Chuyên mục  


Đề xuất này được Bộ Y tế đưa ra trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Dự thảo đang lấy ý kiến người dân và các đơn vị liên quan, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11.

Hiện nay, các mức phụ cấp trên áp dụng theo quyết định 73 năm 2011. Bộ Y tế đánh giá các mức này quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống. Hơn 12 năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh thêm 8 lần, hiện ở mức 2.340.000 đồng/tháng nhưng các chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực; tiền ăn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.

Với tiền trực 24/24 giờ, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức tiền từ 115.000 đồng/người/phiên trực lên 325.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Bệnh viện hạng II tăng từ 90.000 đồng lên 255.000 đồng. Các bệnh viện còn lại tăng từ 65.000 đồng lên 185.000 đồng. Trạm y tế xã cũng được điều chỉnh tăng gấp 3 từ mức tiền từ 25.000 đồng lên 75.000 đồng.

Bộ Y tế cũng đề xuất đề xuất tăng 2-3 lần với chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Cụ thể, phẫu thuật viên chính của ca mổ loại đặc biệt có mức phụ cấp 280.000 đồng, đề xuất mới tăng gấp 3 lần lên 510.000 đồng. Với ca mổ loại I, loại II, loại III, mức tăng cho phẫu thuật viên chính lần lượt là: 230.000, 120.000 và 95.000 đồng.

Người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính trong ca mổ loại đặc biệt hiện hưởng 280.000 đồng. Theo đề xuất, mức phụ cấp này sẽ tăng lên 565.000 đồng. Với ca mổ loại I, loại II, loại III, mức tăng cho nhóm này lần lượt là 130.000, 80.000 và 35.000 đồng.

Tương tự, với chế độ phụ cấp chống dịch, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng gấp 3 lần so với hiện hành.

Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại khoa chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Tri Thức cho rằng mức phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay đã thực hiện hơn 10 năm,"không còn phù hợp". Mới đây, cử tri các tỉnh thành cũng liên tục kiến nghị tăng phụ cấp trực cho y bác sĩ.

Thực tế, nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc cường độ cao trong thời gian kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần. Trong khi lương và phụ cấp chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc là do áp lực kinh tế, thu nhập thấp và mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020