Kinh tế Trung Quốc giảm tốc vô tình tạo ra một bức tranh trái chiều trên thị trường xuất khẩu châu Á. Nếu như các quốc gia Bắc Á cùng chung “gam màu trầm”, thì nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục duy trì hoạt động thương mại ổn định với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Vận chuyển container tại nhà ga cảng Busan ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.
Hiện tại, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ tình trạng sụt giảm tiêu dùng và sản lượng do phong tỏa phòng dịch Covid-19 cho tới đà suy yếu nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu.
Giữa bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu từ nhóm sáu nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, với Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, phần lớn có dấu hiệu khởi sắc. Bởi lẽ, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của khu vực là những mặt hàng thiết yếu như dầu cọ và các sản phẩm hóa dầu.
Chuyên gia kinh tế ASEAN của Bloomberg Economics Tamara Henderson nhận định, ASEAN ghi nhận tăng trưởng tích cực trong hoạt động xuất khẩu do nhu cầu tiêu dùng vẫn neo ở ngưỡng cao sau thời gian bị dồn nén vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, “xu hướng này sẽ dần biến mất khi nhu cầu hạ nhiệt và nền kinh tế Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều thách thức hơn”, ông cho biết.
Mặt khác, các chính sách tiền tệ trên thế giới đang ưu tiên chống lạm phát hơn là ổn định tăng trưởng, khiến cho nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Bởi vậy, việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc sẽ là tín hiệu đáng ngại.
Xuất khẩu từ các quốc gia Bắc Á sang Trung Quốc giảm, trong khi nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục duy trì hoạt động thương mại ổn định với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Bloomberg
Số liệu mới nhất về xuất khẩu từ các nền kinh tế Bắc và Đông Nam Á sang Trung Quốc sẽ làm rõ hơn thực trạng này.
Đông Nam Á
- Việt Nam: Sau sáu tháng giảm liên tiếp, theo số liệu của Bloomberg, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này bao gồm sợi bông, điện thoại và phụ kiện, máy tính và thiết bị điện.
- Indonesia: Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 7 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, với các mặt hàng chủ lực là dầu cọ và than bánh. Các mặt hàng không liên quan tới dầu tăng 40,9% trong cùng kỳ năm trước và chỉ giảm 1,27% so với tháng trước đó. Dù số liệu tăng trưởng không ổn định, nhưng đây là lúc nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á có thể tạm thời an tâm.
- Thái Lan: Dù có sự giảm tốc, nhưng giá trị các mặt hàng xuất khẩu từ Thái Lan sang Trung Quốc vẫn giữ được chiều hướng đi lên. Cụ thể, xuất khẩu trái cây và cao su tổng hợp đã tăng 25% trong năm ngoái đạt 37,3 tỷ USD, còn nửa đầu năm nay chỉ tăng 0,8% đạt 18,5 tỷ USD. Dữ liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy, sau khi tăng 3,8% trong tháng 5, xuất khẩu sụt giảm nhẹ 2,7% trong tháng 6. Xuất khẩu trái cây và cao su vẫn tăng trong khi ô tô, phụ tùng và hóa chất giảm.
- Singapore: Tổng xuất khẩu của Singapore sang Trung Quốc đã tăng 3,8% trong tháng 7, với các sản phẩm chủ lực là máy móc và polyme ethylene dùng trong bao bì nhựa.
- Malaysia: Các chuyến hàng xuất khẩu từ Malaysia sang Trung Quốc vẫn khá ấn tượng, với sản phẩm chủ lực là dầu mỏ tinh chế. Tốc độ tăng trưởng được giữ ở mức 2 con số suốt từ tháng 12 năm ngoái, tới tháng 5 năm nay. Sau khi giảm xuống chỉ còn 4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6, các lô hàng xuất khẩu từ Malaysia sang Trung Quốc trong tháng 7 đã trở lại mức tăng 10% tính theo đồng ringgit và 32,6% tính theo giá trị đồng USD.
- Philippines: Trái ngược so với các nước còn lại ở khu vực Đông Nam Á, xuất khẩu từ Manila sang Bắc Kinh với các mặt hàng chủ lực như mạch tích hợp, linh kiện máy văn phòng và quặng niken liên tục suy giảm. Sau mức giảm hai con số trong tháng 5, tổng giá trị xuất khẩu từ Philippines sang Trung Quốc đã giảm 18,8% trong tháng 6 và 12,8% trong tháng 7. Theo phân tích của tập đoàn tài chính Nomura, đà suy giảm này có thể tiếp tục kéo dài vì hàng điện tử chiếm tới 56% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Philippines trong khi thị trường công nghệ toàn cầu tương đối ảm đạm thời gian gần đây.
Bắc Á
- Nhật Bản: Xuất khẩu Nhật Bản sang Trung Quốc, bao gồm thiết bị điện tử và chip bán dẫn, đang chịu nhiều áp lực. Mặc dù, giá trị xuất khẩu trong tháng 7 tăng 12,8% tính theo đồng yên, nhưng lại giảm 9,2% nếu tính theo đồng USD. Nguyên nhân là bởi đồng yên đang rớt giá. Hồi tháng trước, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc “đã giảm mạnh do ảnh hưởng kéo dài khi Thượng Hải và các thành phố lớn đều bị phong toả”.
- Hàn Quốc: Xuất khẩu của Hàn Quốc sang quốc gia tỷ dân với các sản phẩm chip, màn hình và dầu tinh luyện gần như đình trệ trong tháng 8 do các lô hàng đến Trung Quốc giảm 11,2%. Tính theo đồng USD, giá trị xuất khẩu tháng 7 từ Seoul sang Bắc Kinh đã giảm 0,9%. Điều này phản ánh sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu.
Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho rằng, dữ liệu xuất khẩu của Hàn Quốc rất đáng ngại, “đặc biệt là việc giảm mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.” “Rõ ràng, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu là rất thấp”, ông chia sẻ.
Theo Hồng Ngọc
Người đồng hành