Cửa ô - một danh xưng cực kỳ độc đáo chỉ có ở Hà Nội, là nơi có chức năng như cửa khẩu buôn bán cũng như bảo vệ an ninh được canh phòng cẩn mật. Hà Nội 36 phố phường cùng với những Cửa ô đi qua bao thăng trầm của năm tháng in sâu trong tâm thức bao thế hệ người Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung. Câu chuyện về mỗi Cửa ô ở Hà Nội ít nhiều đã phai mờ, chìm dần vào ký ức, thế nhưng nó vẫn luôn gắn liền với lịch sử đầy hào hùng của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề "Hà Nội và những Cửa ô" nhằm giới thiệu lịch sử các Cửa ô Hà Nội gắn liền với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.
Trưng bày tái hiện lịch sử các Cửa ô của Hà Nội cung cấp góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô và sự biến mất theo thời gian của hầu hết các Cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, triển lãm giới thiệu quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.
Trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề.
Cửa ô xưa: Giới thiệu về lịch sử hình thành các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội; kiến trúc, vai trò, công năng của các Cửa ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các Cửa ô theo từng giai đoạn. Dưới sự tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các Cửa ô Hà Nội dần bị phá hủy. Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến nay lưu lại hình dáng của các Cửa ô Thăng Long xưa.
Cửa ô chiến thắng: Kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các Cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố.
Cửa ô Hà Nội hôm nay: Chứng kiến những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, Cửa ô xưa là chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, đồng thời cũng là nơi ca khúc khải hoàn đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Để từ ngày ấy, Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng phát triển với những quy hoạch xứng tầm với những đại lộ sầm uất và cây cầu nối ngang dọc bao miền xa xôi.
Qua đó, chúng ta thấy được diện mạo của Hà Nội sau những thay đổi địa giới hành chính, dưới sự quy hoạch Thủ đô của Đảng và Nhà nước đã giúp Hà Nội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999) và cũng là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (30/10/2019).
Tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng những lịch sử hào hùng, Cửa ô cất giữ những câu chuyện về quá khứ vàng son của cha ông, để chúng ta thêm yêu và trân trọng hiện tại, nỗ lực hướng về xây dựng tương lai.
Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những Cửa ô" mở cửa từ ngày 7/10/-30/10/2024 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, 19C, phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.