Chuyên mục  


Thông tin trên được nêu trong báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ ba HĐND thành phố, ngày 20/6. Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm nay, con số tương tự là 226 và 17.

Giải thích tình trạng trên, đại diện thành phố cho biết từ đầu 2020 đến nay, ngành y tế dồn mọi nguồn lực phòng chống dịch. Dù số lượng nhân viên y tế còn thiếu, song phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ không kể ngày đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành nên nhiều nhân viên y tế xin nghỉ hoặc chuyển công tác về nơi có mức thu nhập cao hơn.

Trả lời VnExpress, chị Hoa, từng là trạm trưởng y tế phường tại quận Đống Đa cũng cho biết, vì khối lượng công việc quá lớn nhưng thu nhập không đủ sống, nên chị viết đơn xin nghỉ việc hồi cuối tháng 3.

Từng là người đứng đầu một trạm y tế thuộc điểm nóng dịch bệnh của Hà Nội, chị Hoa và đồng nghiệp mỗi ngày phải chia nhân lực truy vết, điều tra dịch tễ, tiêm chủng, trả lời hàng trăm cuộc gọi. Đêm đến, mọi người thay phiên cập nhập số liệu F0, hoàn thiện báo cáo, áp lực chồng chất nhưng chỉ được cộng thêm khoảng 500.000 nghìn tiền trách nhiệm. Đôi vợ chồng điều dưỡng là đồng nghiệp của chị Hoa, tổng lương chỉ khoảng 8 triệu, không đủ nuôi sống bản thân.

Trước thực trạng y bác sĩ nghỉ việc hoặc chuyển công tác, UBND TP Hà Nội đánh giá trường hợp dịch bệnh tái bùng phát hoặc xuất hiện chủng nCoV mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì "thảm họa xảy ra rất khó lường". Nếu không có chế độ hỗ trợ nhân viên y tế kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.

Thực tế, hồi tháng ba, khi Hà Nội bước vào đỉnh dịch Covid, nhiều F0 đã phải tự xoay sở điều trị tại nhà khi không liên hệ được nhân viên y tế. Trong khi đó, y bác sĩ cơ sở cho rằng họ phải gồng gánh khối lượng công việc khổng lồ, "bị quá tải, chịu áp lực rất lớn". Đặc biệt, một số phường xã ở quận Hoàng Mai, Đống Đa, tỷ lệ 5-10 cán bộ y tế trên 30.000 dân, nhiều nhân viên mắc Covid vẫn phải làm việc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh.

Bác sĩ trạm cấp cứu trung tâm 115 hồi sức cho F0 trên xe cấp cứu. Ảnh:Giang Huy

Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành quy định, chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế. Theo đánh giá của Sở Y tế, đây là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm giữ chân nhân viên y tế; tri ân, khích lệ, động viên đội ngũ này, từ đó nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh. Tờ trình sẽ được trình HĐND TP Hà Nội tại phiên họp thường kỳ HĐND vào đầu tháng 7.

Tình trạng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công cũng diễn ra đột biến tại TPHCM, theo đó, chỉ trong quý I năm nay, 400 người nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước khi đại dịch xuất hiện. Riêng năm 2021, ngành y tế thành phố ghi nhận khủng hoảng lực lượng lao động với số người nghỉ việc là 1.154. Để giải quyết tình trạng trên, ngày 7/4, TP HCM thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù để nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó chi hơn 138 tỷ đồng mỗi năm cho 310 trạm y tế (từ nay đến năm 2025) để thu hút nhân sự.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020