Các điểm giao dịch vàng đông nghẹt người mua bán trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng khép lại năm 2023. Tuy nhiên "cơn sốt" chưa dừng lại mà lan tới đầu năm 2024. Sau ngày vía Thần tài tất bật, giá kim loại quý cũng bước vào nhịp tích lũy tốt. Từ vùng dưới 79 triệu đồng mỗi lượng, vàng SJC dần tiến lên 82,5 triệu đồng vào giữa tháng 3.
Hàng trăm người đổ về một cửa hàng ở quận Bình Thạnh (TP HCM) tìm mua vàng ngày vía Thần Tài. Ảnh: Thanh Tùng
Sức nóng thời điểm đó cũng được chia cho chứng khoán. Với những dự báo lạc quan về kinh tế vĩ mô, môi trường lãi suất thấp và lợi nhuận doanh nghiệp cho năm mới, nhà đầu tư bắt đầu đổ tiền vào gom cổ phiếu sau một năm VN-Index biến động mạnh. Ở giai đoạn này, chứng khoán được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng và rổ bluechip. Điểm số tăng hàng chục đơn vị và thanh khoản lên đến hàng tỷ USD thường xuyên được bắt gặp. Từ giữa tháng 3, VN-Index liên tục vượt kháng cự mạnh khiến giới đầu tư kỳ vọng chỉ số này sớm vượt mốc tâm lý quan trọng 1.300 điểm.
Tuy nhiên, ngay khi bước qua quý II, thị trường dần bộc lộ nhiều tín hiệu tiêu cực khi áp lực chốt lời mạnh lên, khối ngoại bán ròng ngày càng lớn. Chứng khoán ghi nhận "cú sập" hôm 15/4 khiến VN-Index rơi gần 60 điểm, nhà đầu tư đua lệnh bán tháo đưa thị trường vào cơn hoảng loạn. Thời điểm đó, chuyên gia phân tích độc lập Huỳnh Hoàng Phương cho rằng đây là hệ quả của việc thị trường đi trước những chỉ số vĩ mô khi kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững, hai cấu thành tiêu dùng và đầu tư tư nhân - chiếm tỷ trọng cao trong GDP - chưa tăng mạnh. Thêm vào đó, thị trường liên tục đối mặt nhiều rủi ro, nhất là áp lực tỷ giá.
Nhà đầu tư bối rối khi thị trường chứng khoán giảm mạnh. Ảnh: An Khương
Chứng khoán "sập" trùng với thời điểm kim loại quý khởi động đợt tăng giá kỷ lục. Đến giữa tháng 5, vàng lập đỉnh 92,4 triệu đồng mỗi lượng. Có ngày, vàng miếng thương hiệu nhảy lên mức giá mới chỉ tính bằng giờ và tăng tới vài triệu đồng chỉ trong 24 tiếng, khiến người dân vây kín các điểm giao dịch. Thị trường bắt đầu truyền tai nhau về việc chuyển tiền đầu tư chứng khoán sang mua vàng để đón sóng.
Giới chuyên gia cho rằng giá vàng SJC phụ thuộc hoàn toàn vào cung và cầu trong nước vì chỉ có một lượng cung không đổi vàng miếng lưu thông trên thị trường suốt 10 năm qua. Vì thế, vàng miếng là kênh đầu tư mang nặng yếu tố tâm lý bởi tính khan hiếm.
Để chặn đà tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai những biện pháp can thiệp, từ cho đấu thầu để khơi thông thêm nguồn cung đến phân phối theo hạn ngạch với giá trần theo quy định cho Công ty SJC và bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank. Biện pháp trên lập tức có tác dụng khiến giá vàng rơi một mạch về vùng dưới 77-80 triệu đồng suốt đến giữa tháng 7.
SJC mất nhiệt cũng là lúc vàng nhẫn 24K lên ngôi, cùng nhịp với thị trường thế giới. Từ mức dưới 63 triệu đồng mỗi lượng hồi đầu năm, giá tăng lên sát 90 triệu đồng vào cuối tháng 10, tức tích lũy gần 43%. Khoảng cách với vàng thương hiệu cũng được rút ngắn từ hơn chục triệu về còn vài trăm nghìn đồng, có thời điểm cao hơn cả triệu đồng. Đà tăng mạnh của vàng 24K chỉ được chặn đứng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thị trường lo ngại những chính sách mới sẽ ghìm chân kim loại quý.
