Chuyên mục  


"Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể giải quyết triệt để tổn thương qua nội soi, không phải phẫu thuật cắt dạ dày, cơ hội khỏi bệnh cao", BS.CK2 Nguyễn Đức Thông, Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Nguyễn Trãi, nói tại hội nghị quốc tế về nội soi can thiệp điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa, ngày 16/10.

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu - GLOBOCAN, ung thư dạ dày xếp thứ 5 tại Việt Nam về số mắc mới (hơn 16.200 trường hợp), đứng thứ 3 về số ca tử vong (hơn 13.200 ca). Phần lớn người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, mất cơ hội điều trị trong thời gian vàng. Có những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn quá muộn không còn chỉ định phẫu thuật.

Theo bác sĩ Thông, ở giai đoạn sớm, bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật nội soi cắt dưới niêm mạc (ESD), xử lý các tổn thương đường tiêu hóa qua nội soi, bảo tồn toàn bộ dạ dày, tránh nguy cơ biến chứng của phẫu thuật, cơ hội khỏi bệnh cao, xuất viện sớm và đỡ tốn kém chi phí hơn.

Bác sĩ Kinoshita Koshi, Trưởng khoa Nội tiêu hóa và Nội soi, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) cho biết ESD được áp dụng rất phổ biến tại nước này, nhờ hầu hết bệnh nhân được phát hiện sớm qua tầm soát. Trước đây, người từ 40 tuổi được X-quang dạ dày cản quang sau đó nội soi dạ dày tầm soát hàng năm. Gần đây, số ca ung thư dạ dày tại Nhật Bản giảm dần vì tỷ lệ nhiễm HP giảm, chương trình tầm soát thực hiện ở người trên 50 tuổi mỗi 2-3 năm.

Bác sĩ Kinoshita Koshi hướng dẫn kỹ thuật cắt u dưới niêm mạc điều trị ung thư sớm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, ngày 16/10. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết ung thư dạ dày phát hiện giai đoạn sớm giúp tỷ lệ sống còn trên 5 năm có thể lên đến 80-90%. Ở giai đoạn muộn hơn, khi tổn thương đã xâm lấn, khả năng sống còn chỉ còn 10-15%. Do vậy, bệnh viện đã trang bị các kỹ thuật mới, đào tạo liên tục nguồn nhân lực để giúp tăng cơ hội phát hiện sớm, điều trị khỏi cho người bệnh.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là Việt Nam chưa có chương trình tầm soát quốc gia, hầu hết bệnh nhân giai đoạn sớm được phát hiện qua tầm soát cơ hội. Tức, bệnh nhân đến khám vì bệnh lý khác, triệu chứng khác, tình cờ phát hiện bệnh.

Điều này khiến kỹ thuật ESD cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm được triển khai tại bệnh viện từ năm 2020 nhưng đến nay chỉ thực hiện được vài ca. Đây cũng là thực trạng chung của một số bệnh viện TP HCM. Chưa kể, bác sĩ nội soi nếu không thực hiện đầy đủ các bước có thể bỏ sót tổn thương, không nhận diện được những bất thường ở đường tiêu hóa giai đoạn sớm.

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm không có triệu chứng rõ ràng, thường dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa thông thường. Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày là nhiễm HP, ăn mặn, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa hàm lượng nitrosamine cao như dưa muối, lên men, cá muối...

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên nội soi tầm soát từ tuổi 40, sau đó tùy thuộc nhóm nguy cơ nào mà có sự theo dõi tiếp theo phù hợp. Nhóm yếu tố nguy cơ cao như gia đình có người ung thư đường tiêu hóa nên nội soi tầm soát từ trước tuổi 40.

Trường hợp nhiễm HP đã điều trị khỏi phải theo dõi sát sau đó, bởi một số người phát triển viêm teo dạ dày, nguy cơ tiến triển ung thư. Khi có dấu hiệu bất thường, cần đến bệnh viện kiểm tra, không tự ý điều trị bằng cách phương pháp dân gian, thuốc không rõ nguồn gốc.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020