Chuyên mục  


Sáng ngày 19/10/2024, CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024 (từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024). Tại đây, Công ty đề mục tiêu cho năm 2025 với doanh thu hợp nhất 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 430 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị hợp đồng ký mới là hơn 28,6 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ repeat sale tăng lên (chiến lược “repeat-sales” – là những dự án thắng thầu/được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ). Lượng backlog chuyển sang năm 2025 là 20.000 tỷ đồng.

Quý 1/2025 doanh thu đạt 4.708 tỷ đồng

Ông Trần Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Khối kinh doanh thương mại cho biết cơ cấu doanh thu Công ty hiện nay có mảng công nghiệp chiếm khoảng 40%, mảng dân dụng và hạ tầng khác chiếm 55%.

“Lượng backlog năm 2025 rất ấn tượng, đảm bảo được khối lượng công việc trong thời gian tới. Đáng chú ý, tỷ lệ trúng thầu trong năm qua là 58% . Con số này đã tăng trưởng tích cực so với con số trúng thầu trước đây”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo tính toán của vị này, Coteccons đang có 2.500 kỹ sư, cấp quản lý hơn 500 người. Tương ứng, doanh thu chia theo mỗi kỹ sư hơn 13,2 tỷ đồng/người/năm - con số cao nhất của Coteccons đến thời điểm hiện tại.

Ước tính kết quả kinh doanh quý 1 năm tài chính 2025, ông Hải cho biết doanh thu dự kiến đạt 4.708 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hiện Công ty tham gia đấu thầu là hơn 16,8 nghìn tỷ đồng, với hơn 50% đến từ các khách hàng “repeat-sales” mà Công ty đang theo đuổi.

screen-shot-2024-10-19-at-153148-1729328101027-1729328101616851689262.png

Ảnh: Lợi nhuận ròng Coteccons.

Mục tiêu tăng trưởng kép 20-30% trong 4-5 năm tới, đẩy mạnh đầu tư công và “xuất ngoại”

Công ty cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kép 20-30% trong 4-5 năm tới. Trong đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án hạ tầng, cao tốc, sân bay, dự án nhà ở xã hội… với tổng mức đầu tư rất lớn hơn 900.000 tỷ đồng. Do đó, Coteccons đang tập trung theo đuổi các dự án tại mảng hạ tầng, với dự báo đây là mảng đóng góp doanh thu lớn trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, Công ty cũng đang tham gia một số dự án tại thị trường nước ngoài theo 2 hình thức, bao gồm:

Thứ nhất, đồng hành cùng các khách hàng đã làm việc tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Thứ hai, tìm kiếm thị trường tiềm năng, liên doanh với các công ty địa phương, hoặc các doanh nghiệp có tầm vóc quốc tế, có sẵn thị phần tại thị trường mục tiêu.

“Một doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn và Coteccons không ngoại lệ, việc mở rộng tại nước ngoài có thể mất tới 3 năm và lâu hơn nữa. Chúng tôi đang định hướng xây nền móng cơ bản để bước vào các thị trường đó một cách chắc chắn, an toàn, không nóng vội trong thời điểm này. Những nỗ lực này sẽ giúp doanh thu năm 2025 của Công ty bền vững hơn và không bị phụ thuộc vào những biến động của thị trường trong nước", ông Hải cho biết.

Chia cổ tức trở lại, trấn an cổ đông không lo lắng về nợ xấu

screen-shot-2024-10-19-at-142544-1729328101027-17293281016161391440096.png

Ảnh: Cổ đông chất vấn về vấn đề nợ xấu và rủi ro trích lập dự phòng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

Năm 2024, theo BCTC đã kiểm toán, Coteccons đạt doanh thu thuần 21.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, lần lượt đạt 103% và 105% kế hoạch đặt ra sau điều chỉnh.

Với kết quả này, Công ty lần đầu tiên trở lại chia cổ tức sau nhiều năm, với tỷ lệ 10%. bằng tiền mặt. Tổng giá trị chia cổ tức dự đạt 99,93 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ, lãnh đạo doanh nghiệp cũng trình phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, tỷ lệ thực hiện quyền 20:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền nhận cổ phiếu mới phát hành thêm và cứ 20 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 4,9 triệu cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá đạt 49,9 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành đạt 1.086,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Coteccons sẽ sử dụng cổ phiếu quỹ để bán cho người lao động (Chương trình ESOP) với số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến bán là 1,5 triệu cổ phiếu (chiếm 1,43% tổng số cổ phiếu đang lưu hành), giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị bán 15 tỷ đồng.