Giá vàng bớt nóng đi nhưng thanh khoản chứng khoán vẫn ì ạch, nhiều người chọn đứng ngoài thị trường quan sát thêm cơ hội khi VN-Index liên tục thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm. Phiên 30/12, chỉ số này đóng cửa ở trên 1.272 điểm, tức tích lũy được 12,4% - mức thấp thứ nhì kể từ năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng có nhiều yếu tố khiến chứng khoán lình xình khi nhà đầu tư và doanh nghiệp tập trung thu xếp tài chính cuối năm, tâm lý thận trọng lúc thị trường thiếu vắng các động lực tăng trưởng mới, biến động tỷ giá USD cùng xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi của khối ngoại. Ngoài ra, các quỹ đầu tư cũng thường tái cơ cấu danh mục cuối năm khiến thanh khoản chứng khoán giảm sút.
"Thị trường chứng kiến sự thay đổi trong chính sách tiền tệ sang dần nới lỏng, nhưng lãi suất chưa đủ thấp để dòng tiền có thể chảy vào chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm hay các kênh đầu tư khác", chuyên gia này nói thêm.
Một số nhà đầu tư chọn chuyển dịch dòng vốn để tìm cơ hội với bất động sản khi thị trường dần ấm theo kỳ vọng chính sách và kế hoạch đầu tư công, môi trường lãi suất thấp. Đặc biệt, khu vực phía Bắc được phả hơi nóng thấy rõ. Dữ liệu của CBRE chỉ ra trong 9 tháng đầu năm, tổng nguồn cung mở bán căn hộ mới ở Hà Nội đạt hơn 19.000 căn, vượt cả năm 2023 và lớn nhất trong vòng 5 năm. Lực cầu đầu tư lớn, dòng tiền đổ về sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực tại trung tâm. Năm nay, Hà Nội dự thu gần 48.600 tỷ đồng từ địa ốc, trong đó tiền sử dụng đất khoảng 36.100 tỷ, tăng hơn 40%.
"Bất động sản luôn là lựa chọn trước nhất mỗi khi nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn cho tài sản hay dịch chuyển dòng tiền của họ vì độ an tâm khi sở hữu một ngôi nhà sẽ rất lớn", ông ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE, đưa ra nhận định vào thời điểm trên.
Từ quý III, SGI Capital - đơn vị quản lý quỹ mở The Ballad Fund - cũng cho rằng bất động sản là tâm điểm hút dòng tiền nội. Điều này khá tương đồng chu kỳ 2010-2011, thị trường địa ốc phía Bắc xảy ra sốt nóng cùng lúc với giai đoạn thanh khoản của chứng khoán cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng.
Tuy nhiên, cơ hội trên thị trường không quá rộng mở khi sự phục hồi chưa đồng đều. Ngoại trừ bất động sản công nghiệp và chung cư tại một số đô thị lớn sôi động trở lại, các phân khúc khác như đất nền, biệt thự, nghỉ dưỡng vẫn trong cảnh ảm đạm. Thị trường phía Nam cũng kém sôi động hơn hẳn, riêng TP HCM luôn đối mặt thiếu hụt nguồn cung. 11 tháng đầu năm, thành phố chỉ có 31 dự án nhà ở thương mại triển khai, quy mô 31.167 căn, theo thống kê từ Sở Xây dựng. Số này bằng một phần ba lượng dự án triển khai cùng kỳ các năm trước.
Chung cư cao cấp phía Tây Hà Nội tháng 11/2024. Ảnh: Giang Huy
Với những ai có vốn nhỏ hơn, tiền số trở thành "hiện tượng đầu tư" giai đoạn cuối năm. Bitcoin (BTC) đã liên tục lập đỉnh giá mới vào tháng 3 (cao nhất hơn 73.750 USD) khi các quỹ ETF giao ngay được Mỹ phê duyệt giúp khơi thông dòng vốn của các tổ chức tài chính hàng đầu. Tuy nhiên, tiền số lớn nhất thế giới đã phải trải qua khoảng nửa năm "mắc kẹt" theo hướng sideway.
