Chính phủ Trung Quốc và các nhà máy điện quốc gia đã đặt mục tiêu tích cực về năng lượng tái tạo. Nhưng kế hoạch dừng hoạt động hoặc kiểm soát các nhà máy nhiệt điện than, yếu tố tạo ra 1/3 lượng khí thải carbon của Trung Quốc, chưa theo kịp mục tiêu này.
Theo báo cáo tháng 2 của Global Energy Monitor ở San Francisco và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) ở Helsinki, trong năm 2020, Trung Quốc đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 38,4 GW, gấp 3 lần công suất 11,9 GW của toàn thế giới.
Theo báo cáo, tốc độ phê duyệt xây dựng cũng đã tăng gấp 3 lần lên 36,9 GW trong năm 2020, gấp 5 lần so với tốc độ xây dựng ngoài Trung Quốc.
Công suất phát điện từ nhiệt điện than của Trung Quốc.
Tổ chức nghiên cứu khí hậu môi trường thế giới E3G cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã bổ sung khoảng 29,8 GW công suất. Ở những nơi khác, việc ngừng hoạt động nhà máy điện than cũ đã được thay thế bằng những nhà máy lớn hơn, ghi nhận mức tăng 12,5 GW trên toàn cầu.
Điều này xảy ra bất chấp việc Trung Quốc đã hủy bỏ 85% dự án điện than ở các nước phát triển và 77% ở các nước đang phát triển ngoài Trung Quốc.
Theo ước tính của tổ chức môi trường phi lợi nhuận Greenpeace, công suất nhiệt điện than của nước này hiện ở mức khoảng 1.080 GW, chiếm một nửa tổng công suất toàn cầu, với 250 GW khác đang được phát triển. Ngành điện chiếm khoảng 40% lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc.
Quốc gia thải ra carbon nhiều nhất thế giới đã cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2016 rằng sẽ tăng tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch lên 20% vào năm 2030. Chủ tịch Tập đã tăng mục tiêu đóng góp của điện gió và năng lượng mặt trời lên 25% tổng năng lượng điện, tương đương 1.200 MW vào năm 2030.
Các mỏ than, nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc vẫn đang phát triển, được tài trợ bởi một nguồn tài chính giá rẻ vô tận của các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng này đã hỗ trợ cho một trong những lĩnh vực công nghiệp lớn nhất nước hoạt động trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Hàng triệu việc làm và hàng tỷ nhân dân tệ đang bị đe dọa trong ngành than.
Sản xuất và tiêu thụ than ở Trung Quốc. Đơn vị: Tấn/ EJ
Năm công ty điện lực nhà nước lớn sản xuất hơn một nửa lượng điện than của Trung Quốc, bao gồm State Energy Investment Group, China Huaneng Group, China Datang Group, China Huadian Group và State Power Investment Group. Những công ty này sở hữu khoảng 2 triệu lao động và 5,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (836 tỷ USD).
Trong khi các ngân hàng Mỹ là một trong những nhà tài trợ dầu khí lớn nhất, các tổ chức tài chính Trung Quốc dẫn đầu về tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện và khai thác than.
Điều này được lặp lại bởi những phát hiện từ một nghiên cứu riêng biệt của 29 tổ chức phi chính phủ bao gồm Urgewald và Reclaim Finance, theo dõi các khoản vay do 380 ngân hàng cung cấp, cũng như các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu đã giúp duy trì 934 mỏ than và nhà sản xuất điện.
Các tổ chức phi chính phủ cho biết, tổ chức Trung Quốc dẫn đầu trong tài trợ than, bao gồm các dự án ở nhiều quốc gia đang phát triển, tăng lên 222 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, chiếm gần một nửa tổng số toàn cầu.
Từ năm 2016, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã triển khai "hệ thống đèn giao thông" để phân loại và áp đặt các hạn chế đối với các dự án điện than trong nước. Cơ quan quản lý ngân hàng thì yêu cầu các ngân hàng Trung Quốc giảm cho vay đối với một số lĩnh vực dễ phát thải và sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm cả nhiệt điện than kể từ năm 2007. Nhưng việc thực hiện đã bị chỉ trích là kém hiệu quả.
Các ngân hàng vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này. Một quản lý cấp cao của Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải, cho biết các khoản vay chỉ được cấp trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như các mỏ than quy mô lớn và các nhà máy chạy bằng than là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ngân hàng HSBC tháng trước đã cam kết rằng họ sẽ ngừng tài trợ cho các mỏ than và nhà máy điện ở Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên OECD vào năm 2030, gia hạn lệnh cấm ở mọi nơi khác một thập kỷ sau đó.
Để đáp ứng các mục tiêu carbon năm 2030 và 2060 của Chủ tịch Tập, công suất điện than của Trung Quốc phải giảm 40% vào năm 2030, theo CREA ở Helsinki.
Đó được đánh giá là một mục tiêu cao vì các nhà máy điện than của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp. Số giờ hoạt động của các nhà máy điện than Trung Quốc vào năm 2020 đã giảm 16% so với năm 2013. Mặc dù vậy, các nhà máy điện than vẫn đóng vai trò cần thiết trong nhiều năm, do nhu cầu điện định kỳ cũng như hạn chế về công suất và khả năng gián đoạn của năng lượng tái tạo.
Tổng hợp
Khánh Ly
Theo Nhịp sống kinh tế