Chuyên mục  


Nhật Bản là đối tác kinh tế chiến lược

Những năm qua, Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác chiến lược, chặt chẽ, mang đến sự phát triển tốt đẹp cho cả hai bên. Hiện nay, xứ sở Phù Tang chính là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD. Trong năm 2021, chỉ trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 24,5 tỷ, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2020. 

Trong 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI tại Việt Nam, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2021, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu do dịch bệnh, Nhật Bản vẫn tăng mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam, trong khi các đối tác lớn khác có xu hướng giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký 3,27 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 14.7% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng 94,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sức hút dài hạn của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật. 

Giai đoạn 2020 - 2021 ghi nhận nhiều thương vụ M&A đình đám giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Cùng với đó, các thương vụ M&A của các nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam cũng nở rộ, là động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Có thể kể đến một số các thương vụ lớn trong vài năm qua như: Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup với tổng vốn đầu tư khoảng 21.200 tỷ đồng; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây. Công ty Sumitomo Life mua 22,09% cổ phần Bảo Việt. Gần đây nhất là việc VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Sumitomo Mitsui.

Nhật Bản vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam những năm qua được đánh giá có hiệu quả nhờ sự chuyển giao công nghệ tiên tiến và tác phong lao động, kỷ luật tốt của các doanh nghiệp Nhật. Một ví dụ cho thương vụ M&A thành công là việc các đối tác Nhật Bản mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex, chuyển thành Công ty cổ phần PGT Holdings và chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực M&A.

Dưới sự lãnh đạo của đội ngũ quản trị Nhật Bản, PGT Holdings đã có kết quả kinh doanh đi lên, thành lập các công ty con trong và ngoài nước. Trong giai đoạn dịch bệnh, PGT vẫn có kết quả tăng trưởng dương và những tín hiệu lạc quan trên thị trường chứng khoán. Tháng 03/ 2021, PGT chính thức nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 85%. Trong phiên giao dịch ngày 15/11/2021, cổ phiếu PGT thanh khoản tăng cao với khối lượng 184.800, sắc tím phủ sóng trên sàn chứng khoán với giá 12.300 VND. Trước đó cổ phiếu PGT vẫn liên tục tăng trưởng ổn định.

Chính sách lãi suất âm giúp khuyến khích đầu tư.

Theo ông Kakazu Shogo, CEO của PGT Holdings, lý do nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tìm đến với Việt Nam là vì họ cần một thị trường tiềm năng mới để mở rộng kinh doanh khi hầu hết các lĩnh vực ở Nhật đều đã phát triển chạm trần. Hơn nữa, dòng tiền tích lũy của Nhật Bản trong 2 thập kỷ qua là rất lớn nhưng lãi suất ngân hàng bằng 0 và đôi lúc rơi vào trạng thái âm. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư đưa lượng tiền này trở lại thị trường bằng việc tái đầu tư thông qua M&A.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang đối mặt với vấn đề dân số già. Độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi, dân số giảm khoảng 276.000 người mỗi năm. Việc này khiến các doanh nghiệp Nhật phải tìm đến các thị trường có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với dân số 100 triệu dân có độ tuổi trung bình nhỏ hơn 20 tuổi so với người Nhật như Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy rủi ro lớn khi kinh doanh bị gián đoạn nếu tập trung một chỗ. Việc phân bổ chuỗi sản xuất và cung ứng rộng trên nhiều quốc gia có thể giảm thiểu rủi ro và giúp các doanh nghiệp linh hoạt hơn khi gặp phải biến động.

CEO PGT Ông Kakazu Shogo là người có nhiều kinh nghiệm trong việc xúc tiến, thúc đẩy đầu tư từ cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam trong hàng chục năm qua. Ông cho biết các nhà đầu tư Nhật vẫn luôn hứng thú với thị trường Việt ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và giao thương giữa hai nước được mở cửa trở lại, M&A sẽ tiếp tục là xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư Nhật để rót vốn vào thị trường Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp trong nước nắm bắt được làn sóng đầu tư này, cơ hội để mở rộng quy mô và phát triển là rất lớn.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020