Đối với những lo lắng về nợ xấu, con số trích lập dự phòng trong 2-3 năm vừa qua, ông Hải cho biết, Công ty đã hoàn thành trích lập dự phòng, luôn minh bạch và cập nhật kịp thời tới cổ đông về các diễn biến có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty. Hiện tại, với sự phục hồi của thị trường, Coteccons sẽ tiếp tục công tác thu hồi công nợ.

“Chúng tôi thiết lập một số cơ chế về quản lý công nợ: quản lý rủi ro, thu hồi công nợ, có hành động rõ ràng với chủ đầu tư… Chúng tôi tự tin mục tiêu năm 2025 sẽ không tăng giá trị trích lập dự phòng và không tăng nợ xấu. Dự kiến có thể thu hồi được 100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã trích lập trước đó”, ông Hải chia sẻ.

Tổng Giám đốc từ nhiệm trước thềm Đại hội, lý do là gì?

screen-shot-2024-10-19-at-153211-1729328101027-1729328101615380837180.png

Ảnh: Ông Võ Hoàng Lâm chia sẻ về việc vừa miễn nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Đáng chú ý, trước thềm Đại hội, Coteccons công bố miễn nhiệm ông Võ Hoàng Lâm khỏi chức vụ Tổng giám đốc. Ông Lâm sẽ trở thành Phó tổng giám đốc Coteccons, kiêm Tổng giám đốc Coteccons Business Unit 01.

Chia sẻ về lý do bị miễn nhiệm, ông Lâm cho biết: “Niên độ 2023 - 2024, Coteccons đã vượt kế hoạch doanh thu. Như đã công bố, việc thay đổi nhân sự liên quan tới chiến lược phát triển của Coteccons từ 2025 - 2029 để đảm bảo dẫn đầu trong mảng kinh doanh cốt lõi và bước ra thị trường quốc tế đồng thời hướng tới mục tiêu dẫn đầu ngành thì đòi hỏi một tổ chức được cơ cấu, phát triển theo đúng định hướng đó”.

Trong vai trò mới, ông Lâm sẽ tập trung vào việc phát triển mảng hạ tầng, đầu tư công, FDI và các dự án khác tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Thảo luận tại Đại hội

1. Biên lợi nhuận gộp niên độ 2024 - 2025 ước tính khoảng bao nhiêu để có thể đạt kế hoạch 430 tỷ lợi nhuận sau thuế?

Ông Trần Ngọc Hải: Ước tính lợi nhuận gộp niên độ 2023 - 2024 khoảng 1.100 tỷ, biên lợi nhuận khoảng 4,4%.

2. Nợ vay dài hạn giảm mạnh từ cuối niên độ 2023 - 2024, Coteccons có kế hoạch phát hành trái phiếu hoặc tăng vay nợ ngân hàng hay không?

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT: Từ trước tới nay, Coteccons luôn có cách tiếp cận khá an toàn liên quan tới các kế hoạch tài chính. Hiện nay điểm số tín dụng của Coteccons tốt vì các khoản đều trả đúng hạn.

Gần đây, Công ty đã nâng được mức xếp hạng tín dụng, nguồn vốn chủ sở hữu ổn định cộng với tình hình doanh thu, lợi nhuận như hiện nay nên trong ngắn hạn, Coteccons chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu vì nguồn vốn vẫn đủ đáp ứng. Trong tương lai nếu có kế hoạch phát hành trái phiếu thì là nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực mới.

3. Kế hoạch trúng thầu trong năm tài chính 2025?

Ông Trần Ngọc Hải: Với mục tiêu tăng trưởng 20-30%/năm thì năm 2025 kế hoạch trúng thầu phải lên tới hơn 28.000 tỷ đồng - đây là khối lượng sẽ chuyển qua năm 2026 để đảm bảo tăng trưởng. Tính tới quý 1 niên độ 2024 - 2025, kế hoạch trúng thầu đã đạt 30% kế hoạch năm và Coteccons hy vọng có thể hoàn thành kế hoạch năm.

4. Coteccons có kế hoạch như thế nào để tăng nguồn thu từ dự án FDI?

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT: Coteccons từng được biết đến là một công ty xây dựng chuyên về dự án dân dụng, thương mại là chính. Khoảng 3 năm trước, Coteccons bắt đầu nhìn nhận ra phân khúc công nghiệp và đặt ra trọng tâm vào việc phát triển phân khúc này.

Để thu hút được các ông lớn FDI tới Việt Nam thì đó là sự tổng lực và phối hợp của nhà nước, sự thu hút từ các khu công nghiệp trong nước. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có nhiều chính sách để nâng tầm môi trường đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đến tới chúng ta khi mà chúng ta đủ hấp dẫn về tiềm năng thị trường, lực lượng lao động tay nghề cao sẵn có cũng như các tiện ích ở khu công nghiệp... Coteccons sẽ là một thành tố trong đó nhưng không thể làm một mình được.

5. Vì sao Coteccons bổ sung tờ trình chia cổ tức tiền mặt kể từ năm 2020?

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT: Đây là thời điểm chín muồi để cùng nhau hướng tới tầm nhìn chung của Coteccons nên chúng tôi nghĩ đây là thời điểm phù hợp để chia cổ tức.

6. Liệu có dự án mới nào phát sinh nợ xấu trong năm nay không và áp lực nợ xấu có tiếp tục cao trong các năm tới không? Trong niên độ 2023 - 2024, Công ty ban đầu dự kiến phân bổ 180 tỷ cho các khoản dự phòng nhưng tới cuối năm con số này đã tăng lên 305 tỷ. Chi tiết về các khoản hoàn nhập dự phòng năm nay?

Ông Trần Ngọc Hải: Trong 2024, Coteccons có trích lập dự phòng thêm nhưng là nợ xấu phát sinh từ các dự án trước đó.

Coteccons thường xuyên làm việc với chủ đầu tư, đã có kế hoạch thanh toán. Chúng ta nhìn nhận thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tốt lên tức các dự án sẽ trở thành dự án tốt khi đã có cơ sở pháp lý và chỉ cần đúng thời điểm để thực hiện lại dự án.

Với 2025, Coteccons không trích lập dự phòng thêm và mục tiêu phải thu được 100 tỷ đồng.

Ông Võ Hoàng Lâm - Phó Tổng Giám đốc bổ sung: Giai đoạn 2021 - 2023, Coteccons rất thận trọng về tài chính nên đẩy mạnh trích lập dự phòng. Hiện giờ, trong danh mục khách hàng chủ yếu là khách hàng công nghiệp, khách hàng FDI và đa phần là khách repeat sale nên khả năng phát sinh nợ xấu giảm đi nhiều. Chắc chắn từ 2025, chúng tôi sẽ tiến hành hoàn nhập thay vì trích lập dự phòng như các năm trước.

screen-shot-2024-10-19-at-142514-1729328101027-17293281016231831137571.png

Ảnh: Chủ tịch Coteccons nói "Đây là lúc nhanh tay để mua vào cổ phiếu”.

7. Cổ phiếu CTD hiện giao dịch P/B dưới 1.0 một thời gian dài, Công ty có kế hoạch gì để củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư vào tình hình của doanh nghiệp không?

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT: Tôi chỉ có một câu trả lời: Đây là lúc nhanh tay để mua vào cổ phiếu”.

Chúng ta nhìn vào thị trường không chỉ ngành bất động sản, xây dựng mà các đơn vị vật liệu xây dựng đều ảm đạm với nhiều thách thức, khó khăn.

Trong 3 năm vừa qua, Coteccons tăng trưởng đều đặn 30% mỗi năm. Năm nay mục tiêu tiếp tục tăng trưởng 30% cho năm 2025 và nếu có không có quá nhiều biến số thì chúng tôi có thể đạt được mục tiêu.

Kết quả kinh doanh hay chất lượng, năng lực của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào ban điều hành và HĐQT. Còn giá cổ phiếu nằm trong tay các cổ đông, phụ thuộc vào niềm tin cổ đông dành cho Coteccons.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020