Trở về nhà sau buổi tập, anh Trần Nhã ngồi ngắm lại bộ sưu tập hơn 30 tấm huy chương, nói đây là gia tài vô giá có được sau 14 năm thi đấu. Ngoài danh xưng vận động viên, huấn luyện viên, anh được mọi người ưu ái gọi bằng cái tên "lão tướng". Nhìn đôi tay như hai gốc cây cổ thụ, bờ vai rộng dài như mắc áo, không ai nghĩ anh từng phải tập tễnh bước đi sau tai nạn "thập tử nhất sinh" 17 năm trước.
Lúc đó, Nhã bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, gãy chân trái làm ba và phải phẫu thuật đóng đinh nội tủy. "Thời gian đó tôi suy sụp, nghĩ đến tương lai mà thấy mịt mù", anh nói.
Sau phẫu thuật, gia đình thở phào vì anh còn sống nhưng phải đóng đinh từ đầu gối xuống mắt cá chân trong hai năm. Ở ngưỡng tuổi đẹp nhất, Nhã phải lò dò tập đi, uống nhiều thuốc, nỗi sợ không thể đi lại ám ảnh trong giấc mơ. Tai nạn cũng khiến chàng trai gầy xọp, người "mỏng như lá lúa", khoảng 50 kg, cao 1,63 m. Anh phải xuống TP HCM điều trị di chứng, tập vật lý trị liệu.
Do đi nạng lâu ngày, hai chân đi lại không bình thường, bên thấp bên cao. Anh không thể vận động mạnh do sức khỏe yếu, đề kháng kém. "Không lẽ cứ sống bấp bênh vậy mãi", Nhã nghĩ. Vừa bị cơn đau tra tấn, vừa bị hành hạ bởi hàng loạt suy nghĩ khiến Nhã bất cần, khủng hoảng tinh thần, khó tính hơn.
Nỗi ám ảnh của anh dịu đi khi bác sĩ nói tập luyện là cách lấy lại phong độ nhanh nhất. Từ nhỏ, chàng trai hâm mộ lực sĩ Lý Đức, quyết chọn gym để tập vật lý trị liệu và cải thiện sức khỏe.
"Không ai muốn bị bệnh nhưng chính ca tai nạn trở thành lý do để tôi thay đổi cách nghĩ và lối sống", anh chia sẻ.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các bài tập gym có tác dụng kích thích sản sinh hormone, nhờ vậy cơ bắp có thể hấp thụ được lượng axit amin cần thiết và trở nên săn chắc hơn. Khi luyện tập gym thường xuyên và đúng kỹ thuật, quá trình trao đổi chất diễn ra suôn sẻ hơn, đồng thời lượng calo tiêu hao tăng lên rõ rệt, từ đó giúp giảm cân, hoặc giữ chỉ số cân nặng hợp lý. Bên cạnh đó, tập gym giúp cơ thể giải phóng các hormone tiêu cực, thúc đẩy hormone hạnh phúc, từ đó giảm căng thẳng.
Sau 14 năm thi đấu, anh thu về gần 30 tấm huy chương, treo ở phòng khách để tạo động lực cho bản thân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuối năm 2011, Nhã rụt rè đến phòng tập, thấy mọi người nhìn chằm chằm bảo "ốm tong teo, chân đi khấp khểnh" nên hoang mang. Gia đình ngăn cản anh đến với gym vì sợ di chứng và sức khỏe cũng chưa hồi phục hoàn toàn.
Ban đầu, anh dựa vào các hình ảnh có chú thích ở phòng gym để học. Về sau, anh tham khảo những video hướng dẫn tập trên mạng và bạn bè tại phòng tập. Anh nhận ra gym có bài tập cho từng nhóm cơ, mọi người có thể lựa chọn cường độ tập luyện phù hợp thể trạng. Anh cũng không ép bản thân phải tập để có chỉ số đẹp nhất, mà chỉ tập trung tập vai, ngực, bụng để khỏe.
Càng tập càng đam mê, Nhã nhận ra thế giới của gym không chỉ có "nâng tạ". Anh muốn theo đuổi hình tượng của Lý Đức, Phạm Văn Mách, trở thành vận động viên thể hình chuyên nghiệp.
Do đó, anh quyết định rèn giũa bản thân để cơ bắp và các múi nét phải nổi lên như tạc tượng, chú trọng bài tập chân để trụ vững. Ngoài tập luyện, người đàn ông còn học cách biểu diễn, múa trên nền nhạc với động tác chuyên nghiệp.
Giữa năm 2022, anh "đánh liều" đăng ký tham gia một cuộc thi thể hình của CLB tỉnh Lâm Đồng. Anh xác định đi thi để học hỏi và thỏa ước mơ biểu diễn. Lúc ban tổ chức công bố giải, Nhã sững sờ khi nghe tên mình đạt giải Á quân, hạng cân 60 kg. Có thêm động lực, anh tiếp tục tham gia nhiều giải đấu khác.
Hiện, giải thể hình mở rộng nhiều loại hình mới fitness, bikini... để nhiều người tham gia hơn. Anh lần lượt ghi tên mình vào nhiều giải thi đấu, cái tên Trần Nhã được biết đến nhiều hơn.
VĐV Trần Nhã giành giải nhất giải thể dục thể hình năm 2024, hạng cân 60 kg. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, các vận động viên phải tuân theo chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. "Đây là tiêu chí khó khăn nhất nhưng vượt qua thì coi như thành công một nửa", anh nói.
Trước khi thi đấu, anh đều lên kế hoạch từ 4-5 tháng để chuẩn bị thân hình và sức khỏe tốt nhất. Anh cố gắng bổ sung dinh dưỡng thông qua thực phẩm và món ăn hàng ngày như cá ngừ, trứng, hàu, tôm, cua hoặc ăn yến mạch, chuối. Anh ưu tiên ức gà, giàu protein, ít calo, giá thành rẻ nhưng rất khó ăn.
"Nhiều lúc phải xay ức gà để uống thay vì nhai", Nhã nói. Trung bình, mỗi lần siết cân, anh phải giảm từ 73-76 kg về 60-65 kg trong ba đến 4 tháng mới đủ tiêu chí thi đấu.
Anh tự nhận ở độ tuổi này, khâu chuẩn bị cũng gặp rất nhiều khó khăn như khó lên cơ bắp, nhóm cơ bị chậm, thể lực cũng không được dẻo dai, dễ chấn thương. Quá trình ép cân khiến người đàn ông stress, mất ngủ. Lúc này, anh lại nhớ hình ảnh tập tễnh tập đi sau tai nạn rồi tự động viên bản thân không bỏ cuộc.
Với anh Nhã, thể hình là đam mê và món ăn tinh thần không thể thiếu. Anh mong muốn có một câu lạc bộ riêng để truyền cảm hứng đến nhiều người hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp