Ngành hàng thực phẩm từ thực vật sẽ đạt 162 tỉ USD vào năm 2030, trong đó 40% sự tăng trưởng đến từ châu Á - Thái Bình Dương (APAC), bao gồm thị trường Việt Nam.
"Thực phẩm từ thực vật đang được xem như một cách thể hiện lối sống mới, phong cách sống bền vững nên các chuỗi cà phê, nhà hàng đang đồng loạt đáp ứng xu hướng này trong thực đơn của mình" - bà Trezelene Chan, Giám đốc phát triển bền vững, Công ty Kantar Singapore, cho biết như vậy tại hội thảo khoa học quốc tế về "Dinh dưỡng thực vật và giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21" do Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đồng tổ chức ngày 12-7.
Bà Trezelene Chan cho biết thực phẩm từ thực vật đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ trong những năm sắp tới, dự báo sẽ tăng gấp 5 lần và đạt tới 162 tỉ USD vào năm 2030. Giá trị ngành hàng này tại Việt Nam có thể đạt 249 triệu USD vào năm 2027 nên đây là cơ hội lớn.
Các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia về thị trường trao đổi tại hội nghị ngày 12-7
Hiện tại, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang được 3 nhóm tiêu dùng nòng cốt dẫn đường, đó là người tiêu dùng trẻ, người thành thị và người có thu nhập khá. Trong đó, người trẻ (GenZ) là một nhóm đáng chú ý. Dự kiến đến năm 2025, GenZ sẽ chiếm 1/4 dân số khu vực APAC; sức mua của nhóm này sẽ đạt mức 140 tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2030.
-
Sữa hạt sẽ trở thành xu thế toàn cầu vì lợi ích sức khỏe
Kết quả nghiên cứu của Kantar Singapore cũng cho thấy đại dịch khiến nhiều người tiêu dùng chủ động đưa thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Đặc biệt, có 83% người tiêu dùng Việt đang tìm kiếm giải pháp mới tăng cường hệ miễn dịch, 82% người tiêu dùng Việt đang nỗ lực cải thiện sức khỏe của bản thân, cố gắng đưa đạm thực vật vào chế độ ăn uống.
Nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam nắm bắt cơ hội từ xu hướng này. Đơn cử như một công ty cao cấp hóa sữa chua làm từ thực vật, bán ở kênh trực tuyến đến các siêu thị cao cấp . Công ty này đã gọi vốn thành công hơn 1 tỉ USD.