Chuyên mục  


"Mẹ bảo đợi con đi lấy chồng mà", cô con gái cả khóc khi ôm lấy mẹ, trong căn phòng chỉ còn tiếng kêu bíp bíp của máy móc y tế, hôm 30/12.

Mẹ của cô, vài ngày trước gặp tai nạn lao động, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ tận tình cứu chữa, song người phụ nữ dân tộc Tày - mẹ của 4 đứa con - không thể qua khỏi, rơi vào trạng thái chết não.

Gia đình hiến tạng của bà để ghép cứu người. Tuy nhiên điều kiện y tế tại Lào Cai chưa thể chủ động hồi sức, lấy tạng của bệnh nhân chết não hiến tặng. Một cuộc hội chẩn tư vấn trực tuyến từ xa được nối giữa bệnh viện Lào Cai và Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), các chuyên gia bàn phương án vận chuyển bệnh nhân về thủ đô. Các bác sĩ Việt Đức hướng dẫn êkíp bác sĩ Lào Cai tiến hành các bước đánh giá chết não, hồi sức bệnh nhân và đưa bà về Hà Nội để phẫu thuật lấy tạng.

Phút vĩnh biệt trước khi các bác sĩ thực hiện lấy tạng, hai cô con gái ôm và nắm tay mẹ, không ngừng khóc. Chị cả cầm điện thoại gọi cho các em đang ở quê nhà để được nhìn mẹ lần cuối. "Mẹ mất đi rồi, nhưng mẹ vẫn còn sống trong cơ thể người khác là niềm an ủi cho cả nhà", cô gái chia sẻ.

Hai cô con gái vĩnh biệt mẹ trước khi các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng ghép cho bệnh nhân khác. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau đó, êkíp phẫu thuật lấy một trái tim, một lá gan và một quả thận, ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Quả thận còn lại, như một sứ mệnh tiếp nối, được vận chuyển ngược về Lào Cai ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ghi "dấu ấn lịch sử" là ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện này.

Hiện sức khỏe các bệnh nhân ghép tạng đã ổn định.

Việt Nam ghi nhận 39 ca hiến tạng từ người chết não trong năm 2024 - mức kỷ lục từ trước đến nay. Tỷ lệ tạng ghép từ nguồn hiến này tăng lên 12%, trước đây chỉ khoảng 5%.

Thời gian qua, các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người được thành lập ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn kiến thức, nhận diện người chết não tiềm năng; chẩn đoán và hồi sức bệnh nhân khi chết não để đảm bảo chất lượng tạng tốt góp phần ghép thành công; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng.

32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992, đến nay Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong ghép tạng. Cả nước hiện có 28 bệnh viện được cấp phép ghép tạng, bao gồm bệnh viện cấp tỉnh, thực hiện tổng cộng khoảng 9.300 ca ghép.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020