Để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 với quy mô ước tính khoảng 350.000 tỉ đồng đạt mục tiêu đề ra, nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất 7 giải pháp trọng tâm.
Xây dựng doanh nghiệp dẫn đầu
Một là, Chính phủ cần sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) với phương châm nhất quán là "sống chung an toàn với Covid-19". Trong đó, cần quan tâm, có kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực y tế.
Phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để hồi phục kinh tế “hậu Covid-19” .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hai là, các bộ, ngành cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội nhằm thực thi hiệu quả cũng như gắn kết chương trình này với chương trình phòng chống dịch, đề án cơ cấu lại nền kinh tế và 3 đột phá chiến lược.
Ba là, đẩy nhanh, quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc sớm nhất có thể như tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Đặc biệt, sớm sửa đổi các bộ luật được người dân và doanh nghiệp (DN) quan tâm như Luật Đất đai, Luật Nhà ở...
Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm thực hiện thành công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, cần kiểm soát rủi ro phát sinh, nhất là rủi ro lạm phát, rủi ro tài khóa (nợ công, thâm hụt ngân sách, tín dụng) và rủi ro hệ thống tài chính (ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm)...
Năm là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, thông qua việc Chính phủ ban hành các đề án cơ cấu lại các cấu phần quan trọng (DN nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công).
Sáu là, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Theo tính toán của chúng tôi, chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP tăng thêm 0,53-1,85 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến năm 2030, tùy thuộc mức độ chuyển đổi số.
Bảy là, chú trọng tạo điều kiện phục hồi, phát triển DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cần đẩy nhanh triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ; tăng tính gắn kết giữa các khối DN (DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN lớn với nhỏ); áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ đối với mọi loại hình DN; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ. Đồng thời, tạo điều kiện để xây dựng một số DN lớn đóng vai trò dẫn đầu, có khả năng dẫn dắt, kết nối các chuỗi giá trị. Đặc biệt là hỗ trợ DN chuyển đổi số.
Những việc cần làm ngay của TP HCM
Riêng với TP HCM, để tiếp tục vị trí đầu tàu và duy trì động lực tăng trưởng cho cả nước, có nhiều việc cần làm ngay.
Đầu tiên, tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2025 mà TP HCM đã ban hành theo hướng năm 2022, tập trung phục hồi càng nhanh càng tốt. Quan tâm nâng cao năng lực y tế; tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; phục hồi thị trường lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số... Cần lưu ý chương trình phục hồi của TP HCM cần gắn kết chặt chẽ với chương trình phòng chống dịch.
TP HCM cũng cần chủ động tiếp cận và triển khai hiệu quả gói hỗ trợ từ chương trình phục hồi do Chính phủ ban hành trên cơ sở chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội như sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới; đà phục hồi của kinh tế - xã hội trong nước; xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế, thương mại thế giới ngày càng sâu rộng...
Cuối cùng, chuẩn bị tốt tâm thế để bước sang giai đoạn phát triển nhanh, bền vững 2023-2025.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-2
Kiểm soát lạm phát dưới 4%
Theo đánh giá của nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 được giải ngân hiệu quả với tỉ lệ khoảng 90%, tăng trưởng có thể đạt 6,5%-7% năm 2022 và 7%-7,5% năm 2023. Nếu tỉ lệ giải ngân khoảng 70%, tăng trưởng chỉ đạt 5%-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023.
Lạm phát ở nước ta dù tăng chậm hơn các nước song đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Dù vậy, với một số yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát như nguồn cung hàng hóa dồi dào, lực cầu tiêu dùng không đột biến... và mục tiêu kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát có khả năng sẽ được kiểm soát dưới 4%.
Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: An sinh xã hội là nền móng
Phòng chống dịch Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong năm 2022 với tinh thần không một phút nào được lơi lỏng, đứt quãng. Tác hại của dịch bệnh là vô cùng ghê gớm bởi ngoài việc phải tổ chức giãn cách xã hội gây ảnh hưởng đến nhịp phát triển kinh tế đất nước và TP HCM, nó còn tàn phá nguồn nhân lực một cách nghiêm trọng. Tăng cường biện pháp phòng chống dịch, nâng cao năng lực của cơ sở y tế chính là xây dựng lá chắn quan trọng để chiến lược hồi phục kinh tế - xã hội thành công.
