Chuyên mục  


Sáng 31-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản". Diễn đàn còn có sự tham gia trực tuyến của đại diện 63 tỉnh, thành và các doanh nghiệp (DN).

Cần thông tin thông suốt

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định trước những bối cảnh, tình thế mà dịch Covid-19 làm xáo trộn quy trình sản xuất tiêu thụ, Bộ NN-PTNT đã có những hành động quyết liệt, kịp thời để hỗ trợ ngành nông nghiệp. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã thành lập 2 tổ công tác chỉ đạo sản xuất, cung ứng nông sản phía Nam và phía Bắc. Tổ công tác 970 phía Nam của bộ đã chỉ đạo, hành động quyết liệt, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, bảo đảm nhu cầu của người dân các tỉnh, thành phía Nam trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT II, cho biết Tổ công tác 970 được thành lập từ giữa tháng 7, đến nay tổ đã hình thành được 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ, trái cây và các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành.

Ngoài kết nối cung cầu, Tổ công tác 970 còn hỗ trợ thông tin về địa chỉ các cơ sở sản xuất ở địa phương, tư vấn hỗ trợ để việc sản xuất được thông suốt, đồng thời giúp tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu được thông suốt. Một kết quả nữa của Tổ công tác 970 làm được là gói combo 10 kg nông sản. Dù mới triển khai nhưng người dân rất quan tâm tới combo nông sản. Những lúc cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong vòng 10 phút. Trong 2 tuần đầu triển khai, lượng nông sản bà con đặt trung bình một ngày khoảng 300-400 tấn. Theo thống kê, gói combo nông sản của Tổ công tác 970 có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP HCM, Bình Dương, với sản lượng khoảng 2.100 tấn.

Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Tổ công tác 970 đề nghị 3 vấn đề. Thứ nhất, đề nghị các nhà bán lẻ, DN xuất nhập khẩu mạnh dạn liên kết với Tổ 970. Tổ cam kết, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp. Thứ hai, đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp tốt cho người mua, dựa trên ghi chép nhật ký điện tử sản xuất. Từ đó, giao cho các siêu thị lớn, giúp bên mua có thể nắm rõ quy trình sản xuất, và lấy cơ sở để xây dựng mã số vùng trồng. Thứ ba, đề nghị các sở NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành sớm hình thành các tổ liên kết với Tổ công tác 970, giúp hỗ trợ người dân thực hiện nhanh chóng các đơn hàng.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết thời gian vừa qua, TP HCM gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trung bình mỗi tuần, thành phố cần đến 76.747 tấn lương thực, thực phẩm các loại để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong bối cảnh đó, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Tổ công tác 970.

Qua diễn đàn, ông Hiệp đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thông tin kịp thời về cung - cầu, tăng cường nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online, đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến, thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng và cần tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.

Theo ông Hoàng Văn Duy, Tổng Giám đốc Mekong Sea Food Group, có 4 đơn vị thành viên ở Việt Nam và Singapore chuyên phân phối nông lâm thủy hải sản đi 80 thị trường đến các nước trên thế giới, đề nghị được cung cấp thông tin thông suốt giữa cung - cầu, nhằm giúp những đơn vị có nhu cầu lớn sớm chốt đơn, đồng thời minh bạch đơn giá, tăng tính cạnh tranh và giảm những liên kết nhỏ lẻ với từng HTX, đơn vị sản xuất.

Khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân có giá thấp từ nhiều tháng nay. Ảnh: CA LINH

Đưa công nghệ vào kết nối nông sản

Phát biểu điều hành từ Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết lần đầu ông đi ra Hà Nội, thấy rất xa. Bây giờ ngồi tại thủ đô, trái tim của cả nước, nói trực tiếp với 63 đầu cầu, điều này cho thấy công nghệ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, cùng nhau tìm hướng đi.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đặt vấn đề công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp? "Chúng ta đặt ra những câu hỏi thì sẽ tìm ra câu trả lời, tìm ra giải pháp. Đó mới là điều hữu hiệu, chứ không phải ngồi ca cẩm" - ông nói tiếp.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh thì nguyên lý kinh tế học là kết nối nguồn cung. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định. Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN-PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường. "Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần" - bộ trưởng khẳng định và cho biết các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.

"Thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp" - Bộ trưởng NN-PTNT chỉ đạo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh chỉ khi nào chuyển biến triệt để về tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị gia tăng. Một suy nghĩ nữa cần thay đổi là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh. "Nếu như trước đây, nhắc đến nông sản là người ta nghĩ đến giải cứu, giờ chúng ta phải thay đổi. Nông sản là phải nâng niu. Tất cả, từ người sản xuất, tiêu dùng, đến DN, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Phối hợp thu mua khoai lang tím Nhật

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp. Tính đến ngày 25-8, huyện còn khoảng 840 ha diện tích khoai lang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 25.200 tấn.

Theo ông Võ Văn Tước (ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân), do giãn cách xã hội, khoai lang tím Nhật không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, người dân chỉ có thể bán cho các vựa, HTX hoặc các tổ chức nên giá khá thấp. "Giá khoai lang tím Nhật bán chỉ khoảng 1.500 đồng/kg, với giá này thì lỗ tiền nhân công, phân thuốc. Còn ai thuê đất trồng khoai thì lỗ nặng" - ông Tước thở dài.

Để hỗ trợ tìm đầu ra, tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân trồng khoai lang tím Nhật, UBND huyện Bình Tân đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, DN hỗ trợ để thu mua khoai lang cho bà con nông dân. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cũng đã đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Sở Công Thương các tỉnh, thành quan tâm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ mặt hàng khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân với các DN và hệ thống phân phối của các tỉnh, thành.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các DN, HTX, Liên hiệp HTX và các chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt động và nhu cầu kinh doanh của đơn vị, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long xây dựng chương trình hỗ trợ, thu mua, chế biến để tiêu thụ khoai lang tím Nhật và các mặt hàng đã, đang, sắp thu hoạch của huyện Bình Tân trong hệ thống phân phối của mình.

Theo ông Huỳnh Ngọc Có, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoai lang Nhật Thành, Trung Quốc đã cho Việt Nam xuất khẩu khoai lang sang nước họ. Tuy nhiên, bên Trung Quốc cũng ra các điều kiện như: truy xuất mã vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, DN xuất khẩu phải đủ yêu cầu về kho chứa, nhà máy đóng gói... "Những điều kiện họ yêu cầu, công ty chúng tôi đã phối hợp với ngành chức năng, nông dân, HTX thực hiện đầy đủ, chỉ chờ hết dịch, bên Trung Quốc qua thẩm định là có thể xuất khẩu" - ông Có nói.

Ca Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020