Gần đây hạt chia đã trở thành nguyên liệu phổ biến trong các công thức nấu ăn lành mạnh - Ảnh: Reuters
Hạt chia có nguồn gốc từ Mexico và Guatemala, thuộc họ bạc hà và được lấy từ cây Salvia hispanica. Gần đây hạt chia đã trở thành nguyên liệu phổ biến trong các công thức nấu ăn lành mạnh.
Lợi ích sức khỏe của hạt chia
Hạt chia được các chuyên gia dinh dưỡng yêu thích vì một khẩu phần 2 thìa (khoảng 28g) chứa 150 calo, 10g chất xơ, 6g protein và 10g chất béo, phần lớn là chất béo không bão hòa đa - loại chất béo lành mạnh.
Hạt chia chứa nhiều chất xơ và không chứa gluten. Theo Đại học Harvard, việc bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường loại 2, ung thư, viêm nhiễm và các vấn đề tiêu hóa.
Bên cạnh đó, hạt chia cũng là nguồn cung cấp protein thực vật. Nghiên cứu cho thấy việc thay thế protein từ động vật bằng protein từ thực vật như hạt, các loại đậu có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và hỗ trợ giảm cân.
Hạt chia còn giàu axit alpha-linolenic (ALA), một loại axit béo omega-3 thực vật có tác dụng kháng viêm. Cơ thể không thể tự sản xuất ALA, vì vậy cần bổ sung từ thực phẩm. Omega-3 còn có lợi cho sức khỏe não bộ và tim mạch.
Ngoài ra, hạt chia có khả năng hấp thụ nước gấp 10 lần trọng lượng của chúng. Khi ăn các món có hạt chia, bạn cũng bổ sung lượng nước mà chúng đã hấp thụ. Điều này rất hữu ích khi bạn không muốn uống nhiều nước, chẳng hạn trước khi chạy bộ hoặc trước khi đi ngủ.
Khả năng giữ nước của hạt chia cũng mang lại lợi ích cho da, giúp da khỏe mạnh và rạng rỡ. Ngoài ra, hàm lượng chất béo lành mạnh trong hạt chia rất tốt cho những ai có làn da khô.
Cuối cùng, hạt chia chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh như ung thư, tiểu đường và Alzheimer.
Hạt chia có giúp giảm cân không?
Hạt chia là một nguyên liệu lành mạnh nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, trên TikTok, nhiều người đang sử dụng hạt chia theo cách không an toàn, chẳng hạn như uống nước hạt chia để giảm cân. Cách này dựa trên lý thuyết rằng hạt chia nở trong dạ dày sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu.
Mặc dù hàm lượng chất xơ và protein trong hạt chia có thể giúp bạn no lâu hơn và giảm ăn vặt, nhưng chúng không có tác dụng chặn cơn đói. Ngoài ra, việc uống nước hạt chia có thể giúp cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón, nhưng cách này không phù hợp với tất cả mọi người.
Mỗi ngày, hãy tuân theo khẩu phần ăn 2 thìa (28g) hạt chia. Có thể chia thành nhiều lần, chẳng hạn thêm 1-2 thìa cà phê vào sinh tố, sữa chua hoặc làm pudding hạt chia.
Do chứa nhiều chất béo, hạt chia nên được bảo quản trong túi hoặc hộp kín, để trong tủ lạnh hoặc ngăn đá để tăng thời gian sử dụng. Bạn có thể dùng hạt chia để rắc lên ngũ cốc, sữa chua, thêm vào sinh tố, xúp hoặc bánh burger hay ăn cùng với granola.
Rủi ro khi dùng hạt chia
Nếu không để hạt chia nở trong nước trước khi ăn, chúng có thể gây nguy hiểm cho những người mắc chứng khó nuốt hoặc các vấn đề như viêm túi thừa. Hạt chia khô có thể kết hợp với nước bọt tạo ra gel và làm tắc nghẽn thực quản. Loại thức uống này không phù hợp cho trẻ nhỏ hoặc người có khó khăn trong việc nuốt.
Bạn chỉ nên uống một cốc (240ml) nước hạt chia mỗi ngày. Nếu uống quá nhiều, bạn có thể gặp tình trạng đau bụng hoặc tiêu chảy do hàm lượng chất xơ cao.