Thời gian vừa qua, đi đâu người ta cũng nghe thấy tin tức về tình trạng khan hiếm nguồn cung chip bán dẫn. Trải qua một loạt sự kiện kinh tế, giờ đây trên thị trường lại đang thừa mứa loại linh kiện này.
Những nguyên nhân gây ra thừa mứa
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thừa mứa nguồn cung chip bán dẫn trong hiện tại là sự hoảng loạn và mua tích trữ trong quá khứ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ. Các nhà sản xuất điện thoại và máy tính vội vã thu gom một số lượng lớn để dùng dần. Từ đó, các công ty chip bán dẫn cũng ra sức sản xuất càng nhiều càng tốt để lấp đầy nhu cầu.
Gần đây, tình hình dịch đã bớt căng thẳng. Người lao động bắt đầu trở lại văn phòng và các nhà máy sản xuất chip đã có thể dần khôi phục năng suất cũ.
Tuy nhiên, do trước đó đã tích trữ một lượng lớn, các công ty điện thoại, máy tính không có nhu cầu đặt hàng thêm. Đây là tin xấu cho các nhà sản xuất chip và họ buộc phải thận trọng hơn trong làm ăn. Thị trường đang đi xuống nên nhiều công ty như Intel, Qualcomm phải tạm ngưng tuyển dụng, thậm chí sa thải bớt nhân viên để tiết kiệm trong lúc kinh tế khó khăn.
Ngoài ra, ngành chip bán dẫn cũng tuân theo chu kỳ nhất định. Sự lên xuống theo từng giai đoạn gắn liền với tình trạng nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử dễ biến động, ví dụ như smartphone. Ngày thường, người tiêu dùng có thể mua sắm mạnh tay nhưng trong giai đoạn lạm phát cao, giá năng lượng bất ổn như hiện tại, họ thấy không cần thiết phải mua đổi lấy những mẫu điện thoại mới và hiện đại hơn. Sức mua đi xuống, các nhà sản xuất buộc phải thích nghi theo.
Trong suốt một thập kỷ vừa qua, đã từng có vài đợt biến động như vậy trên thị trường chip bán dẫn toàn cầu.
Thông thường, vào giai đoạn lễ tết của những tháng cuối và đầu năm, người tiêu dùng muốn mua sắm đồ điện tử nhiều hơn. Nhưng năm nay thì nhu cầu này dường như đang không hề tăng lên, nếu có tăng thì còn chậm hơn cả thời kỳ đại dịch.
Một nguyên nhân nữa góp phần vào tình trạng này là đạo luật CHIPS mà Mỹ mới ban hành trong mùa hè vừa rồi nhằm thúc đẩy sản lượng chip bán dẫn trong nước. Theo Wall Street Journal, chính phủ Mỹ đã trợ cấp 39 tỉ USD để xây dựng thêm nhà máy sản xuất chip tại nước này.
Ngành sản xuất ô tô là một cá biệt
Tuy nhiên, tình trạng này không xảy ra với mọi ngành sản xuất. Lĩnh vực ô tô vẫn phải đối mặt với nguy cơ khan hàng cho tới năm 2023. Gần đây, Toyota thậm chí đã phải cắt giảm bớt sản lượng do thiếu chip.
Nguyên nhân là do sự lệch pha trong công nghệ. Các chip bán dẫn dùng trong sản xuất ô tô chủ yếu được sản xuất theo dây chuyền thế hệ cũ.
Một báo cáo của McKinsey cho biết, ngành sản xuất ô tô chủ yếu yêu cầu loại chip 90nm hoặc lớn hơn, dù thế hệ chip này đã ra đời từ cách đây 20 năm. Các bộ phận trong ô tô vẫn chưa tích hợp được với công nghệ tân tiến. Muốn chuyển đổi sang chip thế hệ mới thì lại cần một quá trình lâu dài và tốn kém nên các nhà sản xuất ô tô vẫn còn chần chừ.
Thống kê và dự báo của McKinsey về nhu cầu chip trên thị trường sản xuất ô tô, theo kích thước nm, đơn vị triệu chiếc.
Đồng thời, để sản xuất ra chip 90nm hoặc lớn hơn, nhà máy cũng phải sử dụng các thiết bị cũ. Tuy nhiên, do lợi nhuận không cao nên họ cũng không có động lực đầu tư vào tăng công suất.
Trước đại dịch, năng lực sản xuất ra các loại chip này vốn đã thấp. Chỉ trong hai tháng của năm 2020, khi các nhà máy ô tô gần như đóng cửa hàng loạt, các công ty OEM cũng rút đơn hàng. Cùng lúc đó, sự bùng nổ nhu cầu từ các lĩnh vực khác đã rút đi toàn bộ lượng chip sẵn có. Đến bây giờ, khi các nhà sản xuất ô tô rục rịch quay trở lại thị trường thì đã hơi muộn.
Nhìn chung, nhu cầu về chip bán dẫn trong dài hạn vẫn sẽ còn tăng mạnh. Tuy nhiên trong ngắn hạn, đôi khi sẽ có những đợt thay đổi bất ngờ như thế này.
Tham khảo từ: McKinsey, WSJ
Theo Thùy An
Nhịp sống thị trường