quốc gia năm 2021

Theo Gagandeep Kang, một nhà virus học tại Đại học Y khoa Christian, Ấn Độ: "Bản thân việc thế giới sản xuất được từng đó vắc-xin đã là một thành công nổi bật". Có 4 loại vắc-xin đã vượt được ngưỡng phân phối trên 2 tỷ liều, bao gồm AstraZeneca, Sinovac, Pfizer-BioNTech và Sinopharm.

Bốn loại vắc-xin khác cũng đóng góp công lớn vào chiến dịch tiêm chủng toàn cầu là Moderna, Johnson & Johnson, Sputnik V và Bharat Biotech.

Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ cho biết: "Các loại vắc-xin đã có tác động rất lớn giúp ngăn chặn tử vong và giúp nền kinh tế của nhiều quốc gia trở lại bình thường. Ở các quốc gia có mức độ bao phủ vắc-xin cao, sự gia tăng số ca nhiễm đã không đi kèm với số ca tử vong. Do đó ngay cả khi có những đợt lây nhiễm mới, số ca tử vong ghi nhận vẫn ở mức thấp".

Chỉ có một điều đáng buồn là vắc-xin đã không được chia sẻ một cách công bằng trên toàn thế giới. Hiện tại, tốc độ tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập cao nhất thế giới vẫn nhanh gấp 10 lần nhóm quốc gia có thu nhập thấp nhất.

Điều này khiến hầu hết các nước thu nhập cao đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên 83%. Trong khi con số ở nhóm dưới chỉ là 21%.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tích cực vận động cho sáng kiến phân phối vắc-xin COVAX của mình, họ mới chỉ đưa được 750 triệu liều vắc-xin tới các quốc gia cần chúng. Tại các quốc gia nghèo nhất thế giới, chỉ mới có 8,8% dân số nhận được ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19.

Ở Châu Phi, cứ 4 nhân viên y tế thì mới có 1 người được chủng ngừa. Tỷ lệ một quốc gia có thu nhập thấp tự phát triển được vắc-xin tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chỉ là 0,4%.

WHO cho biết phân phối vắc-xin một cách công bằng tiếp tục trở thành một thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong năm 2022, nếu chúng ta muốn sớm chấm dứt đại dịch và đưa thế giới trở lại quỹ đạo phát triển vốn có.

Các quốc gia giàu đang được vận động chia sẻ vắc-xin và cả khả năng tài chính của mình để giúp đỡ các quốc gia nghèo. Điều này thậm chí mang lại lợi ích kinh tế cho chính họ. Một nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận RAND Europe cho thấy cứ mỗi 1 USD các nước giàu trích ra để mua vắc-xin cho các nước nghèo, họ sẽ nhận lại được 4,8 USD từ việc phục hồi kinh tế.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết thế giới chỉ cần 50 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu đó. Trong khi nhóm 20 quốc gia thành viên OECD đã phải chi tới 10 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế của mình vượt qua đại dịch.

Cho tới khi vắc-xin chưa được phổ cập cho toàn thế giới, RAND Europe ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục bị thiệt hại 153 tỷ USD mỗi năm. Số tiền này bao gồm chi phí y tế, thiệt hại do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và dịch vụ giữa các quốc gia, đặc biệt tác động đến các lĩnh vực như khách sạn, du lịch, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Bắt đầu từ tháng 3 năm 2021, khi dữ liệu về chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ở Hoa Kỳ được báo cáo đầy đủ, một nhóm các nhà kinh tế y tế tại Đại học Indiana University–Purdue đã thực hiện một ước tính tác động của vắc-xin dựa trên số người đã được cứu sống nhờ tiêm chủng.

Các nhà khoa học đã xây dựng và kiểm tra một thuật toán có khả năng dự đoán chính xác tới 98% số ca tử vong ở Hoa Kỳ và các tiểu bang với tốc độ bao phủ vắc-xin khác nhau. Thuật toán có thể khử hết các biến số nhiễu như mật độ dân số, hành vi xã hội, các biện pháp can thiệp phi dược phẩm như đeo khẩu trang, đặt hàng tại nhà … để tính ra số lượng người được cứu sống chỉ nhờ việc tiêm vắc-xin.

Kết quả cho thấy đến ngày 9 tháng 5 năm 2021, nếu cả nước Mỹ không có vắc-xin, số ca tử vong do COVID-19 của họ sẽ là 708.586 người. Nhưng số lượng thực tế được báo cáo chỉ là 578.863 người.

Như vậy chỉ trong vòng 5 tháng tiêm chủng đầu tiên, bắt đầu từ cuối năm 2020, các mũi vắc-xin COVID-19 đã cứu sống hơn 139.000 người chỉ tính riêng ở Mỹ. Giá trị kinh tế mà những mạng sống này mang lại là từ 625 tỷ đến 1,4 nghìn tỷ USD.

Có một sự thật, dù hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc-xin COVID-19 trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bị suy giảm theo thời gian, nhưng hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng và ngăn chặn tử vong nhờ các cơ chế miễn dịch tế bào T vẫn được duy trì ở mức cao.

Vào tháng 7 năm 2021, bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng trong đại dịch COVID-19 cho biết tới 99,2% số ca tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ nằm trong nhóm dân số chưa được tiêm chủng.

Tháng 11 năm 2021, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Châu Âu (ECDC) và WHO cũng đã ước tính tác động của chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại 33 quốc gia EU. Kết quả cho thấy những mũi tiêm đã cứu sống được 469.186 người chỉ tính riêng trong nhóm dân số trên 60 tuổi.

Càng những quốc gia triển khai tiêm chủng sớm và có tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người cao tuổi cao nhất thì số mạng sống họ cứu được càng nhiều. Chẳng hạn như trong nhóm 30 quốc gia làm được điều này, 261.421 người trên 80 tuổi đã được cứu sống.

Như vậy, chỉ tính riêng ở Mỹ và Châu Âu, hai khu vực đại diện cho 10% dân số thế giới, sự có mặt của vắc-xin đã giúp họ cứu sống được ít nhất 750.000 sinh mạng. Con số trên toàn cầu có thể còn lớn hơn gấp nhiều lần.

"Tiêm chủng có thể cứu sống nhiều người ở mọi lứa tuổi", Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc WHO Khu vực Châu Âu cho biết. "Vắc-xin COVID-19 là một kỳ tích của khoa học hiện đại. Và những gì mà nghiên cứu này cho thấy là những mũi tiêm đang thực hiện những gì mà chúng từng hứa hẹn.

Vắc-xin đã thực sự cứu được rất nhiều mạng sống, mang lại khả năng bảo vệ rất cao chống lại bệnh nặng và tử vong. Nếu không có vắc-xin, số ca tử vong ở một số quốc gia có thể đã gấp đôi con số được báo cáo hiện tại".

Năm 2021 là năm của vắc-xin COVID-19, nhưng cũng là năm của các biến thể. Từ khoảng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các nhà khoa học đã xác định được một bộ ba biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2 là Alpha, Beta và Gamma. Các biến thể này đều lây lan nhanh hơn các dòng virus lưu hành trước đó, và đã đặt ra mối lo ngại về khả năng kháng vắc-xin của chúng.

Qua một năm kiểm chứng, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và dịch tễ học trên khắp thế giới đã xác nhận vắc-xin vẫn có hiệu quả cao đối với biến thể Alpha được xác định lần đầu tiên ở Vương quốc Anh.

Nhưng với biến thể Beta và Gamma được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Brazil, một số loại vắc-xin dựa trên công nghệ vector virus như AstraZeneca và virus bất hoạt như các loại vắc-xin phát triển ở Trung Quốc và Ấn Độ đã bị giảm hiệu lực.

Biến thể Delta xuất hiện vào tháng 5 năm 2021 thậm chí còn đặt ra một thách thức cao hơn với toàn bộ các loại vắc-xin. Tại Israel, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, các quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng sớm nhất đã nhận thấy mọi loại vắc-xin COVID-19 đều bị suy giảm hiệu lực bảo vệ khỏi lây nhiễm theo thời gian và trước biến thể Delta.

Tuy nhiên, may mắn là các loại vắc-xin vẫn làm tốt công việc bảo vệ người đã tiêm chủng khỏi nhiễm bệnh nặng và tử vong. Laith Jamal Abu-Raddad, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine – Doha, Qatar cho biết: "Chúng ta hiện đã có rất nhiều dữ liệu để thấy mô hình rất rõ ràng, vắc-xin đang hoạt động rất tốt trong việc phòng ngừa bệnh COVID-19 diễn tiến nghiêm trọng".

Mặc dù vậy đến cuối năm 2021, virus SARS-CoV-2 lại một lần nữa đột biến để sinh ra một biến thể đáng lo ngại mới: Omicron. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy với 30 đột biến chỉ tính riêng trên gai protein, phần mà các loại vắc-xin của con người nhắm vào, Omicron đã có thể né tránh hoàn toàn kháng thể trung hoà mà vắc-xin tạo ra trong cơ thể.

Thí nghiệm được thực hiện bởi Pfizer/BioNTech và 2 cơ quan nghiên cứu độc lập với họ cho thấy tỷ lệ trung hòa kháng thể do 2 mũi vắc-xin mRNA tạo ra đã giảm từ 25 tới 41 lần so với các phiên bản virus SARS-CoV-2 trước đó, thậm chí xuống tới mức không còn khả năng ngăn chặn lây nhiễm.