Tiếp theo, TP HCM cần tranh thủ tận dụng, khai thác hiệu quả tất cả cơ hội, chính sách hỗ trợ ở cấp trung ương lẫn thành phố. Muốn làm được, bộ máy công quyền, bao gồm cán bộ ở tất cả các cấp từ thành phố xuống quận/huyện, phường/xã, sở - ngành, đều phải nỗ lực hết sức vì cái chung, xóa bỏ tình trạng tắc trách hay tư tưởng "xả hơi". Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là việc không dễ dàng nên nếu mỗi cán bộ không nỗ lực, sâu sát với người dân, DN thì khó có thể về đích.
DN là trung tâm của nền kinh tế và người lao động là trung tâm của DN. Sau đợt dịch tàn phá, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người lao động trở lại TP HCM nhưng phải ở trong những khu nhà trọ lụp xụp, không còn tích lũy, con cái nheo nhóc... TP HCM phải cùng với DN giải bài toán nhà ở cho công nhân vốn đã nói từ lâu nhưng làm chưa đến đâu; xây dựng trường mẫu giáo, trường học cho con em người lao động... Những vấn đề về kinh phí, quỹ đất để làm việc này cần được thành phố quan tâm tháo gỡ. Ngược lại, DN cũng phải chủ động tận dụng sự hỗ trợ của địa phương để tự giải bài toán nhà ở cho người lao động. An sinh xã hội là nền móng rất quan trọng cho giai đoạn hồi phục kinh tế - xã hội bởi có nguồn nhân lực thì mới tổ chức được sản xuất - kinh doanh.
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần gói hỗ trợ giảm chi phí cho DN
Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, DN hồi phục kinh tế - xã hội đã được ban hành cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã đặt người dân, DN vào vị trí trung tâm của nền kinh tế và nỗ lực hỗ trợ với tinh thần "không để lỡ ngày nào". Để đạt hiệu quả cao nhất trong việc triển khai các gói hỗ trợ hiện nay, cần rút kinh nghiệm từ những gói hỗ trợ trước đây. Năm 2020, có nghị quyết được ban hành từ tháng 3 nhưng đến tháng 10 mới đưa vào cuộc sống là quá chậm.
Điểm nghẽn lớn trong quá trình thực hiện các chương trình hồi phục kinh tế vẫn là rào cản từ thủ tục hành chính. Ngay tại TP HCM, rất nhiều điểm nghẽn được DN phản ánh trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường... Cần hình thành nhóm chuyên trách trực thuộc UBND TP HCM để làm nhiệm vụ ghi nhận, tháo gỡ những rào cản, tắc nghẽn khiến dự án của DN không được triển khai suôn sẻ. Nếu những điểm nghẽn không thuộc thẩm quyền thành phố xử lý, có thể làm việc với bộ - ngành, kiến nghị Chính phủ tìm hướng giải quyết. Quan trọng nhất là cách làm việc, cách điều hành phải quyết liệt.
DN trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh đã bào mòn hết nguồn lực. 2022 là năm quan trọng để DN phục hồi và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài các chính sách đã có, nên nghiên cứu thiết kế thêm gói giảm chi phí (thuế, phí, lệ phí...) cho DN trên mọi lĩnh vực, nhất là DN vừa và nhỏ, DN thuộc nhóm ngành du lịch, dịch vụ, vận tải...
Ngoài ra, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh/thành, quận/huyện đến phường/xã hay sở - ngành có thể tổ chức những buổi gặp mặt định kỳ với DN để đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho họ. Chương trình, chính sách hồi phục đã có đủ, quan trọng là mỗi địa phương chọn cách làm thế nào cho hiệu quả với tinh thần bám sát thực tế, đặt nhu cầu của DN lên hàng đầu.
Phương Nhung ghi