Chuyên mục  


Rio de Janeiro, thành phố của Brazil có dân số gấp 1,5 lần và mật độ dân số gấp hơn 2 lần thủ đô Hà Nội của Việt Nam, từng triển khai tuyến cáp treo nội đô, tuy nhiên đã phải ngậm ngùi đóng cửa dự án này vì hiện thực phũ phàng.

 Bắt đầu ra mắt công chúng và vận hành vào mùa hè năm 2011, tuyến cáp treo "Teleférico do Alemão" của Rio de Janeiro mang trong mình nhiều kỳ vọng sẽ cải thiện bộ mặt của thành phố vốn khét tiếng vì những khu ổ chuột bạo lực, những trận chiến giữa các băng đảng ma túy và cảnh sát.

Thế nhưng đến giữa năm 2016, chỉ một tháng sau khi Thế vận hội kết thúc, tuyến cáp treo đã ngừng hoạt động vô thời hạn, và những tiếng súng trong thành phố ngày càng to hơn. Các quan chức địa phương đã viện dẫn "thiệt hại bất ngờ" cần đến một cuộc đại trùng tu, nhưng họ không bao giờ thực hiện điều đó.

Vào thời điểm năm 2016-2017, Rio Janeiro gần như phá sản, số tội phạm gia tăng và công chức thành phố không được trả lương đúng hạn - khiến cơ hội khởi động lại tuyến cáp treo gần như bằng không.

Khung cảnh khu ổ chuột nhìn từ ga cáp treo trên đỉnh đồi được miêu tả đầy lãng mạn: giống như một bức tranh ghép tươi sáng của những hình vuông nhỏ - những con hẻm lộn xộn và những ngôi nhà gạch xây thô sơ. Tuy nhiên, hiện thực lại không hề như mơ: một trung úy cảnh sát cho biết việc leo lên nhà ga ngắm cảnh có thể khiến bạn xơi "kẹo đồng" của những tên cướp.

Tuyến cáp treo Teleférico do Alemão của Rio de Janeiro

"Con voi trắng"

Khi tuyến cáp treo nội đô "Teleférico do Alemão" của Rio de Janeiro bắt đầu vận hành, đã có nhiều ý kiến chỉ trích mức giá 210 triệu reais (tương đương 64 triệu USD ngày nay).

Người dân địa phương cho rằng chính quyền đầu tư vào dự án này nhằm gây ấn tượng với du khách quốc tế trong khi bỏ qua nhu cầu thực sự của người dân. Họ nói rằng chính quyền nên đầu tư số tiền này cho các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống thoát nước, trường học, cải thiện an ninh và các dịch vụ cơ bản khác cho những người nghèo ở các khu ổ chuột.

Thaina de Medeiros, một thành viên của tổ chức truyền thông hoạt động địa phương có tên là Colectivo Papo Reto, chỉ trích dự án cáp treo nội đô là "con voi trắng" sừng sững (ám chỉ những thứ hào nhoáng, tốn kém nhưng không đem lại nhiều lợi ích). Người này nói rằng chính quyền địa phương đã buộc phải cắt giảm ngân sách cho nhiều chương trình giáo dục trước khi ngừng vận hành tuyến cáp treo.

Được biết, mạng lưới cáp treo cũng được tích hợp với một hệ thống cảnh sát địa phương có tên là UPP, một ý tưởng mang tính cách mạng như tuyến cáp treo: Thay vì để cảnh sát chiến đấu với các băng đảng ma túy trong các cuộc đột kích lẻ với quy mô lớn, các sĩ quan sẽ hòa nhập vào trong cộng đồng, giành được lòng tin của người dân địa phương và truy bắt những kẻ buôn người.

Tuy nhiên, sau khi lực lượng này được bố trí bên trong các cabin của cáp treo, họ lại trở thành đối tượng dễ bị tội phạm nhắm đến. Các sĩ quan cảnh sát luôn phải mang theo súng lục hoặc súng trường tự động, không dám đi một mình dù chỉ trên một quãng đường ngắn. Họ cũng có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc đọ súng.

Cuối cùng, cảnh sát đã phải cắt giảm nhiều cuộc tuần tra vì hàng loạt cuộc đọ súng và đạn lạc gây nguy hiểm trong các khu phố chật chội ở Rio de Janeiro.

Ga cáp treo bị bỏ hoang

"Có còn hơn không"

Nhưng tuyến cáp treo đã trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực du lịch ở Rio de Janeiro.

Thực tế, người dân của thành phố này cũng đã tận dụng được những lợi ích của cáp treo: họ có thể di chuyển dễ dàng mà không cần chen chúc qua những con phố hẹp, dốc và nguy hiểm của Alemao. Tuyến cáp treo đã đón khoảng 9.000 lượt hành khách mỗi ngày trong năm cuối cùng trước khi ngừng hoạt động.

Một người dân địa phương có tên Bruna Teodoro, từng bán hàng ở chợ, cho biết: "Tuyến cáp treo thực sự đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều thay đổi".

Teodoro nói rằng nhờ có cáp treo, cô chỉ mất 5 phút để đến chợ thay vì ít nhất 30 phút: "Chúng tôi thực sự nhớ những ngày đi cáp treo".

Francois Camargo, một nhà quay phim chuyên nghiệp, bày tỏ ý kiến không đồng ý với những người phản đối cáp treo. Ông cho rằng ngay cả khi dự án này chỉ để trình diễn, thì nó vẫn là thứ "có còn hơn không".

Ông Camargo cũng cho rằng cáp treo đem lại những lợi ích cho khu vực lân cận vì nó tạo ra một thị trường cho các doanh nghiệp địa phương như các cửa hàng bán đồ uống và quầy hàng lưu niệm, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch.

Đối với người dân bản địa, tuyến cáp treo nội đô - theo tiếng Brazil là "teleferico" - không chỉ là phương tiện giao thông. Mỗi tòa nhà gần các ga cáp treo đều trở thành một trung tâm cộng đồng náo nhiệt, có các dịch vụ y tế, bưu điện và xã hội, và thậm chí là thư viện.

Khi tuyến cáp treo ngừng hoạt động, thư viện nhỏ và một phòng khám ở gần ga cuối đã đóng cửa. Khách du lịch cũng không còn động lực để đến thành phố này như trước.

Khi Rio de Janeiro vật lộn vì suy thoái kinh tế, cơ hội vận hành tuyến cáp treo trở lại gần như bằng không. Mặc dù vậy, nhiều người từng chỉ trích gay gắt dự án này cũng đã thừa nhận rằng họ rất buồn và tiếc nuối khi tuyến cáp treo bị "đóng băng" vô thời hạn.

"Tôi muốn thấy nó được vận hành trở lại. Tôi có những người bạn đã kiếm sống nhờ vào nó", Medeiros nói./.

Theo Hồng Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020