Chuyên mục  


tinh-duc-2172369-3read-only-17140699432891587693853.jpg

Trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại - Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Có cách nào để bảo vệ trẻ trước những nguy cơ này?

"Yêu râu xanh" thường là người quen của trẻ

Thời gian qua, không ít những vụ sàm sỡ, lạm dụng trẻ vị thành niên được thông tin trên các phương tiện báo chí. Trẻ bị lạm dụng ngay chính trong trường học hay từ những người thân cận.

Tháng 4 vừa qua, thầy giáo Trường tiểu học Vĩnh Hiệp 2 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) bị tố sàm sỡ học sinh lớp 5. Học sinh tố cáo thầy giáo này đã hai lần dẫn em vào nhà vệ sinh, khóa cửa, hôn lên trán, dùng tay sờ vào bộ phận sinh dục trẻ. Nhà trường đã tạm đình chỉ dạy học đối với thầy giáo này.

Vụ việc năm 2022, một giáo viên tại TP.HCM bị tố sàm sỡ nhiều nữ sinh cũng từng làm dư luận phẫn nộ. Phụ huynh phản ảnh nhà trường khi con gái học lớp 7 bị thầy hôn vào trán và sờ vào lưng trong giờ ôn tập dò bài. Một phụ huynh khác có con học lớp 11 cho biết 2 năm trước khi còn học ở trường, con của bà đã bị thầy sờ soạng. Bà có báo cáo vụ việc với cô hiệu trưởng nhưng sau đó vụ việc đã im bặt.

Mới đây, câu chuyện bé gái 12 tuổi ở Hà Nội bị xâm hại khiến trẻ mang thai, sinh con vào tháng 4 này khiến không ít người phải xót xa. Hay trước đó năm 2023, bé gái 11 tuổi ở Phú Thọ sinh con cũng khiến dư luận phẫn nộ.

Những vụ việc đau lòng từ việc trẻ bị xâm hại, lạm dụng, sinh con ở tuổi vị thành niên trở thành nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ, gây hoang mang cho xã hội. Và hơn hết những đứa trẻ sau đó còn chịu những sang chấn tâm lý, ảnh hưởng cuộc đời về sau.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện - phó giám đốc Chương trình tâm lý học Đại học Hoa Sen (TP.HCM) - cho rằng hành vi cố ý của người trưởng thành: đụng chạm đến phần nhạy cảm của cơ thể trẻ (như bộ phận sinh dục, hậu môn, mông, ngực) đều được coi là không tương thích và nguy hại đến tiến trình phát triển nhân cách sau này.

Nhận biết sớm, đừng im lặng

Thạc sĩ Thiện cho hay trẻ bị xâm hại ngoài những tác động xấu đến sức khỏe thể chất như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, mang thai ngoài ý muốn; còn để lại nhiều sang chấn nghiêm trọng về tâm lý tại thời điểm xảy ra sự việc và có thể kéo dài đến khi trưởng thành.

Biểu hiện thường thấy nhất là trẻ luôn đánh giá tiêu cực bản thân; khó tin tưởng, tức giận vô cớ, khuynh hướng nổi loạn, chống đối mọi người xung quanh. 

Trẻ thường có vấn đề về hành vi (như nghiện chất); ý định tự hại, tự tử; gặp khó khăn trong học tập; phạm pháp; gặp khó khăn trong tương giao.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, Hội Tâm lý học Việt Nam, cha mẹ có thể nhận biết sớm trẻ bị xâm hại qua việc quan sát trẻ hằng ngày. Đối với những đứa trẻ bị xâm hại thường rất khó để ngủ ngon giấc, hoặc có thể gặp ác mộng. Hay trong một số trường hợp trẻ sợ hãi khi gặp một người, khi tới một địa điểm nhất định. Khi thấy trẻ có dấu hiệu này, cha mẹ cần chú ý quan sát, chia sẻ với trẻ để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, hãy chú ý đến những vết thương ngoài cơ thể của con, quan sát bộ phận sinh dục hay hậu môn, những vết bầm tím trên cơ thể trẻ để nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị xâm hại.

