Kể từ khi xuất hiện vào đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành hàng không toàn cầu chao đảo và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải đóng cửa các đường bay quốc tế và đến năm 2021 tiếp tục phải hạn chế các đường bay nội địa do biến chủng Delta bùng phát, đỉnh điểm là trong quý 3.
Số liệu của Vietjet Air cho biết, trong cả quý 3 vừa qua, hãng chỉ kiếm được chưa tới 74 tỷ đồng doanh thu từ vận tải hành khách.
Khó khăn là thế, nhưng CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn thể hiện tài lèo lái khi giúp Vietjet Air có lợi nhuận trong cả 3 quý của năm 2021, trong đó quý 3 Vietjet Air có lãi trước thuế tới hơn 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau 2 quý đầu năm kinh doanh dưới giá vốn cả nghìn tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp của Vietjet Air trong quý 3 đã đảo chiều có lãi tới 559 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020.
Vietjet Air liên tục báo lãi năm 2021, dù ngành hàng không còn khó khăn hơn so với năm 2020
Sở dĩ Vietjet Air "vượt bão" thành công, là do hãng tối ưu hóa chi phí thuê tàu bay và chi phí hoạt động bay theo giờ bay khai thác. Cùng với chiến lược tái cấu trúc chi phí thuê tàu bay, Vietjet giảm được phí thuê tàu, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, đồng thời giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất theo quy định của Nhà nước hỗ trợ ngành hàng không.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc Vietjet Air tìm kiếm nguồn thu thay thế từ hoạt động phụ trợ. Khi doanh thu vận tải hành khách giảm sâu chỉ bằng 5-6% trước kia, thì doanh thu phụ trợ của Vietjet vẫn duy trì ở mức gần 1.000 tỷ đồng và doanh thu khác là hơn 300 tỷ đồng, đủ để trang trải các loại chi phí. Trong kỳ vừa qua, hãng đã thực hiện 37.000 chuyến bay, vận chuyển gần 6,4 triệu lượt khách và 64.000 tấn hàng hóa.
Ngày 31/10 (giờ địa phương), trong khuôn khổ Hội nghị COP26 cùng chuyến thăm và làm việc tại Anh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo như Tập đoàn SOVICO, Vietjet và HD Bank vừa ký 3 hợp đồng với 3 đối tác lần lượt là Viện Đại học Oxford, Tập đoàn Rolls-Royce và quỹ đầu tư Affinity trị giá gần 912 triệu USD.
Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, Tập đoàn SOVICO và Viện Đại học Oxford ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh (gần 212 triệu USD). Với việc tài trợ này, CEO Vietjet Air trở thành người Việt đầu tiên được gắn tên vào một trường đại học Anh Quốc.
Cụ thể, Trường Đại học Linacre - một ngôi trường trực thuộc đại học Oxford của Anh và Tập đoàn Sovico của bà Thảo đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU). Trường Linacre sẽ nhận được một khoản tài trợ từ thiện với tổng trị giá 155 triệu bảng Anh. Ngôi trường này cho biết, số tiền tài trợ khổng lồ sẽ "tác động thay đổi to lớn đối với nhà trường và chúng tôi vô cùng biết ơn sự hào phóng của Sovico".
Linacre từ lâu đã là một trong những trường ít nhận được tài trợ nhất. Vì vậy, một phần đáng kể của khoản quyên góp sẽ được dành cho quỹ tài trợ chung của trường, giúp hỗ trợ hoạt động hàng ngày".
Đặc biệt, Linacre đã quyết định sẽ xin phép Cơ mật Viện đổi tên trường từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này.
Tại diễn đàn "Đối thoại 2045" hồi tháng 3/2021 do Thủ tướng chủ trì với sự tham gia của hàng loạt chủ tịch, tổng giám đốc nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, một trong số các vấn đề được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm đó là tình trạng quá tải, nghẽn mạng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) lúc bấy giờ.
Tại đây, Chủ tịch Sovico cho rằng với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường, thu nhập cao, sàn chứng khoán TP.HCM phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hay New York. Tuy nhiên vì cơ chế, HOSE lúc này lại đang sử dụng giải pháp công nghệ thông tin có từ vài chục năm trước.
Bà Thảo cho rằng biện pháp giảm số lượng giao dịch do hệ thống không đáp ứng nổi hay chuyển các cổ phiếu ra niêm yết tại sàn chứng khoán Hà Nội đều không ổn. Mặt khác, việc thay đổi phần mềm hệ thống của sàn chứng khoán tốn kém, rất lâu và cũng phụ thuộc đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, bà Thảo nhận định các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước hoàn toàn giải quyết được vấn đề này. Vì vậy, chính Chủ tịch Sovico là người đã liên lạc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, One Mount Group, Viettel để cùng bàn bạc giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Câu trả lời bà nhận được là chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng để có thể giải quyết vấn đề này.
"60 tỷ hoặc nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp, doanh nhân ở đây sẵn sàng cùng chia sẻ, đóng góp số tiền này để giảm áp lực cho ngân sách. Giải pháp này chắc chắn thành công. Và nếu thành công, đây sẽ món quà đầu tiên, rất thuyết phục của diễn đàn hôm nay", nữ tỷ phú phát biểu.
Đồng tình với ý kiến của bà Thảo, Tập đoàn FPT đã đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật của sàn chứng khoán TP.HCM.
Giữ đúng lời hứa, FPT và Sovico đã thành công đưa hệ thống mới vào hoạt động thông suốt, xử lý từ 3-5 triệu lệnh/ngày gấp 3-5 lần hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất từ 3-5 năm tới, đồng thời giúp HOSE hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
Sovico của bà Thảo và FPT chính là 2 doanh nghiệp được Bộ Tài chính tặng bằng khen để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong việc tham gia xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE.
Giữa tháng 4/2021, bà Thảo nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh do Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trao tặng. Bà Thảo là nữ doanh nhân Việt đầu tiên được trao huân chương cao quý này.
Trên cương vị là Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã có những đóng góp đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, hợp tác phát triển, mang tới những dấu ấn mạnh mẽ trong quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Âu, giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Đại sứ Nicolas Warnery đánh giá cao tầm nhìn, trí tuệ và lòng nhân ái, triết lý kinh doanh vì sự phát triển của cộng đồng, thế hệ tương lai của bà Nguyễn Thị Phương Thảo và dành lời cảm ơn đến các doanh nghiệp do bà dẫn dắt như Sovico, Vietjet, HDBank... đã luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp Pháp, người dân Pháp, đặc biệt trong suốt giai đoạn nước Pháp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Ảnh: VGP.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số ít doanh nhân Việt nhận được nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế như Nhân vật có ảnh hưởng nhất châu Á trong công tác thiện nguyện do tạp chí Tatler trao, 1 trong 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á do tạp chí Business Insider Australia bầu chọn, TOP 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, top các nhà lãnh đạo nữ quyền lực nhất châu Á, giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc nhất tại khu vực ASEAN, CEO của năm 2019 khu vực châu Á-Thái Bình Dương do cộng đồng doanh nhân thế giới bình chọn… Bà cũng được đưa vào đề tài nghiên cứu, giảng dạy của Đại học Harvard - Mỹ.
Theo Hà My
Doanh nghiệp và tiếp thị