Giới đầu tư Mỹ đang đổ xô mua USD sau khi lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm. Một chỉ số chính theo dõi đồng USD đã tăng 0,8% vào thứ Sáu, chuẩn bị ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 5 tuần.
Ngày 10/6, Bộ Lao động Mỹ chính thức công bố số liệu lạm phát của tháng 5. CPI tháng 5 đã tăng 8,6% so với 1 năm trước và tăng 1% so với tháng 4, vượt ước tính của các chuyên gia. Yếu tố đẩy CPI tăng mạnh là giá nhà, thực phẩm và xăng. Trong khi đó, CPI lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với tháng trước và 6% so với 1 năm trước, cũng cao hơn dự báo.
Số liệu mới công bố đang làm lu mờ kỳ vọng về việc lạm phát đã đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt. Giá xăng tại Mỹ tăng cao kỷ lục, cộng với chi phí ăn uống và chỗ ở không ngừng lên cao. Điều này cho thấy Fed sẽ sớm phải đưa ra biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn. Song, động thái nâng lãi suất mạnh mẽ của NHTW có thể làm tăng nguy cơ suy thoái - điều mà một số nhà kinh tế đã nhận định là có thể xảy ra vào năm tới.
Sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên khiến các đồng tiền tệ của gần như toàn bộ các thành viên G-10 và các nền kinh tế mới nổi lao dốc. Chỉ số theo dõi đồng tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển của MSCI (MSCI Emerging Markets FX) chuẩn bị ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 5, dẫn đầu mức giảm là đồng real của Brazil và rand của Nam Phi.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot và MSCI Emerging Markets FX.
Bipan Rai - trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada (CIBC), cho biết: "Thị trường dự đoán rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Điều này là yếu tố hỗ trợ đồng USD và không là điều thuận lợi cho các tài sản rủi ro."
Đồng bảng Anh dần đầu mức sụt giảm trong nhóm G-10, rớt 1,4% xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, khi nhà đầu tư dự đoán rằng tốc độ nâng lãi suất của cơ quan quản lý tiền tệ trong nước sẽ không bắt kịp những ngân hàng khác trên thế giới. Còn đồng rand của Nam Phi - được coi là thành viên hỗ trợ tâm lý rủi ro đối với đồng tiền tệ của các nước đang phát triển, đã mất hơn 2,3% trong ngày 10/6 và mức giảm lớn nhất trong hơn 1 tháng qua.
Việc nhà đầu tư đổ xô đến với đồng USD khi hợp đồng hoán đổi liên quan đến ngày họp chính sách của Fed đã được định giá lại tới ngưỡng mà NHTW được dự đoán tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9 (vốn dĩ được trông đợi tăng 0.5% trong tháng 6 và 7), tương đương mức độ rủi ro về việc lãi suất sẽ tăng 0.75% trong vòng vài tháng tới.
Điều này trái ngược với lập trường ôn hoà hơn của NHTW Nhật Bản. Đồng yên Nhật đã tăng cao hơn so với USD vào thứ Sáu, nhưng vẫn giao dịch gần mức thấp nhất trong 20 năm. Đồng franc Thuỵ Sĩ cũng không thu hút được nhà đầu tư, khi giảm tới 1% và ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp so với đồng bạc xanh.
Brent Donnelly - chủ tịch Spectra FX Solutions, nhận định: "Lãi suất tại Mỹ cao hơn nhiều so với những quốc gia khác và giá cổ phiếu thấp hơn, thì USD là một hầm trú ẩn an toàn. Hiện tại, hầm trú ẩn an toàn duy nhất là USD."
Tham khảo Bloomberg
https://cafef.vn/dong-bac-xanh-tro-thanh-ham-tru-an-an-toan-duy-nhat-cua-nha-dau-tu-my-khi-lam-phat-cao-nhat-40-nam-2022061111083471.chnChi Lan
Theo Nhịp sống kinh tế