Chuyên mục  


Tại buổi lễ diễn ra lúc 12h ngày 7/10 (giờ Stockholm, tức 16h45 - giờ Hà Nội), đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng tên nghiên cứu trên.

Vào đầu thập niên 1990, Victor Ambros và Gary Ruvkun đã phát hiện ra microRNA, một lớp phân tử RNA nhỏ mới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa gene. Phát hiện mang tính đột phá của họ ở loài giun nhỏ C.elegans đã tiết lộ nguyên lý hoàn toàn mới về quá trình điều hòa gene. Nguyên lý này rất cần thiết đối với các sinh vật đa bào, bao gồm cả con người. Nó liên quan mật thiết đến cách các sinh vật trên thế giới vận động và phát triển.

"Phát hiện đột phá của họ tiết lộ một nguyên lý hoàn toàn mới về điều hòa gene, điều cần thiết cho các sinh vật đa bào, bao gồm cả con người", Hội đồng Nobel cho biết.

Từ trước đến nay, giới khoa học hiểu rằng bộ gene người mã hóa cho hơn 1.000 microRNA. Khám phá mới của hai nhà khoa học tiết lộ một chiều hướng hoàn toàn mới về điều hòa gene. Từ đó, cộng đồng khoa học hiểu rằng microRNA cực kỳ quan trọng đối với cách thức sinh vật phát triển và hoạt động.

Victor Ambros sinh năm 1953 tại Hanover, New Hampshire, Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1979. Đây cũng là nơi ông thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ từ năm 1979 đến năm 1985. Hiện ông là giáo sư tại Trường Y Đại học Massachusetts. Còn Gary Ruvkun sinh năm 1952 tại Berkeley, California, Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard năm 1982. Hiện ông là giáo sư Trường Y Harvard.

Người đoạt giải sẽ được trao chứng nhận Nobel, huân chương Nobel và tiền thưởng trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 989.000 USD), vào ngày 10/12. Các nhà khoa học thường phải đợi nhiều thập kỷ để công trình của họ được Hội đồng Giám khảo Nobel công nhận.

Năm 2023, Ủy ban Nobel xướng tên hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman cho công trình nghiên cứu về vaccine mRNA ngừa Covid-19. Được công bố năm 2005, khám phá của họ mở đường cho sự ra đời của vaccine Pfizer và Moderna ngừa Covid-19. Nghiên cứu này cũng cho thấy tiềm năng chống lại các loại bệnh khác như HIV, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền.

Huy chương được trao cho Người đoạt giải Nobel Y sinh tại New York, Mỹ, tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Từ năm 1901 đến nay, Ủy ban đã trao giải Nobel Y Sinh cho tổng cộng 227 cá nhân có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực. Người trẻ nhất từng đoạt giải là nhà khoa học Frederick G. Banting, được vinh danh khi mới 32 tuổi, vì đã khám phá ra insulin. Người cao tuổi nhất là Peyton Rous cho công trình phát hiện virus gây khối u. Ông được xướng tên năm 1966, ở tuổi 87.

*Tiếp tục cập nhật

Thục Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020