Sandra Ciesek, Giám đốc Viện Virus Y tế Đại học Frankfurt, một trong những người đầu tiên theo dõi và nghiên cứu biến chủng Omicron cho biết họ đã kiểm tra kháng thể trung hòa của những người tiêm 2 liều vắc-xin các loại.

Theo đó, Omicron đã trốn được 2 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech, 2 liều Moderna, 1 liều AstraZeneca kết hợp với 1 liều Pfizer/BioNTech. Khả năng trung hòa kháng thể của những người tiêm 2 mũi vắc-xin này "sau 6 tháng đối với biến thể Omicron là 0%", bà Ciesek viết trên Twitter.

Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy 2 mũi vắc-xin vẫn có khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng trước biến thể Omicron. Điều này có thể đến từ việc vắc-xin cũng kích hoạt các phản ứng miễn dịch khác, ngoài kháng thể trung hoà, như phản ứng của tế bào T chống lại và tiêu diệt virus.

Và nếu tiêm thêm một mũi vắc-xin thứ ba, thử nghiệm của Pfizer/BioNTech cho thấy mức kháng thể trung hòa đã tăng trở lại đúng 25 lần, bằng mức mũi tiêm thứ 2 bị suy giảm trước biến thể Omicron. Một nghiên cứu sơ bộ từ Vương quốc Anh cũng cho thấy liều nhắc lại thứ ba đã khôi phục hiệu quả bảo vệ của vắc-xin lên trên mức 70%.

Tuy nhiên, trong năm 2022, chúng ta sẽ phải tiếp tục thu thập các dữ liệu dịch tễ để khẳng định hiệu quả của vắc-xin nhất là các mũi tăng cường đang được triển khai trước biến thể Omicron. Nếu biến thể này tiếp tục thể hiện khả năng kháng vắc-xin vượt trội, một số hãng dược phẩm như Pfizer và Moderna cho biết họ sẽ phát triển các mũi vắc-xin mới dành riêng cho biến thể này.

Năm 2022 không chỉ đặt ra thách thức với các biến thể mới, mà chúng ta còn phải lấp đầy một khoảng trống dân số lớn chưa được tiêm chủng: trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Đây là một nhóm lớn chiếm tới 29% dân số toàn cầu nên có vai trò rất quan trọng với mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Tùy các mức độ miễn dịch cộng đồng, chúng ta có thể đưa đại dịch COVID-19 về các mức độ: Xóa sổ (nghĩa là giảm số ca mắc về 0), loại bỏ (nghĩa là giảm số ca mắc về 0 ở một số quốc gia hoặc khu vực), kiểm soát (nghĩa là bệnh vẫn lưu hành nhưng chỉ ở mức độ thấp và gây ra thiệt hại tối thiểu).

Ngay cả khi nhắm đến mục tiêu thấp nhất là kiểm soát dịch bệnh, chúng ta vẫn phải tiêm vắc-xin cho thanh thiếu niên và trẻ em, bởi dù ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, thanh thiếu niên và trẻ em vẫn có thể nhiễm COVID-19 và lây truyền mầm bệnh cho những đối tượng nguy cơ cao khác, ví dụ như cha mẹ, ông bà trong gia đình.

Hơn nữa bản thân nhóm đối tượng trẻ em có bệnh nền như béo phì, tiểu đường và hen suyễn cũng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn người lớn khỏe mạnh. Trẻ mắc COVID-19 có thể bị các biến chứng nghiêm trọng như hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ảnh hưởng tới tim, phổi, thận, não, mắt và da…

Trong năm 2021, vắc-xin Pfizer/BioNTech đã chứng minh được độ an toàn và hiệu quả đối với thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Hiện vắc-xin này đang được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia. Pfizer cũng đã giảm liều vắc-xin xuống còn 1/3 để tạo ra một vắc-xin COVID-19 dành riêng cho đối tượng trẻ từ 5-11 tuổi.

Vắc-xin cũng đã chứng minh được sự an toàn và hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng và cả các nghiên cứu dịch tễ, trong đó các nhà nghiên cứu xây dựng mô hình diễn biến của dịch bệnh khi trẻ em không được tiêm chủng và được tiêm chủng, khi có biến thể mới và không có biến thể mới xuất hiện.

Đầu tháng 11 năm 2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt vắc xin Pfizer/BioNTech cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo sau họ là Canada, Israel, Liên minh Châu Âu và Australia.

Colombia, Chile, Argentina và Venezuela hiện đang cung cấp vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc cho trẻ em. Pfizer cho biết họ thậm chí đang phát triển một phiên bản vắc-xin COVID-19 dành cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi.