Và điều quan trọng nhất là khi con bị xâm hại, cha mẹ hãy là người lên tiếng để bảo vệ con. Cha mẹ có thể lưu giữ chứng cứ và lên tiếng tố cáo, phối hợp với cơ quan chức năng để cùng đưa đối tượng xâm hại trẻ ra pháp luật. Đó cũng là cách bảo vệ trẻ sau này và bảo vệ những trẻ em khác.

Để trẻ thoát các nguy cơ bị xâm hại, thạc sĩ Thiện nhấn mạnh trẻ cần được giáo dục, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Hướng dẫn trẻ tránh để bản thân rơi vào các tình huống nhiều nguy cơ, mất an toàn như những vùng vắng vẻ, ở cùng người có các biểu hiện bất ổn, có các trang phục và thể hiện bản thân chưa phù hợp với độ tuổi, sử dụng mạng xã hội kém an toàn...

Trong tình huống biết con em bị xâm hại, phụ huynh và giáo viên cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng tại địa phương và phối hợp đưa trẻ đến cơ quan y tế để được đánh giá, chăm sóc sức khỏe (cả sức khỏe tinh thần). Có thể tham khảo tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia 111.

Hạn chế la mắng, kết tội, chỉ trích trẻ sẽ làm trẻ sợ hãi, khó chia sẻ. Lưu ý vấn đề bảo mật thông tin, hình ảnh của trẻ trước các phương tiện truyền thông đại chúng để tránh tạo áp lực tâm lý, gây cảm giác xấu hổ, tái sang chấn. Cần chủ động thay đổi môi trường sống, học tập đảm bảo an toàn cho trẻ và gia đình.

Xoa dịu nỗi đau của trẻ, gia đình là quan trọng nhất

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên - cho rằng nạn nhân của xâm hại tình dục chịu nhiều hậu quả cả về ngắn hạn và lâu dài. Những đứa trẻ bên cạnh những tổn thương về thực thể, có thể sẽ xuất hiện rối loạn stress sau sang chấn, xuất hiện hành vi né tránh.

Theo ông Nam, đã có những nghiên cứu cho thấy nạn nhân của xâm hại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận, các em tự đổ lỗi dằn vặt bản thân, mất sự tin tưởng vào người khác; tự thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội. Bởi vậy, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, thậm chí cần can thiệp điều trị tâm lý cho trẻ sau sang chấn.

"Hiện nay, việc giáo dục giới tính tại Việt Nam còn rất nhiều điều cần phải bàn. Trong khi đó, việc giáo dục giới tính sẽ góp phần giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại.

Đầu tiên, người lớn phải thay đổi tư duy, nhận thức về việc giáo dục giới tính cho các con ngay từ khi trẻ bước vào độ tuổi mầm non và trau dồi, hướng dẫn trẻ trong suốt quá trình trẻ trưởng thành", ông Nam chia sẻ.

Theo thạc sĩ Thiện, chương trình giáo dục phổ thông cũng đã có những nội dung trên đưa vào giảng dạy cho trẻ. Tuy nhiên, vai trò gia đình vẫn là quan trọng nhất. Cha mẹ cần chủ động hướng dẫn, giáo dục và trang bị kỹ năng cho con từ nhỏ về các chủ đề giới tính, kỹ năng tự bảo vệ phòng chống xâm hại chứ không đợi đến tuổi dậy thì.

"Không đợi tới khi "mất bò mới lo làm chuồng", khi thấy dấu hiệu bất ổn cha mẹ mới tra hỏi con sẽ làm trẻ sợ hãi, ức chế và giấu giếm hoặc nói dối.

Quan trọng nhất là gia đình tạo một mối tương quan tốt của trẻ với cha mẹ, để trẻ có thể cảm thấy an toàn khi chia sẻ những khó khăn gặp phải với cha mẹ để kịp thời xử lý. Cha mẹ cũng nên dành thời gian để tương tác, trò chuyện và chia sẻ với con. Nếu có thói quen này, khi gặp vấn đề trẻ mới sẵn sàng cởi mở để trao đổi với cha mẹ", thạc sĩ Thiện chia sẻ.

Nhiều quy tắc phòng chống xâm hại trẻ

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện cho hay có nhiều quy tắc như 5 ngón tay, quy tắc đồ lót (PANTS rules)... rất cụ thể, sinh động có thể giúp cha mẹ truyền đạt kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại đến con.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020