Phải đến chiến thắng của Donald Trump - ứng cử viên ủng hộ tiền số, thị trường mới phấn khích khi Bitcoin tăng vọt lên kỷ lục hơn 108.246 USD, gấp đôi đầu năm. Nhiều người bắt đầu tính chuyện tích sản bằng tiền số để đón "sóng" cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ông Lê Sỹ Nguyên, Quản lý cấp quốc gia của sàn giao dịch Bitget tại Việt Nam, cho rằng Bitcoin vượt 100.000 USD "báo hiệu một kỷ nguyên mới cho tài sản kỹ thuật số". Điều này thúc đẩy khối lượng giao dịch và làm nổi bật sự quan tâm, sự tham gia ngày càng tăng của nhiều người.
Tuy nhiên, theo khảo sát nhìn lại thị trường 2024 của nền tảng Coin68 với hơn 2.700 người Việt, dù tiền số trải qua một năm khá thuận lợi, vẫn có gần 44% người được hỏi cho biết đang lỗ. Thời gian qua, thị trường ghi nhận nhiều trường hợp "cháy" tài khoản do giao dịch phái sinh một cách không kiểm soát. Ở những phiên BTC lập đỉnh, hàng trăm triệu USD vốn của nhà đầu tư vẫn bị thổi bay.
Trong mối tương quan về hiệu suất sinh lời, gửi tiết kiệm và trái phiếu trở nên kém hấp dẫn. Lãi suất duy trì mức thấp 4-5% một năm cho kỳ hạn 12 tháng, dù nhích dần cũng chỉ dừng lại quanh 5-7% một năm. Trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, hoạt động phát hành chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng hoặc các doanh nghiệp muốn đảo nợ.
Tuy nhiên theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư của FIDT, hai kênh này vẫn phù hợp với một số nhóm nhà đầu tư cụ thể. Gửi tiết kiệm dành cho những người có khẩu vị rủi ro thấp, ưu tiên bảo toàn vốn và cần tính thanh khoản cao, đặc biệt là nhóm lớn tuổi, người chuẩn bị các kế hoạch tài chính ngắn hạn (chi tiêu gia đình, học phí, kinh doanh) hoặc muốn duy trì khoản dự phòng cho các tình huống khẩn cấp. Với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp uy tín, chuyên gia cho rằng phù hợp cho nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thiên về tăng trưởng và cân bằng. Nhóm này có thể tìm kiếm thu nhập ổn định với mức lợi suất cao hơn ngân hàng.
"Gửi tiết kiệm và trái phiếu không phải là các kênh tạo ra lợi nhuận cao nhất, nhưng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phân bổ tài sản, phù hợp với những nhà đầu tư ưu tiên sự an toàn, ổn định và tính thanh khoản, nhất là trong bối cảnh thị trường đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng mới", chuyên gia này nói.
Sự chuyển dịch dòng tiền đầu tư năm 2024 với sự nổi lên của các kênh như chứng khoán, bất động sản và tiền số, có thể khiến những người mới bắt đầu cảm thấy bối rối. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng điều này cũng mở ra cơ hội để xây dựng nền tảng đầu tư vững chắc.
Lời khuyên từ chuyên gia là học hỏi và trang bị kiến thức. Nhà đầu tư cần hiểu rõ đặc điểm, rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của từng kênh. Tham gia các khóa học, hội thảo hoặc tìm đọc tài liệu từ các nguồn uy tín sẽ giúp tự tin hơn khi ra quyết định.
Thứ hai là phải phân bổ tài sản hợp lý. Không nên tập trung toàn bộ vốn vào kênh duy nhất. Một danh mục cân bằng, kết hợp giữa tài sản rủi ro như cổ phiếu, tiền số và tài sản an toàn như tiết kiệm, trái phiếu, sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Điều quan trọng không kém là kiên nhẫn và tránh chạy theo đám đông. Chuyên gia cảnh báo thị trường luôn biến động và những quyết định theo cảm tính thường dẫn đến thua lỗ. Thay vào đó, hãy bám sát kế hoạch đầu tư đã đề ra và tập trung vào mục tiêu dài hạn.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc tận dụng sự hỗ trợ từ chuyên gia để được tư vấn phù hợp với mục tiêu và khẩu vị rủi ro của bản thân. Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hoặc chứng chỉ quỹ có thể là lựa chọn tốt để bắt đầu.
Tất Đạt