Sau hai năm chạy đua tiêm phòng Covid-19, số lượng vaccine đến nay đã vượt quá nhu cầu của người dân nhiều nước. Chương trình tiêm chủng tại các nước hiện không bắt kịp với tốc độ sản xuất của các hãng dược. Lượng vaccine dự trữ trước đó còn chồng chất, thậm chí sắp hết hạn ở nhiều quốc gia. Vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu hồi tháng 5 do Mỹ đồng tổ chức.
Nhiều hãng dược phải ngừng sản xuất vaccine
Trái với bối cảnh khan hiếm đầu đại dịch, các hãng dược đang đối mặt với nguy cơ ngừng sản xuất vaccine do nhu cầu giảm dần, ngay cả khi toàn cầu cách xa mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số.
Các nhà khoa học cho rằng giới chức cần đưa ra kế hoạch cụ thể, chuyển trọng tâm từ sản xuất vaccine sang đẩy mạnh tiêm phòng. Họ cảnh báo sự trì hoãn có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chủng mới, khả năng trốn tránh miễn dịch và gây ra làn sóng lây nhiễm khác.
"Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào tiêm vaccine vì các biến chủng mới sẽ xuất hiện. Chúng ta như đang đặt cược vào một cuộc chơi chắc chắn sẽ nắm phần thua, với hy vọng biến chủng sẽ không kéo tụt các nỗ lực trước đó", Thomas Bollyky, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.
Ít nhất 11 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Khoảng 46% dân số trong nhóm 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã hoàn thành liều đầu tiên, ít hơn so với 60% trên toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng tại các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi chậm hơn nhiều so với những nước giàu có.
"Đại dịch chưa kết thúc. Nhưng nếu nhìn ra thế giới, bạn sẽ có cảm giác nó xảy ra lâu rồi", Seth Berkley, Giám đốc điều hành liên minh tiêm chủng Gavi, cho biết.
Trường hợp của hãng dược Aspen cho thấy mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng đến thế nào. Hãng giành được giấy phép sản xuất vaccine Johnson & Johnson tại một nhà máy ở Nam Phi. Đây là dự án lớn, được Mỹ và nhiều quốc gia tài trợ, diễn ra ở quốc gia trên tuyến đầu của cuộc chiến chống bất bình đẳng vaccine.
Dù vậy, số khách hàng của Aspen rất hạn chế. Các chính phủ châu Phi không đặt hàng, công ty đang xem xét sản xuất thuốc mê để không phí phạm nguồn nhân lực.
"Chúng tôi đã tin tưởng và được đảm bảo rằng việc sản xuất tại khu vực là rất quan trọng và sẽ được hỗ trợ. Nếu Aspen không thể làm điều này, còn hy vọng nào cho những đơn vị khác?", Stavros Nicolaou, Giám đốc thương mại chiến lược của công ty, cho biết.
Trong khi đó, Nicholas Crisp, người đứng đầu chương trình tiêm chủng Nam Phi, cho biết nước này đang chuẩn bị tiêu hủy vaccine sắp hết hạn sử dụng và đóng cửa các điểm tiêm chủng đại trà tốn kém trong bối cảnh nhu cầu thấp.
"Chúng tôi rất thất vọng. Nhu cầu của người dân thấp hơn những gì chúng tôi dự tính. Điều này có nghĩa khả năng miễn dịch của mọi người vẫn kém và đại dịch sẽ kéo dài", ông nói.
Vaccine Moderna tại một điểm tiêm chủng ở Chicago, Mỹ, tháng 2/2021. Ảnh: Reuters
Vấn đề tương tự xuất hiện tại Ấn Độ. Viện Huyết thanh đã ngừng sản xuất vaccine khi lượng dự trữ đạt 200 triệu liều. Đây là sự thay đổi mạnh mẽ so với năm ngoái, khi quốc gia phải ngừng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng vọt. Động thái này đã ảnh hưởng khắp thế giới, cho thấy sự khan hiếm tại thời điểm đó. Đến nay, Viện Huyết thanh nhận định nhu cầu đang sụt giảm hoàn toàn.
Indonesia đã phải tiêu hủy 9 triệu liều vaccine hết hạn vào tháng 5. Đến nay, hơn 60% dân số nước này đã tiêm hai liều vaccine, 17% tiêm liều tăng cường. Dịch bệnh suy yếu, giới chức loại bỏ hầu hết các hạn chế phòng ngừa Covid-19, khiến tâm lý người dân thoải mái hơn, việc tiêm chủng không còn cấp thiết.
Nâng cao nhu cầu tiêm chủng
Khi các mục tiêu tiêm chủng đã nằm ngoài tầm với, các chuyên gia đề xuất chuyển sang bảo vệ người dễ bị tổn thương nhất và giải quyết rào cản về phân phối.
Theo tiến sĩ Bollyky, một chiến dịch tiêm chủng thường dựa vào ba yếu tố là cung, cầu và hậu cần. "Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian để nâng cao nguồn cung, ít khi nói đến ràng buộc về nhu cầu người dân và khâu quản lý tiêm chủng", ông nhận định.
John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Châu Phi ,cho biết giới chuyên gia đang tổ chức các buổi thảo luận để tìm cách nâng cao nhu cầu với vaccine Covid-19 ở giai đoạn mới.
CDC kêu gọi các nước châu Phi đặt hàng với các nhà sản xuất địa phương. Tuy nhiên, ngay cả những lô hàng được viện trợ miễn phí cũng đang "đắp chiếu". Mỹ đã cam kết tài trợ 1,2 tỷ liều vaccine cho khu vực, song chưa phân phối hết một nửa, dù nguồn cung dồi dào.
Nguyên nhân là vaccine đến tay các nước được viện trợ mà không được thông báo trước thời điểm hoặc hạn sử dụng, bị đánh thuế trong khi hệ thống y tế địa phương vốn đã quá căng thẳng.
"Các liều vaccine càng khó phân phối hơn vì kho dự trữ của các nước đã đầy. Chúng tôi có hàng chục triệu liều 'vô chủ' vì các quốc gia thiếu nguồn lực xây dựng dây chuyền cấp đông hoặc không thể vượt qua sự hoài nghi của cộng đồng", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
WHO kỳ vọng 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào tháng 7. Chương trình Covax đã phân phối khoảng 1,4 tỷ liều cho 145 quốc gia, kém xa so với kế hoạch 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Tỷ lệ tiêm chủng trung bình của 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình tham gia Covax là 42%. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hồi đầu năm nay cho biết: "Tình trạng bất bình đẳng vaccine là thất bại đạo đức lớn nhất của thời đại này, người dân các quốc gia đang phải gánh chịu".
Thục Linh (Theo Forbes)