Một trong những thách thức để đạt được miễn dịch cộng đồng trên quy mô toàn cầu với COVID-19 là hiện chúng ta vẫn còn quá ít vắc-xin. WHO mới chỉ phê duyệt 10 loại vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 cùng với 13 loại vắc-xin khác đang được một số nước tự phê duyệt và sử dụng trong tiêm chủng.

Ít vắc-xin cộng với phân phối thiếu công bằng khiến hơn 40% dân số thể giới lúc này vẫn đang phải đợi liều vắc-xin đầu tiên. Trong năm 2022, hi vọng san lấp lỗ hổng lớn đó sẽ được đặt lên 40 loại vắc-xin COVID-19 đang trong thử nghiệm lâm sàng quốc tế lớn.

Ví dụ, vắc-xin protein sử dụng protein SARS-CoV-2 để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus. Loại vắc-xin này dễ sản xuất và vận chuyển hơn, do đó có thể đóng vai trò quan trọng giúp các quốc gia có thu nhập thấp tự sản xuất, tự chủ được vắc-xin và tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Một số loại vắc-xin COVID-19 khác đang được bào chế dưới dạng xịt họng hoặc hít qua mũi. CanSino và AstraZeneca cũng đang đi theo hướng phát triển này. Vắc-xin xịt họng và đường hít tác động trực tiếp vào các mô mà virus SARS-CoV-2 dùng để xâm nhập, do đó, có khả năng chúng sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

Xịt họng và hít mũi cũng đồng nghĩa với việc ai cũng có thể tự "tiêm" vắc-xin cho mình. Điều này giúp loại bỏ áp lực lên hệ thống y tế, khi không phải triển khai các điểm tiêm chủng, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho các tuyến phòng chống dịch cao hơn.

Ngoài ra, một số hãng dược phẩm cũng đang nhắm đến việc phát triển các vắc-xin dành riêng cho biến thể COVID-19 mới, chẳng hạn như Omicron. Trong một mục tiêu tham vọng hơn , họ còn nhắm tới một vắc-xin có thể bảo vệ chúng ta khỏi tất cả các chủng virus corona nói chung, từ virus SARS năm 2002, MERS năm 2012, COVID hiện tại và cả các dịch bệnh trong tương lai.

Quá trình nghiên cứu, phát triển và kiểm nghiệm vắc-xin COVID-19 trong năm 2021 cũng ghi nhận một số lượng kỷ lục các ấn phẩm khoa học được xuất bản. Tạp chí Nature cho biết kể từ đầu đại dịch đã có 15.000 bài báo khoa học được xuất bản liên quan đến vắc-xin COVID, 11.000 trong số đó được xuất bản vào năm 2021.

Con số chiếm tới 47% tổng số bài báo khoa học về vắc-xin xuất bản hàng năm. Kỷ lục này đại diện cho một nỗ lực nghiên cứu phi thường mà các nhà khoa học đã thực hiện được trong năm vừa qua.

Điều này không chỉ có ý nghĩa với riêng đại dịch COVID-19, rất nhiều công nghệ vắc-xin mới, như mRNA đã được thử thách trong đại dịch, sau này sẽ tiếp tục giúp nhân loại chống lại nhiều căn bệnh khác, từ HIV, cúm mùa cho tới vắc-xin dành cho bệnh ung thư và bệnh tim mạch.

"Nhân loại đang cùng nhau phát triển và vắc-xin đang mở ra rất nhiều cánh cửa cho chúng ta hiểu các phân tử này là gì, cách chúng hoạt động ra sao và tại sao chúng ta có thể muốn sử dụng chúng trong tương lai", Andrew Azman, một nhà dịch tễ bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins cho biết.

Trong năm 2022, những mũi tiêm COVID-19 sẽ tiếp tục cứu sống nhiều người và giúp nhiều người khác phòng tránh hoặc giảm nhẹ căn bệnh mà họ mắc phải. Những mũi tiêm cũng sẽ dần đưa thế giới trở lại cuộc sống bình thường và tiếp thêm năng lượng cho các nghiên cứu vắc-xin đang được tiếp tục thực hiện.

Có thể thấy với những mũi vắc-xin là thứ mà chúng ta có hiện nay, lịch sử của một đại dịch như Cái chết đen hay cúm Tây Ban Nha chắc chắn rất khó để lặp lại. Nhưng liệu chúng ta có làm nên lịch sử đáng tự hào với thế hệ tương lai không sẽ vẫn còn phụ thuộc vào tốc độ và công bằng trong cách thế giới phân phối vắc-xin, khả năng tiếp cận vắc-xin ở các quốc gia có thu nhập thấp, khả năng tiếp cận các mũi tiêm bổ sung trong nhóm dân cư dễ bị tổn thương cần được bảo vệ, bao gồm cả trẻ em trong năm 2022 tới.

Tham khảo Nature

Theo Thanh Long

Sức khỏe và Đời sống

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020