Xuất hiện trong tập 13 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, bà Phan Thị Na - Tổng Giám đốc, Đồng sáng lập CTCP Caty Food cho biết doanh nghiệp này là thành viên của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, rất trăn trở, khát khao tìm đầu ra cho trái thanh long ở vùng trồng Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sau 2 năm nghiên cứu cùng trường Đại học Công thương và Viện Khoa học Kinh tế Sài Gòn, Caty Food đã phát triển thành công mì ăn liền thanh long công nghệ nano, trong vắt mì chứa 12% hàm lượng thanh long. Công ty khẳng định đây là sản phẩm đột phá vì lần đầu tiên trên thế giới, người Việt Nam đã mang được thành phần trái thanh long vào trong sợi mì.
Caty có bằng sáng chế công nghệ, đã đăng ký độc quyền ở Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác. Sản phẩm đạt các chứng nhận như FDA, HACCP, GlobalGAP, đã xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc, cuối năm 2024 xuất khẩu sang Nga, Indonesia và Australia.
"Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm"
Về bức tranh thị trường, Caty Food trình bày rằng năm 2023, Việt Nam tiêu thụ hơn 8 tỷ gói mì, ngoài các ông lớn còn tới 27% thị phần của các hãng mì nhỏ lẻ. Caty Food đặt mục tiêu năm 2026 có thể chiếm lĩnh 5% thị phần của toàn bộ thị trường . Đội ngũ Caty Food thừa nhận mì ăn liền là “thị trường đỏ”, nhưng xét về mì có thành phần trái cây, họ không có đối thủ và tiềm năng phát triển rất lớn.
Cái tên Caty Food cũng không xa lạ với đại chúng nhờ chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” đạt Top 1 Social Trend tháng 11 và 12/2023. Cú viral ngoạn mục này đã tạo ra “khủng hoảng dương”, cung không đủ cầu, giúp Caty Food bán được hơn 3 triệu gói.
Nhờ vậy, công ty đã mở rộng được hơn 10.000 điểm bán, xuất hiện tại hệ thống các siêu thị Emart, Co.opmart… Doanh thu năm 2023 là 46 tỷ, biên lợi nhuận sau thuế là 8%. Mục tiêu năm 2024 là đạt doanh thu 250 tỷ, mở rộng hơn 50.000 điểm bán vào năm sau.
Đến Shark Tank, Caty Food gọi vốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần.
Shark Minh Beta nhanh chóng thắc mắc rằng chiến dịch truyền thông “gây bão mạng” cuối năm ngoái là do đội ngũ Caty Food tính toán hay nhờ may mắn. Đáp lại, Giám đốc Marketing Caty Food Trần Danh cho biết may mắn chỉ là một yếu tố trong chiến dịch.
“ Đội ngũ marketing của Caty Food rất trẻ, am hiểu văn hóa đại chúng, nắm bắt được các trend, đã tính toán được là sau khi tung chiến dịch sẽ có độ viral nhất định. Caty Food rất tự tin và đo đạc được 50-60% tình hình. Tuy nhiên, thực tế sức hút lớn hơn kỳ vọng ”, Trần Danh trình bày.
Bà Phan Thị Na - Tổng Giám đốc, Đồng sáng lập CTCP Caty Food (phải) và Giám đốc Marketing Caty Food Trần Danh.
Shark Tillman Schulz - CEO của Tập đoàn MDS (Đức) vốn đang nhập khẩu nhiều mì ăn liền từ Thái Lan với giá 3.100 đồng. Ông đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh khi biết giá sản phẩm Caty Food từ 6.000 - 16.000 đồng/gói, cho biết thêm rằng ông hiện đang mua 15-20 triệu gói để có giá 3.100 đồng/sản phẩm.
Đáp lại, phía Caty Food cho biết năng lực sản xuất của họ đang ở mức 1 triệu gói/ngày. Với đơn hàng 20 triệu gói, giá xuất xưởng là 7.000 đồng/gói.
Thị trường mì gói "đỏ như vỏ của trái thanh long"
Shark Minh Beta là người đầu tiên rút lui khỏi thương vụ. “ Tôi nhận định thị trường mì tôm rất đỏ lửa, đỏ như vỏ của trái thanh long vậy. Hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì tôm và 4 ông lớn chiếm đa số thị phần. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn rất chật vật, ngành này biên lợi nhuận không cao ”, Chủ tịch Beta Group nêu quan điểm, nói thêm rằng Caty Food định giá công ty cao so với kết quả kinh doanh.
Đồng quan điểm với Shark Minh, Shark Lê Mỹ Nga đánh giá kết quả kinh doanh tốt của Caty Food chỉ là nhất thời nhờ sự ủng hộ của khách hàng “giải cứu thanh long”. Bà không thấy bức tranh sáng sủa về thị trường cả ở quốc tế và Việt Nam trong tương lai nên không đầu tư. Shark Phi Vân cũng từ chối vì không phải khẩu vị đầu tư.
Shark Tillman Schulz tiếp tục hỏi về lý do Caty Food tự định giá công ty 20 triệu USD. Trả lời “cá mập Đức”, phía doanh nghiệp cho biết họ đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 là 250 tỷ và tin tưởng năm 2026 sẽ đạt 2.000 tỷ. Trong trường hợp tình hình kinh doanh 3 năm tới không như kỳ vọng thì có thể định giá lại. Cuối cùng, Shark Tillman quyết định rút lui vì đánh giá khó lấy lại lợi nhuận, các đơn vị khác có thể sẽ phát triển công nghệ tương tự Caty Food.
Trước khi ra deal, Shark Bình giải thích cách ông định giá Caty Food: “ Trong ngành này, với các công ty trên sàn chứng khoán thì chỉ số P/E khoảng 15 lần. Nhưng startup như Caty Food chỉ tối đa 10 lần. Lợi nhuận năm nay 20 tỷ thì định giá chỉ khoảng 200 tỷ ”. Trên cơ sở này, Shark Bình ra deal 1 triệu USD cho 11,1% cổ phần.
Phía Caty Food khẳng định công ty rất tự tin với giá trị thương hiệu cũng như mục tiêu tương lai, nên quyết giữ định giá ban đầu. Shark Bình tiếp tục thuyết phục rằng ông đang mua “đúng giá thị trường”.
“ Trong tương lai các bạn tăng trưởng thì tôi mới có lời. Còn nếu không tăng trưởng, thậm chí đi xuống, có nhiều đối thủ cạnh tranh nhảy vào là tôi lỗ với khoản đầu tư này. Các bạn nhận deal thì chỉ có lợi thôi, tôi là người chịu rủi ro. Tất nhiên rủi ro đi kèm cơ hội, nhưng là 50/50 ”, Chủ tịch NextTech cho biết.
Đáp lại, Caty Food đưa ra con số tối đa họ chấp nhận là 7,5% cổ phần, nhưng Shark Bình chốt mức cuối cùng là 10%. Bà Phan Thị Na cố gắng thuyết phục rằng việc đầu tư vào Caty Food ít rủi ro bởi thị trường mì gói rất rộng lớn, họ cũng có kế hoạch đưa sản phẩm vào hệ thống Circle K và GS25.
“ Những lời hứa hẹn bao giờ cũng màu hồng như trái thanh long ”, Shark Bình trả lời.
Kết quả là sau khi gọi điện cho Chủ tịch công ty để hỏi ý kiến, đội ngũ Caty Food đồng ý nhận deal 1 triệu USD cho 10% cổ phần của Shark Bình, khép lại thương vụ thành công.