Chuyên mục  


58a88793-bbc7-45ab-bc67-a8898c70f82a-17342471882731273684577.jpg

Nhân viên y tế xoa bóp bấm huyệt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Chị N.T.L.A., 42 tuổi, ngụ ở quận 11 (TP.HCM) là nhân viên văn phòng một công ty ở quận 1. Ngồi làm việc suốt và không có thời gian tập thể dục nên thi thoảng buổi trưa hoặc cuối giờ chiều chị tranh thủ đi massage để được bẻ khớp tại một cơ sở ngay gần công ty.

Chỗ chị A. massage có các kỹ thuật viên thực hiện nhiều động tác bẻ khớp làm các khớp kêu "rắc rắc". Chị A. nghe tiếng này như nghe báo hiệu lâu lắm các khớp của chị mới được "vận động" và chị cảm thấy rất "đã".

Bác sĩ Ngô Thị Bạch Yến, khoa khám bệnh (Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM) cho biết nắn chỉnh, bẻ khớp và xoa bóp bấm huyệt có tác dụng giảm đau, thư giãn nhưng đang bị quảng cáo đẩy tác dụng lên thái quá.

Nhiều người cho rằng nắn chỉnh khớp và xoa bóp bấm huyệt phải phát ra tiếng kêu "rắc rắc" mới hiệu quả. Trên thực tế, đa số các trường hợp được nắn khớp - xoa bóp bấm huyệt sẽ không phát ra tiếng kêu.

Việc tự ý bẻ khớp và xoa bóp bấm huyệt không đúng cách (thực hiện ở các cơ sở massage, nhân viên không được đào tạo chính quy), có thể khiến khớp bị tổn thương, lâu dần phát triển thành thoái hóa, viêm khớp hoặc thoát vị đĩa đệm.

Nếu tác động mạnh, có thể gây sang chấn từ nhẹ đến nặng như bong gân, giãn dây chằng, mạnh hơn là đứt, tổn thương cơ nặng, đôi khi gãy xương.

Tiếng kêu "rắc rắc" trong quá trình massage là do các bọt khí sinh ra ở trong màng hoạt dịch khớp cũng như sự dịch chuyển đột ngột của gân và dây chằng. Một số trường hợp thoái hóa khớp với sụn khớp bị mòn cũng sinh ra tiếng kêu tương tự.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Yến nếu xoa bóp bấm huyệt và bẻ khớp không đúng phương pháp và không phù hợp với thể trạng từng người thì có thể còn gây bầm tím, thậm chí ê ẩm hơn hoặc nếu làm những động tác mạnh tác động vào phần xương, khớp thì có thể gây ra nhiều tác hại xấu, thậm chí liệt cột sống.

Đặc biệt, một số trường hợp được báo cáo xảy ra tai biến khi xoa bóp bấm huyệt không đúng cách, dẫn đến tai biến nặng nề (gãy cổ, gãy xương sườn số 12, liệt tứ chi, tử vong…) do người thực hiện xoa bóp bấm huyệt thực hiện động tác sai, mạnh đột ngột.

"Việc thực hiện xoa bóp bấm huyệt, nắn chỉnh bẻ khớp không đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. 

Áp lực mạnh hoặc kỹ thuật thô bạo như giậm chân trên lưng người bệnh, sử dụng các công cụ ấn huyệt tự chế... có thể kích thích dây thần kinh gây ra cảm giác đau, tê liệt hoặc mất cảm giác tạm thời' - bác sĩ Yến khuyến cáo.

Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ Yến cho biết việc gây tổn thương cho dây thần kinh có thể dẫn đến khó khăn trong vận động, thậm chí teo cơ, liệt cơ hoặc gặp các rối loạn cảm giác kéo dài. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân do bị xoa bóp sai cách gây liệt các cơ hô hấp dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, việc xoa bóp bấm huyệt không đúng cách có thể gây vết bầm tím, chảy máu dưới da và bầm dập mô cơ bên dưới, gây đau đớn dai dẳng, đặc biệt là đối với những người cao tuổi, sức khỏe kém.

Những lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt và nắn chỉnh khớp

Theo bác sĩ Bạch Yến không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu "rắc rắc" vì đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

Việc thực hiện động tác lắc cổ quá mạnh hoặc đột ngột có thể ảnh hưởng đến các động mạch ở đốt sống cổ.

Việc cố bẻ cổ kêu "rắc rắc" thường xuyên cũng có thể làm giãn dây chằng ở cổ. Điều này sẽ khiến cho hoạt động ở cổ bị yếu và bị đau nếu không được điều trị đúng cách.

Nguy hiểm hơn, việc duy trì thói quen bẻ cổ, lắc cổ trong thời gian dài có thể khiến cho cột sống cổ bị tổn thương, dần dần phát triển thành thoái hóa đốt sống cổ, viêm cột sống hay bệnh thoát vị đĩa đệm cổ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020