Thanh long có rất nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe - Ảnh: BSCC
Nhiều chất dinh dưỡng quý giá giúp ngăn ngừa bệnh
Theo nghiên cứu, cứ khoảng 100 gam thanh long sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng gồm: calo: 60 gam; carbs: 13 gam; chất đạm: 1,2 gam; chất xơ: 3 gam; chất béo: 0 gam; magie: 10% RDI; sắt: 4% RDI; vitamin C: 3% RDI....
Bác sĩ Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay với rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá, đặc biệt hàm lượng magie, chất xơ dồi dào, các chất chống oxy hóa quan trọng và calo cực thấp, quả thanh long tốt cho sức khỏe tổng thể, bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi những phân tử không ổn định và từ đó ngăn ngừa một số nguy cơ mắc bệnh mạn tính và lão hóa.
- Chống lão hóa và ung thư: Thanh long rất giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như flavonoid, betacyanin và axit phenolic, hydroxycinnamates.... Những hợp chất tự nhiên này giúp bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do - phân tử có thể dẫn đến lão hóa sớm và các bệnh như ung thư, thoái hóa tế bào não, ức chế sự xuất hiện của chứng mất trí nhớ.
- Giảm cân: Thanh long có chứa nhiều chất xơ và không có chất béo. Do đó, rất thích hợp để giảm cân.
- Giảm đường trong máu: Một số nghiên cứu gần đây cho biết thanh long có thể thay thế các tế bào bị hư hỏng trong tuyến tụy. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên bổ sung thêm quả thanh long vào chế độ ăn uống của mình nhằm hỗ trợ việc quản lý lượng đường huyết tối đa nhất.
Liều lượng khuyên dùng thanh long cho bệnh nhân tiểu đường là hai phần một ngày với mỗi phần khoảng 120g.
- Tốt cho tiêu hóa: Thanh long có chứa các prebiotics, giúp cung cấp các lợi khuẩn (probiotics) trong đường ruột. Khi cơ thể càng có nhiều prebiotics sẽ càng hỗ trợ đắc lực cho việc cải thiện sự cân bằng giữa các vi khuẩn tốt và xấu trong hệ tiêu hóa.
Ăn quả thanh long mỗi ngày sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn như bifidobacteria và lactobacilli. Những vi khuẩn sinh sống tại đường ruột này có thể tiêu diệt được các loại vi rút và vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể, đồng thời giúp tiêu hóa thức ăn hiệu quả.
- Bổ máu, ngăn xơ vữa động mạch: Thanh long chính là một loại trái cây chứa khá nhiều vitamin C, B1, B2, B3, các khoáng chất thiết yếu gồm phốt pho, sắt, canxi.
Tùy nhu cầu để chọn thanh long ruột trắng hay đỏ cho phù hợp với sức khỏe
Lựa chọn cách dùng để hiệu quả tốt nhất
Theo bác sĩ Trí, thanh long có hai loại thường thấy là có vỏ hồng, ruột trắng và ruột đỏ, cũng như có nhiều hột đen li ti. Hàm lượng trong hai loại thanh long đều rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm. Tùy mỗi giống thanh long có những ưu và hạn chế khác nhau.
Thanh long ruột trắng: Có tác dụng cải thiện đường tiêu hóa nhờ hàm lượng vitamin, chất xơ và nhiều nước, giúp giảm các triệu chứng đầy bụng, táo bón, giúp nhuận tràng và mang lại hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Giúp bảo vệ chân tóc khỏi bị hư tổn, tóc khỏi bị rám nắng hoặc bị hư tổn trong quá trình uốn hoặc dùng chất kích thích. Có thể bổ sung vào chế độ ăn kiêng vì lượng calo thấp.
Các chất chống oxy hóa và xơ trong thanh long có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Hàm lượng đường của ruột trắng thấp hơn nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiểu đường nên ăn thanh long ruột trắng.
Lợi ích của thanh thong ruột đỏ: Chứa hàm lượng chất dinh dưỡng như loại ruột trắng, tốt cho hệ tiêu hóa, chăm sóc tóc; hương vị của thanh long ruột đỏ ngọt hơn so với giống trắng. Hàm lượng anthocyanin, vitamin C, carotene (những chất chống oxy hóa) ở thanh long ruột đỏ cao hơn.
Có Betalains tạo sắc tố màu đỏ đậm này tác dụng trong việc bảo vệ các cholesterol xấu LDL của cơ thể khỏi nguy cơ bị hư hỏng hoặc oxy hóa. Tuy nhiên thanh long ruột đỏ thì không nên ăn quá nhiều vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm.
Một số người không nên ăn thanh long
- Người tiêu chảy, lạnh bụng: Do thanh long có tính hư hàn cao nên những người bị tiêu chảy, hệ đường ruột kém dễ bị lạnh bụng, trào ngược dạ dày thì không nên ăn, trái thanh long có tính lạnh. Thêm vào đó, những người huyết áp thấp, chân tay hay bị lạnh, thân nhiệt hư hàn, mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt thì cũng không nên ăn nhiều thanh long.
- Phụ nữ trong ngày kinh nguyệt: Do nữ giới trong ngày kinh nguyệt cơ thể dễ bị đau bụng, lạnh bụng, thân nhiệt suy giảm cũng không nên ăn nhiều thanh long.Thêm vào đó, khi ăn thanh long trong ngày này sẽ khiến cho tình trạng ra máu nhiều hơn, dễ gây nên hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, bủn rủn chân tay.
- Người suy hô hấp, dịch đờm: Với những người đang mắc bệnh về đường hô hấp ứ máu, dịch đờm nhiều cũng không nên ăn nhiều.Bởi thanh long có tính hàn lạnh cao nên sẽ làm ảnh hưởng tới cổ họng, khiến cho bệnh tình thêm trở nặng.
- Phụ nữ có thai cơ địa dị ứng, người dị ứng thanh long: Với những người mắc chứng dị ứng với thanh long thì tuyệt đối không nên ăn loại quả này. Nếu ăn vào sẽ gây ra hiện tượng mẩn ngứa, khó thở, suy hô hấp cực kỳ nguy hiểm.
Trong thanh long có chứa nhiều protein thực vật, do đó những người mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.
Những lưu ý quan trọng khi ăn thanh long:
Nhai không kỹ đã vội nuốt: Ăn chậm nhai kỹ là nguyên tắc ăn uống hàng đầu, đặc biệt với thanh long. Những hạt đen li ti trong thanh long chứa rất nhiều axit béo có lợi như omega-3 và omega-6, giúp làm giảm lượng cholesterol xấu và tăng sức dẻo dai cho thành mạch, rất tốt cho sức khỏe.
Không rửa vỏ quả thanh long trước khi ăn: Nhiều người cho rằng vỏ quả thanh long rất dày, lại không có khả năng "hút" những loại sâu bọ nên đảm bảo an toàn, hiếm có nguy cơ nhiễm dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Xuất phát từ nguyên nhân này, nhiều người chủ quan thường bỏ qua việc rửa sạch quả trước khi ăn.
Tránh ăn thanh long cùng sữa bò: Ăn thanh long cùng sữa bò sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa.