Hơn 12 năm trước, khi bắt đầu với Tiki, Trần Ngọc Thái Sơn từng nghĩ rằng “mình cứ khởi nghiệp thôi, nếu không thành công sẽ đi làm lại, cũng không sao cả”. Thế nhưng, khi số lượng nhân sự của công ty tăng lên hàng trăm rồi hàng nghìn người, anh hiểu rằng trách nhiệm của mình cũng ngày càng lớn hơn.
Tiki – viết tắt của 2 từ “Tìm kiếm” và “Tiết kiệm” - ban đầu chỉ là một trang web bán sách tiếng Anh. Đến nay, công ty này là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, được định giá gần 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn năm ngoái và đang trên đường chinh phục giấc mơ IPO tại Mỹ.
Khởi nghiệp với 5.000 USD từ nhà để xe
Trần Ngọc Thái Sơn sinh năm 1981 tại TP HCM. Anh có bằng thạc sỹ của Đại học New South Wales (Australia) và từng làm việc tại một số công ty như Impaq Interactive, Vega và Vinabook. Năm 2010, Sơn thành lập Tiki – xuất phát điểm là một nền tảng bán sách tiếng Anh online với nhà kho được đặt tại nhà để xe của gia đình và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của anh.
Thời điểm đó, sau khi lập gia đình, số tiền Sơn có vào khoảng 5.000 USD. Anh đem tất cả đi mua sách với hy vọng có thể bán được và quay vòng vốn. Ban đầu Tiki chỉ có khoảng 100 đầu sách. Khi có đơn hàng, Sơn tự đóng gói, bỏ lên xe rồi đi giao cho khách.
Nhà sáng lập Tiki từng ước gì mình được hậu thuẫn nhiều hơn. Sơn đùa rằng anh có “cha làm nhà báo, mẹ làm nhà giáo mà nhà báo cộng với nhà giáo là nhà nghèo” vì vậy không nhận được nhiều sự hỗ trợ về tài chính khi khởi nghiệp.
“Tuy nhiên, sự hậu thuẫn lớn nhất chính là gia đình đã cho phép mình được làm điều mình muốn”, anh chia sẻ trong chương trình "The Changers" của VnExpress.
CEO Trần Ngọc Thái Sơn những năm đầu khởi nghiệp. Ảnh: Tiki
"Lúc đó mình cũng hơi liều, nghĩ sức mình có thể làm được và làm tốt hơn”, CEO Tiki nhớ lại.Theo Trần Ngọc Thái Sơn, có ba lý do khiến anh thành lập Tiki. Thứ nhất là Sơn rất thích đọc sách, đặc biệt là sách tiếng Anh nhưng thời điểm đó để mua những cuốn sách bằng tiếng Anh mà anh yêu thích tại Việt Nam rất khó. Lý do thứ hai là Sơn đánh giá thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Lý do thứ ba là anh nhận thấy thị trường thương mại điện tử trong nước còn nhiều hạn chế như hàng không nhiều, việc giao hàng thường diễn ra chậm trễ, hàng hóa kém chất lượng.
Trần Ngọc Thái Sơn luôn mong muốn tạo ra một nền tảng thương mại điện tử không chỉ bán sách tiếng Anh mà có thể bán mọi thứ. Vì vậy Tiki dần mở rộng ra cả sách tiếng Việt và sau đó là đồ điện tử, mỹ phẩm và nhiều ngành hàng khác.
Quá trình mở rộng chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như cạnh tranh với những đối thủ đòi hỏi Tiki phải có rất nhiều vốn đầu tư. Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ rằng “hai năm đầu tôi xoay xở bằng cách lấy ngắn nuôi dài, mượn tiền bạn bè, mọi người”. Sau đó công ty đã nhận được vòng gọi vốn thiên thần vào năm 2012.
Năm 2017, Tiki gây chú ý khi khi ra mắt dịch vụ dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW 2h. Đây được coi là bước đột phá tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam và sau này nhiều đối thủ cũng tung ra những dịch vụ tương tự.
Một số nguồn tin tiết lộ Tiki từng đàm phán về chuyện sáp nhập với một sàn thương mại điện tử lớn khác của Việt Nam là Sendo. Động thái này được cho là để tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội với các đối thủ ngoại như Shopee và Lazada. Tuy nhiên, cuối cùng thương vụ này không thành công.
Kỳ lân tiềm năng và giấc mơ IPO tại Mỹ
Tháng 11 năm ngoái, công ty của Trần Ngọc Thái Sơn thông báo huy động được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E do AIA dẫn đầu. Các nhà đầu tư tham gia vòng này còn có UBS AG London Branch, Taiwan Mobile, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund và cổ đông hiện hữu STIC GIGF.
Trước đó, Tiki cũng từng được rót vốn bởi nhiều nhà đầu tư khác như CyberAgent Ventures, VNG, JD.com, Sparklabs Ventures... Đầu tháng 5 vừa qua, Tập đoàn tài chính Shinhan (Hàn Quốc) cũng cho biết đã đạt được thỏa thuận mua 10% cổ phần của Tiki. Sau khi thương vụ hoàn tất, Shinhan sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 3 của sàn thương mại điện tử này.
Chia sẻ với Bloomberg, CEO Trần Ngọc Thái Sơn cho biết vòng gọi vốn Series E năm ngoái đã nâng định giá của công ty lên mức gần 1 tỷ USD. Như vậy, nhiều khả năng Tiki sẽ trở thành kỳ lân thứ 5 của Việt Nam – sau VNG, VNLife, Sky Mavis và MoMo.
Hình ảnh CEO Trần Ngọc Thái Sơn xuất hiện trong một bài báo của CNN năm 2020. Ảnh: CNN
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, người đứng đầu Tiki nói rằng công ty dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào năm 2025, tuy nhiên thương vụ này có thể diễn ra sớm hơn. Một trong những phương án IPO mà Tiki có thể lựa chọn là thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) tuy nhiên vẫn chưa có quyết định chính thức nào được công bố.
Theo một số nguồn tin, đợt IPO của Tiki có thể thực hiện sớm nhất vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Công ty đã thành lập Tiki Global có trụ sở tại Singapore vào giữa năm ngoái để thuận lợi hơn cho quá trình IPO. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đang có nhiều biến động và bài học từ việc vốn hóa giảm “chóng mặt” sau khi niêm yết tại Mỹ của kỳ lân Đông Nam Á Grab, CEO Trần Ngọc Thái Sơn và những người đứng đầu Tiki sẽ cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn thời điểm lên sàn.
Theo báo cáo “Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022” được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021 và được dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ là cơ hội cho Tiki phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Dù vậy, công ty này cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, đặc biệt 2 sàn thương mại điện tử nước ngoài với sự hậu thuẫn lớn về tài chính là Shopee - công ty con của Sea Group và Lazada của Alibaba. Theo bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Group, Shopee là sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam tính theo lượt truy cập, bỏ xa tất cả các nền tảng còn lại.
Theo Linh Lam
Người đồng hành