TS.BS. Lê Sĩ Trung (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam) là một chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sinh dục và tiết niệu. Chúng tôi đã gửi những câu hỏi của bạn đọc quan tâm vấn đề này và nhận được sự giải đáp.
TS.BS Lê Sĩ Trung- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam.
Bác sĩ có thể cho độc giả của báo Tiền Phong biết là những người nào thì không nên hoặc không thể áp dụng biện pháp thắt ống dẫn tinh?
Thắt ống dẫn tinh là thủ thuật được dùng để triệt sản ở nam giới hoặc tránh thai vĩnh viễn. Khi thực hiện phẫu thuật này, ống dẫn tinh nam được cắt và buộc để ngăn tinh trùng xâm nhập vào niệu đạo, ngăn ngừa thụ tinh thông qua quan hệ tình dục . Đây là thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện và an toàn. Tuy nhiên về bản chất đây vẫn là một can thiệp phẫu thuật nên bác sĩ sẽ cần kiểm tra người đàn ông có chịu được phẫu thuật hay không. Người bị rối loạn đông máu thuộc nhóm chống chỉ định với phương pháp này. Ngoài ra còn một số chống chỉ định liên quan đến những bệnh toàn thân khác như bệnh đau tinh hoàn mãn tính, thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch, viêm nhiễm mạn tính, rối loạn chức năng tình dục…
Không thể phủ nhận là nam giới dù đã ‘thông’ để đi thắt ống dẫn tinh, chia sẻ gánh nặng tránh thai với người phụ nữ, nhưng họ vẫn còn vô vàn câu hỏi. Mà câu hỏi cơ bản nhất, ai cũng quan tâm là: Thắt xong thì có bị yếu đi không?
Đây chính là vấn đề mọi người thường nghĩ và có nhiều e ngại nhất. Về góc độ chuyên môn thì tôi có thể trả lời, nếu ca phẫu thuật được thực hiện chuẩn kỹ thuật và không có biến chứng thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới khả năng quan hệ tình dục của đàn ông. Vì hoạt động tình dục của người đàn ông phụ thuộc vào hai vấn đề. Một là khả năng cương dương vật và hai là ham muốn của người đó. Việc thắt ống dẫn tinh hoàn toàn không ảnh hưởng đến cả hai yếu tố đó. Ham muốn của người đàn ông phụ thuộc vào nội tiết tố của người đó và thủ thuật này không ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể.
Sau thủ thuật người đàn ông vẫn xuất tinh bình thường. Chỉ soi kính hiển vi mới nhìn thấy rõ là trong tinh dịch không còn tinh trùng nữa.
Một người đàn ông sau khi thắt ống dẫn tinh cần được chăm sóc như thế nào tại gia đình, thưa bác sĩ?
Tỉ lệ chăm sóc bình thường chiếm hơn 90%. Có thể có một vài bất thường như nhiễm trùng vết mổ hoặc tụ máu ở vết mổ. Cái ngại nhất là sau khi bác sĩ cắt ống dẫn tinh thì tinh trùng thoát ra ngoài ở vùng đó. Trong trường hợp kỹ thuật không tốt thì quanh vết cắt đó sẽ có một khối có tinh dịch tụ lại ở đó và điều này cũng được tính là một bất thường cần được chăm sóc y khoa.
Một ca thắt ống dẫn tinh.
Cảm giác đau sau phẫu thuật thì như thế nào, thưa bác sĩ?
Trên 95% nam giới sẽ trải qua thủ thuật này một cách nhẹ nhàng. Đau cũng chia làm hai nhóm. Đau nhẹ nhàng, tại chỗ, hết sau 1 tuần. Nhưng cũng có người bị đau từ bìu, lan xuống đùi và đau rất lâu.
Bác sĩ cho biết sau khi thắt ống dẫn tinh bao lâu thì người đàn ông có thể quan hệ tình dục trở lại?
Như mọi phẫu thuật khác, bệnh nhân cần thời gian để lành hẳn các vết khâu. Trung bình tối thiểu một tuần sau phẫu thuật, khi không còn cảm thấy đau hoặc sưng thì mới nên quan hệ tình dục trở lại.
Có một số gia đình do những biến cố, lại mong muốn sinh thêm con. Một người đàn ông đã thắt ống dẫn tinh có thể lại đến bệnh viện và nhờ bác sĩ can thiệp để có con được hay không?
Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Trên thực tế chúng tôi đã gặp những trường hợp nhu vậy. Hoặc là gia đình mất đi đứa con hoặc cuộc hôn nhân không kéo dài, người đàn ông có nhu cầu có thêm con. Về lý thuyết là có thể làm lại được, bác sĩ phẫu thuật lại được. Nhưng trên thực tế hiệu quả không cao. Phụ thuộc hai điều kiện. Thứ nhất là thời gian thắt lâu chưa. Nếu người đàn ông đó đã thắt ống dẫn tinh lâu rồi thì rất khó hồi phục được. Hai là, việc thắt ống dẫn tinh thực hiện ở vị trí nào, càng gần mào tinh thì kết quả sẽ cao hơn.
Cảm ơn bác sĩ với những chia sẻ khoa học và thực tế.