CEG:
CTCP Tập đoàn Xây dựng và Thiết bị Công nghiệp (UPCoM: CEG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT ngày 13/12/2024, cho biết sẽ hủy lưu ký cổ phiếu CEG tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và hủy đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM do không còn đáp ứng tiêu chí là công ty đại chúng sau 1 năm kể từ ngày 10/1/2024.
Động thái hủy tư cách công ty đại chúng diễn ra trong quá trình CEG đang thực hiện sáp nhập giữa với công ty con CTCP Xây dựng và Thiết bị Công nghiệp CIE1 (CEG đang nắm 54% tính đến cuối năm 2023).
Vấn đề sáp nhập được lãnh đạo và cổ đông CEG bàn luận nhiều năm qua, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty ngày càng sa sút. Đây cũng là nguyên cơ khiến “thượng tầng” CEG bất đồng quan điểm.
Bất đồng quan điểm của các thành viên HĐQT
Ghi nhận tại Biên bản họp ĐHĐCĐ bất thường đầu năm nay, ông Trương Hữu Chí – Thành viên HĐQT nói rằng “tình hình công ty rất nguy hiểm” và “hiện đang có âm mưu rất lớn”. Theo ông này, CEG có 4 Thành viên HĐQT đang nắm giữ từ 6-9% cổ phần là “điều bất thường” và “là vấn đề lớn”, “có âm mưu ảnh hưởng đến quyền lợi Công ty và các cổ đông”.
Ông Chí cho biết mình là cổ đông sáng lập và là cổ đông lớn của CEG khi nắm 7,19% vốn (báo cáo quản trị đến ngày 30/1/2024 ghi nhận).
Ảnh: BCQT năm 2023 được công bố ngày 30/1/2024 của CEG.
Ông Chí là người phản đối quyết liệt việc công ty không còn là công ty đại chúng, bởi “sẽ không có đơn vị Nhà nước nào quản lý, bảo vệ quyền lợi cổ đông. Cùng với việc quản lý yếu kém của HĐQT, không thể nâng cao năng lực của Công ty được”.
Ở diễn biến khác, Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Tuấn (sở hữu 5,94% vốn CEG) đồng ý với nghị quyết huỷ tư cách công ty đại chúng, tiến đến sáp nhập với công ty con. Trước phản đối của ông Chí, Chủ tịch HĐQT cho rằng đây chỉ là ý kiến của một cổ đông, đồng thời yêu cầu cần phải thực hiện theo nghị quyết được thông qua tại các lần đại hội trước.
Kết quả kỳ họp bất thường vừa qua, tờ trình hủy tư cách công ty đại chúng cũng như hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM đã được thông qua. Tỷ lệ không tán thành và không có ý kiến chiếm hơn 23% tổng số phiếu tham gia biểu quyết.
Từ tham vọng “phủ kín Việt Nam” đến thua lỗ
CEG tiền thân là CTCP Tập đoàn Xây dựng và thiết bị công nghệ, là Xí nghiệp sản xuất thiết bị xây dựng thuộc Công ty Kinh doanh vật tư và Xây dựng được thành lập vào ngày 28/7/1997. Lúc bấy giờ, năng lực cạnh tranh theo CEG tự giới thiệu là sản phẩm tương đương với các sản phẩm cùng loại nhập từ châu Âu trong khi giá thành chỉ bằng 40-60%.
CEG trở thành công ty đại chúng từ năm 2007 sau khi được Bộ Xây dựng cổ phần hóa, tách một bộ phận trước đó thuộc doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 2017, CEG bắt đầu lưu ký 3,8 triệu cổ phiếu trên VSD.
CEG chuyên lĩnh vực trạm trộn bê tông tự động, từng tham gia loạt dự án quan trọng trên cả nước nhờ cung cấp cho các nhà thầu lớn như Tổng Công ty Xây dựng, các liên danh nhà thầu nước ngoài với Obayashi hay Sumitomo Mitsui…
Ở thời đỉnh cao, CEG từng kỳ vọng sẽ “phủ kín lãnh thổ Việt Nam” nhưng nhiều năm qua, thị phần Công ty đang dần bị thu hẹp.
Về báo cáo kinh doanh, sau khi đạt doanh thu đỉnh 289 tỷ đồng năm 2016, CEG sau đó liên tục giảm. Kết thúc năm 2023, doanh thu Công ty đạt khoảng 96 tỷ đồng, thậm chí CEG đã lỗ nặng do trích lập dự phòng lớn.
Giải trình lý do làm ăn ngày càng sa sút, báo cáo năm 2018 của HĐQT cho biết do “quản lý thụ động, cồng kềnh khiến giá thành tăng cao dẫn đến giảm tính cạnh tranh. Trong thời gian dài chưa được quan tâm phát triển đầu tư sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường”.
Biên bản các cuộc họp cổ đông ghi nhân, Thành viên HĐQT Trương Hữu Chí cho rằng nguyên nhân do “con người”, do quản lý kém thì phía Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Tuấn cho rằng nguyên nhân là do bộ máy chồng chéo.
Theo Chủ tịch, các đơn vị trong cùng hệ thống kinh doanh sản phẩm có tính chất tương tự, đồng thời tồn tại hình thức giao việc cho các công ty trong cùng Tập đoàn, dẫn đến không chủ động tìm kiếm công việc, lạm dụng vốn của nhau, không phân rõ trách nhiệm thu hồi vốn khiến nợ đọng ngày càng lớn dù đã dùng nhiều cách để giải quyết nhưng không triệt để.