Chuyên mục  


dien_gio.jpgTổ hợp điện năng lượng tái tạo. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để thực hiện được lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Đây là con số không nhỏ đối với một quốc gia đang phát triển, chịu nhiều tổn thương về biến đổi khí hậu như Việt Nam. Do đó, việc thu hút các nguồn lực có vai trò rất quan trọng trong tiến trình thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26).

TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết với chủ đề "Dẫn vốn cho tăng trưởng xanh;" trong đó nêu rõ những hiệu ứng tích cực về dòng vốn ngoại chảy về các dự án xanh sau COP 26 và gợi mở chính sách từ một số chuyên gia về giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Bài 1: Hàng tỷ USD chảy vào các dự án xanh

Sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 diễn ra vào cuối năm 2021, dòng vốn ngoại thông qua các tổ chức, định chế tài chính quốc tế ghi nhận chảy mạnh vào các dự án xanh Việt Nam trong năm 2022. Điều này có vai trò rất quan trọng cho quá trình thực hiện lộ trình đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Những dự án xanh triệuUSD

Đầu tháng 11/2022, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức khởi công xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Đáng chú ý, đây là nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu.

Ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO cho biết một trong những lý do thuyết phục họ chọn đầu tư ở Việt Nam là những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về trung hòa carbon vào 2050. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, hướng tới các giá trị bảo vệ môi trường của Tập đoàn. Các đối tác của LEGO ở Việt Nam theo đó cũng phải đảm bảo yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

[Khởi công xây dựng nhà máy LEGO tại Bình Dương]

Trước đó, Pandora - một công ty sản xuất đồ nữ trang của Đan Mạch cũng quyết định đầu tư dự án 100 triệu USD tại Bình Dương. Pandora dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo theo tiêu chuẩn LEED.

Không chỉ các dự án FDI ngày càng “xanh” hơn, dòng tín dụng tài trợ cho các dự án bền vững của doanh nghiệp Việt Nam cũng ghi nhận tăng mạnh sau COP 26. Chẳng hạn, cuối tháng 12/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và BIM Energy (thành viên Tập đoàn BIM Group) đã tiến hành ký kết thành công gói tài chính trị giá 107 triệu USD.

Khoản tài chính này bao gồm 25 triệu USD từ Quỹ nguồn vốn vay thông thường của ADB và 82 triệu USD do ADB thu xếp từ khoản cho vay đối ứng, có thời hạn 15 năm dùng để hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Dự án ước tính sẽ giảm phát thải 215.000 tấn khí CO2/năm, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu cam kết về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng.

Trước đó, tháng 10/2022, ADB cũng đã huy động một gói tài trợ giá 135 triệu USD cho Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) để sản xuất đội xe buýt vận tải công cộng chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Việt Nam và mạng lưới sạc xe điện toàn quốc đầu tiên.

Gói tài trợ kỳ hạn 7 năm bao gồm 20 triệu USD vốn vay do ADB tài trợ, các khoản vay song song trị giá 87 triệu USD được ADB xúc tác trên cương vị người chủ trì thu xếp vốn được ủy quyền và khoản tài trợ ưu đãi trị giá 28 triệu USD. Gói tài trợ khí hậu này được Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) chứng nhận. Đây là cơ chế gắn nhãn cho các trái phiếu, khoản vay và công cụ nợ khác góp phần khắc phục biến đổi khí hậu.

Tháng 12/2022, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 7 triệu USD với Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (BIWASE) để tài trợ vốn cho “Dự án phát điện sử dụng nguồn nhiệt từ xử lý rác thải.” Đây là hợp đồng thứ hai mà JICA ký kết với BIWASE sau Dự án “Mở rộng hệ thống cấp nước tỉnh Bình Dương" năm 2020.

Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cũng đã hoàn tất giải ngân cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương gần 3.700 tỷ đồng. Khoản vay từ IFC có kỳ hạn 5 năm sẽ được VPBank bổ trợ cho danh mục cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cùng nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

1909diengio.jpgẢnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2022, thị trường tài trợ vốn xanh cũng chứng kiến một loạt dự án xanh được giải ngân đến từ Ngân hàng HSBC. Động thái này của HSBC nhằm hiện thực hóa cam kết hỗ trợ 12 tỷ USD cho các dự án xanh, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 được ngân hàng này công bố hồi đầu năm 2022.

Trong đó, phải kể đến việc Ngân hàng HSBC hợp tác cùng một số ngân hàng khác cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Công ty cổ phần Vingroup (Vingroup) và VinFast - thành viên của Tập đoàn Vingroup trong lĩnh sản xuất ô tô trị giá tổng cộng 500 triệu USD.

HSBC đóng vai trò là đồng tư vấn tài chính bền vững và đồng bảo lãnh, thu xếp vốn và dựng sổ cho giao dịch lần này, cấu trúc và cung cấp giải pháp tài chính cạnh tranh cho cả Vingroup và VinFast. Hay khoản tín dụng xanh 400 tỷ đồng cho Viettel IDC, một công ty con của Tập đoàn Viettel với thời hạn 5 năm…

Chờ cú hích sau thỏa thuận JETP

Thị trường tài trợ vốn xanh của Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn nữa trong thời gian tới khi Việt Nam cùng các nước thuộc nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) vào tháng 12/2022.

Theo giới phân tích, đây được xem là bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ tại COP 26. Bởi lẽ JETP sẽ thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo và đẩy nhanh quá trình giảm dần nhiên liệu hóa thạch; đồng thời, đầu tư vào các ngành nghề của tương lai và việc làm phù hợp với quá trình chuyển dịch.

Đáng chú ý, có ít nhất 15,5 tỷ USD sẽ được tài trợ dưới hình thức chủ yếu là cho vay ưu đãi trong khoảng từ 3-5 năm để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường. Phần còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân để Việt Nam đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Nhóm Các nước Đối tác quốc tế (IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ngay sau đó đã cam kết huy động từ 7,75 tỷ USD trong vòng 3-5 năm nhằm giúp Chính phủ Việt Nam triển khai JETP.

nang_luong.jpgTrụ điện gió tại vùng ven biển. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Hưởng ứng tinh thần đó, Liên minh Tài chính Glasgow vì Cân bằng Phát thải (GFANZ) - Liên minh lớn nhất thế giới tập hợp các định chế tài chính cam kết hướng đến cân bằng phát thải trên cơ sở khoa học cũng khẳng định sẽ hỗ trợ những nỗ lực này, đặc biệt tập trung vào huy động nguồn vốn tư. Theo đó, GFANZ đã thành lập Nhóm làm việc chuyên trách gồm các định chế tài chính cam kết hướng đến cân bằng phát thải.

Nhóm chuyên trách này sẽ tham gia làm việc với các đối tác nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai JETP thông qua nhận diện những rào cản trong tìm kiếm nguồn đầu tư tư nhân, thúc đẩy những cải cách cần thiết để tháo gỡ những rào cản này và xác định hướng tiếp cận có thể giúp huy động tài chính tư quy mô lớn.

Ông Noel Quinn, Tổng Giám đốc Tập đoàn HSBC - một trong những thành viên của nhóm chuyên trách cho biết HSBC cam kết hỗ trợ khách hàng tại các thị trường mới nổi nhằm giảm phát thải theo hướng hỗ trợ duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo nguồn cung năng lượng lâu dài.

“JETP là một cơ chế; trong đó chúng tôi có thể tham gia sâu sát vào quá trình đạt được mục tiêu này và rất mong được làm việc với các đối tác ở Việt Nam nhằm hỗ trợ đất nước chuyển dịch sang cân bằng phát thải,” ông Noel Quinn chia sẻ.

Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 202 2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Do đó, việc tranh thủ nguồn lực hỗ trợ tài chính từ bên ngoài đóng vai trò rất lớn trong quá trình thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Các chuyên gia cho rằng, với những cam kết mạnh mẽ tại COP 26 và việc đạt được thỏa thuận JETP, Việt Nam dự báo sẽ trở thành “điểm đến” cho dòng vốn xanh của thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đưa dòng vốn xanh vào nền kinh tế, mấu chốt vấn đề vẫn là sự quyết tâm của khối doanh nghiệp tư nhân trong quá trình chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh hơn./.

Đón đọc bài 2: Thúc đẩy đầu tư xanh ở khối tư nhân
Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020